Đau đầu với lạm phát, giới đầu tư tháo chạy khỏi thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall tiếp tục đỏ lửa trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (12/4) khi dữ liệu lạm phát làm dấy lên lo ngại Fed có thể sẽ tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.
Đau đầu với lạm phát, giới đầu tư tháo chạy khỏi thị trường

Cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều kết thúc phiên giao dịch chìm trong sắc đỏ sau báo cáo chỉ giá tiêu dùng tháng 4 do Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy, mức tăng lớn nhất trong gần 12 năm.

Cụ thể, chỉ giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 4 tăng 0,8% so với tháng trước, cao hơn nhiều so với mức dự báo 0,2%. Trong khi đó, CPI cốt lõi tháng 4 (không bao gồm các mặt hàng thực phẩm và năng lượng) tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mục tiêu tăng trưởng lạm phát trung bình hàng năm 2% của ngân hàng trung ương.

Dữ liệu lạm phát của Mỹ.

Dữ liệu lạm phát của Mỹ.

Nhu cầu bị dồn nén từ người tiêu dùng cùng với các biện pháp kích thích đang va chạm với tình trạng thiếu hụt nguồn cung khiến giá cả hàng hóa tăng vọt, trong khi tình trạng thiếu lao động khiến tiền lương tăng cao.

Báo cáo được chờ đợi trên khiến thị trường càng thêm lo lắng về việc liệu hiện trạng tăng giá hiện tại có trở thành thách thức trong chính sách tiền tệ nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay không và cơ quan này có thể duy trì chính sách của mình thêm bao lâu.

Richard Clarida, Phó chủ tịch Fed, thừa nhận hôm thứ Tư rằng, báo cáo về lạm phát mới nhất là phần dữ liệu thứ hai trong một tuần, sau báo cáo việc làm cuối tuần trước, cho thấy Fed đã mất cảnh giác, mô tả đây là "sơ sẩy lớn nhất trong lịch sử".

Tuy nhiên, ông Clarida vẫn duy trì quan điểm ôn hòa của Fed và cho rằng, sẽ còn "một thời gian nữa" trước khi nền kinh tế Mỹ đủ mạnh để khiến ngân hàng trung ương xem xét rút lại mức hỗ trợ hiện tại.

Chỉ số biến động CBOE (VIX), thước đo mức độ lo lắng của thị trường, đóng cửa ở mức 27,64, mức cao nhất kể từ ngày 4/3.

Ngoài ra, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu tiên đang dần đi đến hồi kết với 456 doanh nghiệp thuộc S&P 500 đã công bố báo cáo. Trong số đó, 86,8% đã vượt qua dự báo, theo Refinitiv.

Kết thúc phiên 12/5, chỉ số Dow Jones giảm 681,5 điểm (-1,99%), xuống 33.587,66 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 89,06 điểm (-2,14%), xuống 4.063,04 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 357,75 điểm (-2,97%), xuống 13.031,68điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng trở lại trong phiên thứ Tư, dẫn đầu bởi nhóm cổ phiếu năng lượng tăng khi giá dầu đạt mức cao nhất trong hai năm. Ngoài ra, mùa báo cáo kết quả kinh doanh mạnh mẽ và dấu hiệu phục hồi kinh tế nhanh chóng tại châu Âu đã bù đắp lo ngại về lạm phát tại Mỹ.

Kết thúc phiên 12/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 56,64 điểm (+0,82%), lên 7.004,63 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 30,47 điểm (+0,20%), lên 15.150,22 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 11,96 điểm (+0,19%), lên 6.279,35 điểm.

Chứng khoán châu Á trái chiều phiên hôm qua. Chứng khoán Nhật Bản thêm một phiên giảm, khi các nhà đầu tư hạn chế mở vị thế trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) không phát dấu hiệu hỗ trợ thị trường.

Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục tăng nhóm cổ phiếu nông nghiệp và thép dẫn đầu thị trường khi giá hàng hóa, nguyên liệu thế giới đang tăng cao.

Chứng khoán Hồng Kông tăng điểm khi giới đầu tư gom mua bắt đáy mạnh nhóm cổ phiếu công nghệ, vốn đã giảm sâu thời gian gần đây.

Chứng khoán Hàn Quốc có phiên giảm mạnh nhất trong ba tuần trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ra cổ phiếu do thận trọng trước dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố vào cuối ngày.

Kết thúc phiên 12/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 461,08 điểm (-1,61%), xuống 28.147,51 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 20,91 điểm (+0,61%), lên 3.462,75 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 217,23 điểm (+0,78%), lên 28.231,04 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 47,77 điểm (-1,49%), xuống 3.161,66 điểm.

Giá vàng phiên đêm qua giảm sâu khi lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vọt từ 1,62%/năm lên 1,69%/năm. Bên cạnh đó, bất chấp dữ liệu lạm phát tăng cao, đồng USD vẫn mạnh lên trong phiên.

Kết thúc phiên 12/5, giá vàng giao giảm 22,50 USD (-1,22%), xuống 1.815,40 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 13,30 USD (-0,72%), xuống 1.822,80 USD/ounce.

Giá dầu phiên ngày thứ Tư tăng lên mức cao nhất trong 8 tuần khi xuất khẩu dầu thô của Mỹ giảm, đồng thời dấu hiệu kinh tế phục hồi ngày càng rõ nét và dự báo lạc quan về nhu cầu năng lượng.

Xuất khẩu dầu thô của Mỹ giảm xuống khoảng 1,8 triệu thùng/ngày trong tuần trước,mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018, trong khi tồn kho dầu thô giảm 0,4 triệu thùng so với dự kiến ​​giảm 2,8 triệu thùng, theo dữ liệu hàng tuần do chính phủ Mỹ cung cấp.

Mặt khác, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong báo cáo định kỳ hàng tháng, nhu cầu dầu đã vượt xa nguồn cung và sự thiếu hụt dự kiến ​​sẽ gia tăng ngay cả khi Iran tăng cường xuất khẩu.

Tương tự, OPEC hôm thứ Ba vẫn giữ nguyên dự báo về sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu dầu thế giới vào năm 2021, với sự tăng trưởng ở Trung Quốc và Mỹ sẽ làm lu mờ tác động của cuộc khủng hoảng dịch bệnh ở Ấn Độ.

Kết thúc phiên 12/5, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,80 USD (+1,20%), lên 66,08 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,77 USD (+1,1%), lên 69,32 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục