“Đau đầu” quản lý bancassurance

(ĐTCK) Theo các thành viên thị trường, chưa bao giờ các cơ quan quản lý phải “vất vả” với kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) như hiện nay.

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế - xã hội và ngân sách ngày 31/5 vừa qua, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy đề cập tới những bất cập trên thị trường bảo hiểm nhân thọ, trong đó có dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư mà khách hàng được cho là bị ngân hàng “ép” mua bảo hiểm kèm khoản vay, hoặc bị lừa từ gửi tiết kiệm sang mua bảo hiểm.

Theo bà Thủy, Bộ Tài chính cần thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ. Bộ Công an xác minh làm rõ có hay không dấu hiệu tội lừa đảo, lừa dối khách hàng, nếu có thì đề nghị khởi tố điều tra.

Kiến nghị này được đưa ra trong bối cảnh những phản ánh, kiện tụng của người tham gia bảo hiểm nhân thọ gia tăng nhanh thời gian qua. Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến đầu tháng 5/2023, có 192 kiến nghị của người dân qua điện thoại và 299 kiến nghị qua email, đường dây nóng của cơ quan này liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. Bộ Tài chính đã phân loại xử lý 350 đơn tố cáo liên quan đến bảo hiểm liên kết với ngân hàng.

Cơ quan này cũng phối hợp làm việc, cung cấp thông tin cho Bộ Công an nhằm bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực tài chính - bảo hiểm, chuyển đơn thư có dấu hiệu hình sự sang Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để xử lý.

Thực tế, không phải đến bây giờ, mà ngay từ đầu năm 2020, Báo Đầu tư Chứng khoán đã liên tục phản ánh tình trạng khách hàng kêu bị ngân hàng “ép” mua bảo hiểm kèm khoản vay. Báo Đầu tư Chứng khoán cũng là cơ quan báo chí đầu tiên đăng bài về tranh chấp của 1 khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm tại ngân hàng nhưng bị “hô biến” thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Trả lời báo chí mới đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM cho biết, từ tháng 10/2022 đến nay, đã tiếp nhận nhiều đơn thư của các cá nhân và tập thể phản ánh việc nhân viên ngân hàng tư vấn sản phẩm bảo hiểm không rõ ràng, khiến người mua nhầm tưởng là sản phẩm tiết kiệm của ngân hàng; tự ý khai khống thông tin khách hàng… liên quan đến Công ty TNHH Manulife Việt Nam và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trong việc liên kết bán sản phẩm bảo hiểm nhân thọ kết hợp đầu tư “Tâm an đầu tư”.

Ngân hàng Nhà nước đã chuyển các đơn thư phản ánh đến các đơn vị liên quan để xử lý theo quy định. Phía Manulife đang tìm hiểu, nắm thông tin để trực tiếp làm việc và giải quyết thỏa đáng quyền, lợi ích của khách hàng tham gia sản phẩm này.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chấp hành đúng quy định của pháp luật khi triển khai bán các sản phẩm bảo hiểm và sẽ đưa nội dung chấp hành các quy định về hoạt động đại lý bảo hiểm vào nội dung thanh tra theo kế hoạch thanh tra năm 2023.

Cùng với đó, một loạt đề xuất được đưa ra nhằm “giải cứu” kênh này. Đơn cử, góp ý cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đề nghị hạn chế sản phẩm bảo hiểm bán qua kênh ngân hàng, đặc biệt là các sản phẩm phức tạp như bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm liên kết chung...

Về phía Ngân hàng Nhà nước, bên cạnh đề nghị bổ sung quy định phải bố trí quầy bán bảo hiểm riêng tại phòng giao dịch của ngân hàng để tránh tình trạng nhầm lẫn sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm tài chính của ngân hàng, cơ quan này còn đề xuất bổ sung quy định người mua bảo hiểm qua kênh ngân hàng có cam kết việc tham gia là tự nguyện…

Theo Bộ Tài chính, pháp luật hiện hành đã có quy định để đảm bảo người tham gia bảo hiểm hiểu rõ sản phẩm bảo hiểm và việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện. Do đó, cho dù có yêu cầu khách hàng ký vào giấy yêu cầu bảo hiểm về việc đã hiểu rõ sản phẩm bảo hiểm và cam kết việc mua bảo hiểm là tự nguyện thì vẫn có thể xảy ra khiếu nại.

“Do hợp đồng bảo hiểm là một loại hợp đồng phức tạp với nhiều thuật ngữ chuyên ngành nên để bảo vệ người tham gia bảo hiểm, đặc biệt là những người già, đối tượng yếu thế, không nên làm tăng thêm tài liệu phải đọc vì yêu cầu có văn bản cam kết cũng không giải quyết được gốc rễ vấn đề”, đại diện Bộ Tài chính nói và cho biết, tới đây, cơ quan này sẽ tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để bổ sung các quy định phù hợp vào dự thảo Thông tư quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 nhằm đảm bảo không để phát sinh các vấn đề bất cập trong việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua kênh ngân hàng.

Diệu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục