Dấu hỏi dòng tiền đi đâu?

(ĐTCK) Nền kinh tế tăng trưởng vững, nhưng VN-Index lại giảm gần 7% so với đầu năm 2018. Dòng tiền thận trọng hay vơi cạn trên sàn niêm yết? Phải chăng, hàng chục nghìn tỷ đồng hút vào các hoạt động IPO, thoái vốn, khiến dòng tiền trên sàn chứng khoán suy giảm, ảnh hưởng đến điểm số và thanh khoản trên sàn?
Dấu hỏi dòng tiền đi đâu?

Gần 100 nghìn tỷ đồng hút vào các đợt IPO, thoái vốn nhà nước

Trong những ngày đầu năm 2018, thị trường chứng khoán đón nhận 3 đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của các đơn vị thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Điện lực dầu khí (POW) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (OIL), thu về cho Nhà nước 16.440 tỷ đồng.

Trong cuộc IPO của BSR và POW, có 61% số cổ phần chào bán được nhà đầu tư nước ngoài mua. Còn trong phiên đấu giá OIL, tỷ lệ mua của khối ngoại là 33%. Sức hấp dẫn của các đợt đấu giá này được cho là đến từ vị thế đầu ngành trong lĩnh vực mà các doanh nghiệp hoạt động, mặt khác là định hướng thoái vốn nhà nước xuống dưới mức sở hữu chi phối (51%).

Quỹ đầu tư Vietnam Opportunity Fund Limited (VOF) do Vina Capital quản lý công bố đã chi gần 45 triệu USD để mua cổ phiếu BSR và POW trong các đợt IPO do đánh giá triển vọng tăng trưởng trong trung hạn của các doanh nghiệp. Trong đó, khoảng 25 triệu USD đã được đầu tư vào BSR và 20 triệu USD vào POW.

Hàng loạt thương vụ IPO lớn khác diễn ra thành công như tại Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II, thu về 1.160 tỷ đồng), Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro, thu về 971 tỷ đồng), Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Protrade, thu về 524 tỷ đồng), hay Tập đoàn Công nghiệp Cao su bán được 1/4 số cổ phiếu chào bán cũng đã thu về 1.311 tỷ đồng.

Song song với hoạt động IPO tại các doanh nghiệp nhà nước, thị trường cũng ghi nhận giao dịch IPO tư nhân “khủng” như tại Ngân hàng Techcombank (TCB) hay của Công ty cổ phần Vinhomes (VHM).

Cụ thể, trong tháng 3 và 4/2018, Techcombank bán 172,4 triệu cổ phiếu quỹ, thu về hơn 16.870 tỷ đồng. Trong đó, ngoại trừ 14,7 triệu cổ phiếu được chào bán cho người lao động thì toàn bộ số còn lại đã được chào bán cho các nhà đầu tư bên ngoài, chủ yếu là khối ngoại.

Dù không công bố chi tiết các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần và cũng không có tổ chức nào công bố trở thành cổ đông lớn, nhưng có không ít quỹ được truyền thông đưa tin về việc tham gia đàm phán để trở thành nhà đầu tư tại Techcombank như GIC, Dragon Capital, Vesta VN Investments B.V, COG Investments B.V. Trước ngày niêm yết (4/6/2018), bản cáo bạch của Techcombank cho biết, cổ đông nước ngoài đã sở hữu 22,5% vốn điều lệ Ngân hàng, trong đó có 170 tổ chức, chiếm 22,08% vốn.

Tại Vinhomes, 1 tháng trước niêm yết, Công ty đã bán 153,4 triệu cổ phiếu VHM cho Quỹ GIC (Singapore), tương đương 5,74% vốn điều lệ. Một ngày sau khi niêm yết (17/5/2018), có 267,8 triệu cổ phiếu VHM được chuyển nhượng theo phương thức thỏa thuận, trong đó khối ngoại mua 248,9 triệu đơn vị, trị giá 28.548 tỷ đồng.

Trong báo cáo danh mục tháng 5/2018 của Quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) do Dragon Capital quản lý, VHM đã trở thành khoản đầu tư có giá trị thứ lớn 6 trong danh sách, với tỷ lệ 5,11% giá trị tài sản ròng (NAV), tương đương 82 triệu USD khi đó.

Đến cuối tháng 6/2018, giao dịch tương tự VHM diễn ra với cổ phiếu YEG của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1, khi 7,85 triệu cổ phiếu YEG được khối ngoại mua vào thông qua giao dịch thỏa thuận, trị giá 2.357 tỷ đồng.

Ngày 2/10, Tập đoàn SK Group (Hàn Quốc) chi 11.000 tỷ đồng của để mua 110 triệu cổ phiếu quỹ của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (MSN), qua đó nắm giữ 9,45% vốn điều lệ tại doanh nghiệp này.

Tính chung các thương vụ giao dịch IPO, bán vốn nhà nước và tư nhân từ đầu năm, ước tính tổng giá trị lên đến gần 100.000 tỷ đồng (tương đương hơn 4,3 tỷ USD). Đó là chưa kể các khoản đầu tư hàng triệu USD của nhiều quỹ nhắm vào các doanh nghiệp mới niêm yết như CENLAND, Hải Phát Invest.

Chẳng hạn, Quỹ VOF và Dragon Capital đầu tư vào Công ty cổ phần Bất động sản Thế kỷ (CENLAND-CRE). Trong thương vụ này, VOF đầu tư khoảng 10 triệu USD, các quỹ thuộc Dragon Capital đầu tư 11 triệu USD. 

Dòng tiền trên sàn chứng khoán suy giảm

Số liệu thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2018, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam tổng cộng 37.478 tỷ đồng. Từ đầu tháng 11 đến hết ngày 26/11/2018, thống kê trên cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM, giá trị mua ròng của khối ngoại là 999 tỷ đồng.

Như vậy, khối nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 38.477 tỷ đồng qua thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay, tương đương 83% tổng giá trị mua ròng trong năm 2017 và gấp 5,9 lần giá trị mua ròng trong năm 2016.

 Giá trị mua bán ròng theo tháng của khối ngoại trên TTCK năm 2018.

Trong bối cảnh hàng chục tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp đã bị rút ra khỏi các thị trường mới nổi trong năm 2018 trước lo ngại về chiến tranh thương mại leo thang, sự tăng giá của USD, lãi suất…, việc nhà đầu tư nước ngoài duy trì mua ròng là thông tin tích cực về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, dòng tiền khối ngoại không đầu tư trên diện rộng, mà tập trung vào một số cổ phiếu của doanh nghiệp có câu chuyện IPO, thoái vốn, bán vốn nhà nước. Tính riêng 7 mã POW, BSR, OIL, TCB, VHM (không tính lô bán cổ phần cho GIC), YEG và MSN, giá trị mua vào của các nhà đầu tư nước ngoài là gần 3 tỷ USD.

Bao nhiêu trong số này là khoản đầu tư mới, bao nhiêu được rút ra từ thị trường niêm yết? Nhiều chuyên gia cho rằng, một số khoản đầu tư như SK Group mua cổ phiếu MSN, Nawaplastic mua cổ phiếu BMP do SCIC thoái vốn là đến từ dòng vốn mới. Nhưng với các quỹ đầu tư, đặc biệt là nhóm quỹ đầu tư tài chính như VOF hay VEIL, thì để có tiền đầu tư vào TCB, VHM, POW.., một lượng tiền đáng kể đã được rút ra từ nguồn vốn đầu tư trên sàn chứng khoán.

Chẳng hạn, tại VEIL, với đặc thù là quỹ đóng, ước tính quỹ này đã phải bán giảm tỷ trọng nhiều cổ phiếu trong danh mục như MBB, HSG, VNM, GAS… để có tiền đầu tư vào VHM, TCB, BSR.

Thực tế, trong danh mục của VEIL, cổ phiếu VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam từng là khoản đầu tư lớn thứ hai vào cuối năm 2017 với 7,51% NAV, nhưng đến cuối tháng 4/2018, tỷ lệ giảm xuống 5,48% NAV và đến cuối tháng 5/2018 chỉ còn 4,34% NAV. Tháng 5/2018 cũng là thời gian cổ phiếu VNM bị khối ngoại bán ròng trên thị trường, với giá trị bán ròng 418 tỷ đồng, góp phần khiến thị giá cổ phiếu này giảm 11,2%.

Tính đến ngày 22/11/2018, báo cáo của VEIL cho biết, tỷ trọng cổ phiếu VNM là 3,28% NAV. Ngoài ra, khoản đầu tư trước đây đứng thứ 8 NAV với tỷ lệ 4,54% là GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP không còn nằm trong Top 10 phân bổ NAV lớn nhất của Quỹ.

Tại Quỹ VOF, giá trị đầu tư vào cổ phiếu PNJ của Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận đến cuối tháng 10/2018 giảm còn 59,4 triệu USD so với mức 73 triệu USD cuối tháng 1/2018, dù thị giá PNJ tăng so với đầu năm. Với khoản đầu tư vào VNM, tính đến cuối tháng 10/2018, giá trị giảm 50,3% so với đầu năm, dù thị giá cổ phiếu này (sau điều chỉnh cổ tức) chỉ giảm 32%.

Sau IPO, cả BSR, POW, OIL, VHM, hay TCB đều đã nhanh chóng niêm yết/đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán, kỳ vọng dòng tiền đầu tư vào đây quay trở lại thị trường. Tuy nhiên, diễn biến kém khả quan của thị trường cũng như thị giá các cổ phiếu khiến nhiều quỹ đầu tư rơi vào trạng thái “kẹt hàng”, khó khăn trong thu hồi vốn nhằm tái đầu tư.

Như VHM, giá đóng cửa phiên 26/11 thấp hơn 16% so với giá mà các nhà đầu tư mua vào trong phiên giao dịch 18/5/2018. Hay TCB, thị giá giảm gần 40% so với mức giá mà các tổ chức ngoại mua trong đợt bán cổ phiếu tháng 4/2018.

Tại BSR, sau khi IPO, doanh nghiệp đã đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch trên UPCoM từ ngày 1/3/2018. Từ đó đến nay, giá cổ phiếu BSR cao nhất là hơn 20.000 đồng/cổ phiếu, thấp nhất là 14.000 đồng/cổ phiếu, phiên 26/11 là 14.800 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 36% so với giá IPO bình quân thành công (hơn 23.000 đồng/cổ phiếu).

Từ khi lên sàn, khối ngoại liên tục “cắt lỗ” BSR, với tổng khối lượng bán ròng hơn 9 tháng qua là 64 triệu đơn vị, trị giá 1.250 tỷ đồng, tương đương 1/3 lượng mua vào trong đợt IPO. Với TCB, POW, OIL, lượng bán ròng của khối ngoại không đáng kể, nhiều khả năng các quỹ chưa thể thu hồi vốn từ các khoản đầu tư này.

Trong bối cảnh hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước sẽ được đẩy mạnh trong năm 2019, một lượng tiền không nhỏ được dự báo sẽ chảy vào các thương vụ này để tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Theo đó, hoạt động bán vốn, thoái vốn nhà nước có thể thuận lợi, nhưng sự thu hút mạnh dòng tiền vào thị trường sơ cấp cũng dẫn đến lo ngại về nguy cơ dòng tiền trên thị trường thứ cấp tiếp tục sụt giảm, ảnh hưởng đến khả năng hồi phục của điểm số và thanh khoản.

Thậm chí, một số ý kiến cho rằng, chu kỳ giảm điểm trong trung hạn của thị trường chứng khoán có thể quay lại, khi liên tưởng đến bối cảnh thị trường sau đợt IPO của Vietcombank năm 2007. 10.000 tỷ đồng hút vào phiên IPO của Vietcombank và “mắc kẹt” do giá cổ phiếu sau đó giảm sâu đã ảnh hưởng đến sức cầu của thị trường, góp phần đẩy VN-Index giảm điểm mạnh trong bối cảnh chịu tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra.

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục