Gazprom, hãng xuất khẩu dầu khí khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước Nga từ trước tới nay luôn đóng 2 vai trò quan trọng: là một công cụ thực hiện các chính sách ngoại giao của Điện Kremlin và đóng góp nguồn thu thuế quan trọng cho Chính phủ Nga.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi. Gazprom không còn có thể thực hiện một cách chính xác các vai trò của mình như trước đây.
Tại Liên minh châu Âu (EU), Gazprom cung cấp khoảng 30% lượng khí đốt. Tuy nhiên, với việc lợi nhuận của hãng đã giảm tới 70% trong năm nay, Gazprom đang phải tự mình đấu tranh để bảo vệ thị phần của chính mình tại thị trường này. Gazprom không còn là công cụ đắc lực của Nga trong các chính sách ngoại giao, bởi khách hàng của họ giờ đây có rất nhiều lựa chọn.
Khí đốt từ dầu đá phiến của Mỹ sẽ trở thành nguồn cung quan trọng đối với người tiêu dùng châu Âu, giúp các quốc gia này có thêm một cánh tay đắc lực
Theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), EU chiếm 77% lượng khí đốt xuất khẩu của Gazprom, so với 63% hiện tại. Tuy nhiên, Gazprom có thể sẽ mất đi khách hàng lớn này khi các công ty Mỹ sẽ bắt đầu cung cấp khí đốt hóa lỏng cho châu Âu bắt đầu từ năm 2016.
“Khí đốt từ dầu đá phiến của Mỹ sẽ trở thành nguồn cung quan trọng đối với người tiêu dùng châu Âu, giúp các quốc gia này có thêm một cánh tay đắc lực”, Fatih Birol, giám đốc cấp cao của IEA cho biết.
Còn Philip Olivier, CEO của Engie Global LNG, nhà vận chuyển LNG đã nhận định rằng: "Cho tới năm 2020, lượng khí đốt hóa lỏng (LNG) của Mỹ xuất khẩu sang châu Âu có thể chiếm một nửa nhu cầu của khu vực"
Trong bối cảnh này, Gazprom trở nên mềm mỏng hơn, buộc phải chú ý tới các nhu cầu của khách hàng, thông báo kế hoạch về đường ống vận chuyển khí đốt trực tiếp tới EU và thúc đẩy việc giải quyết các cáo buộc độc quyền tại EU, vốn có thể khiến Gazprom chịu thiệt hại hàng tỷ USD.
Sức mạnh của Gazprom dần suy yếu khi giá dầu giảm mạnh và chịu sự cạnh tranh từ các công ty dầu khí Mỹ
Simone Tagliapietra, chuyên gia nặng lượng tại Bruegel cho rằng: "Sau khi khủng hoảng Ukraine xảy ra, việc đa dạng hóa nguồn cung và thị trường tiêu thụ dầu khí trở thành nhiệm vụ quan trọng đối với cả EU và Nga. Tuy nhiên hiện nay, Nga cần thị trường EU nhiều hơn là thị trường này cần nguồn cung từ Nga”.
Hiện, Gazprom đang cố gắng tìm kiếm các khách hàng mới, trong đó Trung Quốc là một khách hàng quan trọng. Sau khi thất bại trọng việc mở rộng hợp đồng với Trung Quốc vào tháng 9/2015, Gazprom vội vàng ký một thỏa thuận với 5 công ty dầu khí lớn tại châu Âu, bao gồm Shell và E.ON để xây dựng đường ống dưới biển Baltic nối thẳng tới Đức.