Dòng tiền tích cực
Theo thống kê, 9 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút gần 19,7 tỷ USD dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giảm 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vốn FDI giải ngân lại tăng 6%, đạt 13,25 tỷ USD.
Đối với dòng vốn gián tiếp (FII) trên thị trường chứng khoán Việt Nam, dù đã có nhiều phiên lao dốc trong năm 2018 và khối ngoại có những thời điểm bán ròng mạnh, nhưng lũy kế 9 tháng đầu năm, khối ngoại vẫn mua ròng 31.680 tỷ đồng (gấp 2,26 lần so với cùng kỳ năm 2017), tương ứng khối lượng mua ròng 343 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE – sàn chiếm hơn 80% vốn hóa toàn thị trường cổ phiếu.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến dòng vốn đầu tư dịch chuyển tới Việt Nam, bao gồm nền kinh tế đang phát triển tích cực, lực lượng lao động dồi dào và chi phí lao động thấp hơn đáng kể so với khu vực, Chính phủ có các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài tốt, hàng hóa xuất khẩu được hưởng lợi nhờ việc Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do với hầu hết các nền kinh tế phát triển…
Đáng chú ý, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang tạo ra các đợt dịch chuyển mạnh, khi nhiều nhà sản xuất dời nhà máy tại Trung Quốc sang các nước lân cận, trong đó, Việt Nam được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều nhất nhờ vị trí địa lý thuận tiện. Thực tế, chính sự dịch chuyển này đã mở ra cơ hội tốt cho nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực có liên quan như bất động sản, khu công nghiệp, xây dựng...
Kết thúc 9 tháng năm 2018, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) ghi nhận doanh thu 20.737 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ và thực hiện được 74% kế hoạch cả năm; lợi nhuận sau thuế đạt 1.192 tỷ đồng, hoàn thành 79% mục tiêu cả năm. Đáng chú ý, trong cơ cấu doanh thu của CTD, mảng xây dựng công nghiệp tăng 255% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 5.796 tỷ đồng và đóng góp 28% vào tổng doanh thu (9 tháng đầu năm 2017 là 9%).
Theo đánh giá của HSC, tỷ trọng mảng xây dựng công nghiệp tăng mạnh là nhờ đóng góp lớn từ tổ hợp Vinfast cũng như dự án Hòa Phát Dung Quất. Trong quý III, Công ty đã ký thêm một hợp đồng xây dựng lớn mới là Nhà xưởng Timber Land của Manwah Group với giá trị 1.500 tỷ đồng, chưa kể việc sẽ có thêm nhiều gói xây dựng khác từ Vinfast trong tương lai.
Trong khi đó, “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp là Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) cũng báo kết quả kinh doanh tăng trưởng đột biến. Cụ thể, riêng quý III, doanh thu thuần của KBC đạt hơn 657 tỷ đồng, tăng 25% nhờ doanh thu cho thuê đất công nghiệp tăng trong khi giá vốn thấp. Lợi nhuận sau thuế đạt 220 tỷ đồng, tăng 70,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Với nhu cầu thuê bất động sản khu công nghiệp gia tăng, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch mở rộng. Tháng 9 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng (giai đoạn 2). Nhà đầu tư dự án là Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC). Hay tại Công ty cổ phần Khoáng sản và xây dựng Bình Dương (KSB), dự toán cho năm 2018, Công ty sẽ chi 418 tỷ đồng để mở rộng đất kinh doanh tại Công ty KSB IDC (Khu công Nghiệp Đất Cuốc).
Nhiều yếu tố hỗ trợ
Ông Ngọc cho rằng, từ nay đến cuối năm, thị trường chứng khoán sẽ đón nhận thêm nhiều thông tin hỗ trợ, trong đó có việc kết quả kinh doanh tại các doanh nghiệp niêm yết duy trì đà tăng trưởng, kinh tế vĩ mô ổn định, tỷ giá biến động không quá 3%, tức vẫn nằm trong tầm kiểm soát, tương tự như lạm phát.
Theo đó, rủi ro lớn nhất là biến động dòng vốn quốc tế, khi bị ảnh hưởng bởi chính sách bình thường hóa lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán sau đợt sụt giảm mạnh đã đưa nhiều cổ phiếu tốt về mức giá hợp lý để đầu tư dài hạn và đây là thời điểm dòng tiền sẽ nắm bắt cơ hội.
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Chi nhánh TP. HCM, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam chia sẻ, nhu cầu đầu tư là đa dạng, nên không có gì ngạc nhiên khi nhà đầu tư chứng khoán sẵn sàng lướt sóng trên các kênh đầu tư khác nếu có cơ hội. Tuy nhiên, tại KIS Việt Nam, phần lớn các nhà đầu tư đang tập trung hoàn toàn vào cổ phiếu và có xu hướng “chung thủy” với thị trường.