Đấu giá 40% vốn của Cienco 5: Làm ăn sa sút, cổ phiếu có hấp dẫn?

Tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa cùng hạn chế về thông tin công bố có thể tác động nhất định đến sức hấp dẫn của phiên đấu giá cổ phần của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5), diễn ra ngày 20/3 tới.
Phiên đấu giá cổ phần của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5), sẽ diễn ra ngày 20/3 tới. Phiên đấu giá cổ phần của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5), sẽ diễn ra ngày 20/3 tới.

Miếng bánh còn hấp dẫn?

Phiên đấu giá trọn lô 17,56 triệu cổ phần của Cienco 5 do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sở hữu sẽ diễn ra tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, với giá khởi điểm được đặt ra là 19.300 đồng/cổ phần.

Đây không phải lần đầu tiên, cổ phần Cienco 5 được chào bán. Cuối năm 2015, Bộ Giao thông - Vận tải đã đấu giá cổ phần của tổng công ty này trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), thu hút 3 nhà đầu tư tổ chức. Hải Phát Invest là đơn vị trúng giá, với số tiền bỏ gấp đôi giá khởi điểm.

Tính đến tháng 10/2019, cổ đông Cienco 5 gồm 84 nhà đầu tư, trong đó 94,18% vốn thuộc sở hữu của 3 tổ chức, gồm SCIC (40%), Hải Phát Invest (sở hữu 38,68% vốn) và Công ty Đầu tư Hải Phát Thủ đô (15,5% vốn).

Đấu giá 40% vốn của Cienco 5: Làm ăn sa sút, cổ phiếu có hấp dẫn? ảnh 1

Nếu việc chuyển nhượng lần này thành công, nhà đầu tư thế chân SCIC cần bỏ ra tối thiểu 339 tỷ đồng. Dù SCIC là cổ đông có tỷ lệ sở hữu lớn nhất, nhưng nhóm Hải Phát nắm trên 51% mới là bên có đủ quyền chi phối phần lớn các quyết định.

Điển hình đầu năm 2019, khi lấy ý kiến cổ đông về việc hợp tác giữa Cienco 5 và Công ty cổ phần Bất động sản Hải Phát để cùng thực hiện Dự án BT phân đoạn II và Dự án đối ứng Khu đô thị Mỹ Hưng theo tỷ lệ 55/45%, SCIC đã không tán thành, song chủ trương vẫn được thông qua với tỷ lệ quá bán đồng ý.

Công ty cổ phần Bất động sản Hải Phát (do Hải Phát Invest thành lập, sau đó đã rút hết vốn và Công ty hiện có tên mới là HP Land) khi đó được giới thiệu là doanh nghiệp bất động sản có tiềm lực tài chính. Dù cổ đông Hải Phát Invest từng đứng ra sáng lập, nhưng ở thời điểm bỏ phiếu, Hải Phát Invest và HP Land không còn mối quan hệ về vốn hay người nội bộ. Do không phải là giao dịch bên liên quan, nên nhóm cổ đông đa số vẫn có quyền biểu quyết.

Đây có thể không phải lần duy nhất, cổ đông sở hữu 40% vốn buộc phải lép vế. Trong lần chào bán cổ phần sắp tới, hồ sơ công bố phục vụ đợt đấu giá hoàn toàn không có thông tin tài chính của Cienco 5 trong năm 2019, với lý do là báo cáo tài chính tổng hợp kiểm toán năm 2019 chưa được phát hành. Trong khi đó, hồ sơ cũng không có báo cáo tài chính nào khác của năm tài chính 2019.

Chưa kể, các nhà đầu tư quan tâm đến Cienco 5 còn phải chịu một mức giá khởi điểm khá “chát”, cao gần gấp đôi mức giá khởi điểm mà Bộ Giao thông - Vận tải đưa ra vài năm trước. Trong năm tài chính 2018, Cienco 5 lãi vỏn vẹn 307 triệu đồng. So với quy mô vốn điều lệ, thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu (EPS) chưa đạt tới 7 đồng. Nếu so sánh mức giá khởi điểm hơn 19.000 đồng/cổ phần, với mức EPS trên, P/E sẽ cao ngất ngưởng.

Khi công ty mẹ chỉ còn phần khung

Khác với nhiều doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, Cienco 5 không thuộc diện phải lên sàn do không thỏa mãn điều kiện công ty đại chúng. Chính vì lý do trên, thông tin về hoạt động kinh doanh của Cienco 5 trở nên rất khó tiếp cận. Tình hình kinh doanh của tổng công ty này cũng chỉ được hé lộ sau bản công bố thông tin của SCIC, dù chỉ tới năm 2018.

Điểm lại hoạt động kinh doanh những năm gần đây, tình hình của Cienco 5 có nhiều khó khăn hơn thuận lợi. Trong đó, một khó khăn lớn xuất phát từ chính quá trình cổ phần hóa.

“Trước khi thực hiện tại công ty mẹ, Cienco 5 đã cổ phần hóa các công ty con với tỷ lệ sở hữu giảm xuống dưới mức chi phối. Toàn bộ nguồn lực về thiết bị, lao động, công nghệ… nằm lại các công ty liên kết. Tổng công ty chỉ còn bộ máy quản lý điều hành tại văn phòng, một số tài sản cố định phục vụ công tác quản lý và phần vốn góp không chi phối tại các công ty liên kết”, bản công bố do bên chào bán nêu.

Hiệu ứng domino còn khiến Cienco 5 gặp khó về tài chính do giá trị đầu tư vào công ty liên kết ngang ngửa với 50% vốn điều lệ (151 tỷ đồng). Chưa kể, các công ty liên kết còn là “con nợ” khó đòi với giá trị vay lớn, phát sinh từ việc tổng công ty hỗ trợ tài chính khi còn là công ty con.

Theo đại diện Công ty Unistars - đơn vị chịu trách nhiệm kiểm toán Cienco 5, một số đơn vị nhận đầu tư không gửi báo cáo tài chính hay xác nhận công nợ, dù phía Tổng công ty đã yêu cầu, nhiều khoản phải thu trong số này đã tồn qua nhiều kỳ. Vốn chủ sở hữu bị ứ đọng cũng là nguyên nhân khiến Công ty cần vay nhiều hơn khi chuẩn bị cho các dự án mới, dẫn đến tăng chi phí tài chính và giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.

Bấp bênh thu phí đường bộ

Theo cập nhật kết quả kinh doanh năm 2018, ba nguồn thu chính của Cienco 5 đến từ xây lắp, thu phí đường bộ và chuyển nhượng dự án bất động sản. Trong khi hoạt động xây lắp những năm gần đây bị ảnh hưởng do đầu tư công bị thắt chặt, thì kinh doanh bất động sản cũng bị thu hẹp.

Chính vì vậy, thu phí đường bộ đóng vai trò là nguồn thu chính, chủ yếu từ tuyến Quốc lộ 1A đoạn Km 987 - Km 1027. Nguồn thu này cũng đã giảm rất mạnh từ tháng 9/2018 vì sự cạnh tranh từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (đoạn đi qua Tâm Kỳ - Quảng Ngãi).

Doanh thu thu phí năm 2018 giảm 16% so với năm trước đó, đạt xấp xỉ 205 tỷ đồng. Giá vốn năm 2018 tăng vọt do mức trích khấu hao cho dự án chỉ mới là tạm tính. Phải đến năm 2019, Bộ Giao thông - Vận tải mới quyết toán tổng mức đầu tư.

Như vậy, thu phí đường bộ - mảng kinh doanh tưởng chừng mang về nguồn thu ổn định, nhưng lại khá bấp bênh. Lợi nhuận gộp mảng thu phí năm 2018 chỉ đạt 39 tỷ đồng, trong khi từng mang về 262 tỷ đồng trong năm 2017 và 63 tỷ đồng trong năm 2016.

Kết quả hoạt động không mấy khả quan trong những năm vừa qua đã khiến Cienco 5 chưa thể trả cổ tức cho cổ đông từ năm 2014 đến nay, bởi phải tập trung vốn cho sản xuất - kinh doanh.

Cienco 5 cho biết, doanh nghiệp sẽ tìm kiếm hướng đi mới, tập trung đấu thầu các dự án xây lắp và các dự án đầu tư khu đô thị mới.

Đối với hoạt động xây lắp, một loạt ngành nghề kinh doanh bổ sung đang chuẩn bị được trình, gồm xây dựng công trình thủy, đường sắt, cấp thoát nước, công trình kỹ thuật dân dụng khác và lắp đặt điện để Cienco 5 sẵn sàng cho các hồ sơ tham gia dự thầu.

Trong năm 2018, Cienco đã chi 30 tỷ đồng hợp tác với Công ty SEA Thuận Phước (một công ty từng do Hải Phát Invest sở hữu trên 20% cổ phần) để thực hiện một dự án khu công viên văn hóa đa chức năng tại Hội An.

Nếu nhìn vào các dự án mà tổng công ty này đang thực hiện, thì mảng bất động sản của Cienco 5 vẫn còn tiềm năng. Ngoài Dự án Khu dân cư Đông Nam thị trấn Châu Ô đang bán hàng và bàn giao cho khách, Cienco 5 đang triển khai thiết kế thi công Dự án Khu đô thị Nam sông Trà Khúc (Quảng Ngãi). Tổng công ty cũng đang để ý dự án khu đô thị sinh thái - văn hóa - du lịch dân tộc Đắk Lắk, nhưng mới chỉ ở giai đoạn tiếp cận.

Hơn ngàn tỷ đồng vay nợ để đầu tư công trình BOT Km 987 - Km 1027 Quốc lộ 1A

Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản của Cienco 5 đạt xấp xỉ 2.153 tỷ đồng. Trong đó, gần một nửa là giá trị Dự án BOT tuyến Quốc lộ 1A đoạn Km 987 - Km 1027 đang được ghi nhận vào nhóm tài sản cố định (1.033 tỷ đồng).

Nguyên giá tài sản trên được ghi nhận là hơn 1.200 tỷ đồng. Nguồn vốn tài trợ cho Dự án có tới 1.038 tỷ đồng là vốn vay. Đây là khoản vay áp dụng lãi suất thả nổi (cộng thêm biên độ 3,5%/năm), với kỳ hạn 16,5 năm theo hợp đồng tín dụng ký với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) từ năm 2013.

Theo hợp đồng BOT ký với Bộ Giao thông - Vận tải, việc phân bổ lãi vay từng năm dựa trên kết quả kinh doanh thực tế, đảm bảo tỷ suất lợi nhuận đạt mức 13%, nên lãi vay năm 2018 chỉ còn 18 tỷ đồng, trong khi năm trước đó phải chi tới 224 tỷ đồng.

Thanh Thủy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục