“Dấu hiệu đỏ” khiến start-up mất điểm trong mắt nhà đầu tư

Được gặp nhà đầu tư là một cơ hội quý giá, nhưng không phải start-up nào cũng có thể tận dụng cơ hội này để tạo ấn tượng tốt, trái lại, còn bị “mất điểm” trong mắt nhà đầu tư.

Có rất nhiều “dấu hiệu đỏ” (red flag) khiến nhà đầu tư ngay lập tức từ chối start-up, mà không cần phải cân nhắc nhiều. Những dấu hiệu này đôi khi không đến từ bản kế hoạch kinh doanh, mà xuất phát từ cách thức trình bày, tầm nhìn và cách sắp xếp đội ngũ nhân sự của người sáng lập.

Một trong những lý do phổ biến nhất là thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng, quá tự tin về thị trường mục tiêu. Khi gặp nhà đầu tư, một vài nhà sáng lập thường khẳng định, start-up của họ đang khai thác thị trường mới, không có đối thủ cạnh tranh. Nhưng thực tế, đối thủ cạnh tranh tồn tại ở mọi nơi, trực tiếp hoặc gián tiếp. Nếu không có đối thủ cạnh tranh, khả năng cao là thị trường start-up nhắm vào quá bé, không đủ hấp dẫn với người khác, hoặc start-up chưa dành đủ thời gian để tìm hiểu, nên không biết đối thủ là ai. Dù vì lý do gì, thì sự chuẩn bị không kỹ lưỡng của start-up cũng đã khiến nhà đầu tư “quay xe”, không muốn tiếp tục trao đổi.

Một dấu hiệu bất lợi khác đến từ khía cạnh sản phẩm, dịch vụ. Nếu start-up không thể chỉ ra được điểm mạnh hay lợi thế cạnh tranh trong sản phẩm của mình so với những công ty khác cùng lĩnh vực, nhà đầu tư sẽ không nhận thấy giá trị đặc biệt của dự án.

Ngược lại, các start-up liên tục nhấn mạnh sản phẩm của mình tốt hơn đối thủ cạnh tranh vì có nhiều chức năng hơn, tưởng là lợi thế, nhưng lại bất lợi. Vì các nhà đầu tư đều hiểu rằng, chức năng nhiều hay ít không quan trọng, điều quan trọng là chức năng phải phù hợp nhu cầu sử dụng của khách hàng. Nhiều sản phẩm có 10 chức năng, nhưng chỉ có 1 chức năng hữu dụng, sẽ kém xa sản phẩm chỉ có 3 chức năng và các chức năng này đều được khách hàng yêu thích. Cách hiệu quả nhất với nhà sáng lập là chỉ ra, mỗi chức năng của sản phẩm được khách hàng phản hồi thế nào, tần suất sử dụng ra sao.

Ngoài 2 vấn đề trên, cấu trúc của start-up cũng là yếu tố quyết định nhà đầu tư có ấn tượng tốt với start-up hay không. Đội ngũ sáng lập có sự phân bổ rõ ràng về kỹ năng và kinh nghiệm, cộng thêm tính bổ sung, nâng đỡ giữa các thành viên với nhau, sẽ luôn được các nhà đầu tư đánh giá cao.

Trong khi đó, dù start-up sở hữu sản phẩm tốt, nhưng đội ngũ hỗn loạn, không ổn định, nhà đầu tư vẫn sẽ từ chối. Ví dụ, đội ngũ nòng cốt của start-up có 5 nhà đồng sáng lập, nhưng không ai giữ vai trò CEO chính thức. Khi nhà đầu tư hỏi “Ai là CEO?”, không ai đứng ra nhận trách nhiệm, chỉ có một người nói đang tạm giữ vị trí CEO, sau đó sẽ chuyển giao nếu start-up tìm được người khác phù hợp. Đây là điểm trừ rất lớn, vì nhà đầu tư có thể sẽ quyết định đưa vốn tới bên có năng lực hơn, thay vì phải đưa tiền để start-up tìm người khác về làm CEO.

Một dấu hiệu nữa khiến nhà đầu tư từ chối start-up chính là cảm giác thiếu minh bạch, không trung thực trong quá trình trao đổi. Nếu nhà sáng lập không thể cung cấp các số liệu tài chính chính xác, hoặc né tránh trả lời về các vấn đề quan trọng của start-up như số lượng khách hàng, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, chi phí để có thêm khách hàng mới..., nhà đầu tư sẽ cảm thấy lo ngại về độ tin cậy của dự án. Khi không tìm thấy sự trung thực và minh bạch ở start-up, nhà đầu tư sẵn sàng rút lui ngay từ cuộc gặp gỡ đầu tiên.

Như vậy, để tránh các “dấu hiệu đỏ” kể trên, nhà sáng lập cần trau chuốt, chỉn chu từ nghiên cứu thị trường, đến đội ngũ sáng lập, sản phẩm và các con số tài chính. Chỉ khi làm được điều này, start-up mới gia tăng cơ hội nhận được vốn đầu tư trong thời buổi “người khôn của khó”.

Đức Thọ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục