Tại Công ty cổ phần Đầu tư MST (MST), tính tới cuối năm 2020, các khoản vay và nợ thuê tài chính của Công ty lên tới 704,4 tỷ đồng, so với mức chỉ 1,8 tỷ đồng năm 2019. Nợ vay tăng mạnh kéo chi phí lãi vay tăng trên 137 lần, từ 15,3 triệu đồng trong năm 2019 lên 2,1 tỷ đồng trong khi năm 2019.
Dẫu vậy, lãi vay tăng không phải là tín hiệu xấu ở doanh nghiệp này. 2020 là một năm hoạt động khởi sắc của MST, khi doanh thu và lợi nhuận đạt kỷ lục. Cụ thể, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 344,3 tỷ đồng, tăng 467% so với năm 2019; lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 25,3 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với năm trước đó.
MST cho biết, nguyên nhân chính khiến kết quả tăng trưởng đột biến là việc một số công trình xây dựng với giá trị lớn do Công ty triển khai đã được nghiệm thu, quyết toán vào thời điểm này.
Năm qua, MST và công ty con trúng một số gói thầu lớn như gói thầu tại Định Quán (Đồng Nai), Cưmga (Đắk Lắk), gói thầu tại Đại học Quốc gia TP.HCM…, triển khai từ quý IV/2020. Năm 2021, MST dự kiến sẽ trình cổ đông phương án phát hành 30 triệu cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu) nhằm thu về 300 tỷ đồng phục vụ bổ sung vốn lưu động, triển khai hợp đồng EPC thiết kế, cung ứng vật tư và xây dựng dự án tại Quy Nhơn với tổng giá trị hợp đồng tổng thầu là 2.353 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ở nhiều doanh nghiệp, việc gánh trên vai khoản nợ vay lớn hơn khiến doanh nghiệp đi lùi về hiệu quả kinh doanh, thậm chí thua lỗ nặng. Trong đó có thể kể tới một số trường hợp như CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Tập đoàn Đất Xanh (DXG), CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (AST), CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (FTM), CTCP MHC (MHC), CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (KLF)…
Lãi vay của Đất Xanh trong năm 2020 tăng 56% so với năm 2019, lên mức 308,7 tỷ đồng.
Chẳng hạn, tại DXG, tính tới cuối năm 2020, vay và nợ thuê tài chính của Công ty ở mức 5.945,2 tỷ đồng, tăng hơn 35% so với năm 2019. Trong đó, DXG huy động vốn vay từ trái phiếu ngắn hạn lên tới gần 1.435 tỷ đồng để bổ sung vốn cho các dự án đang triển khai. Theo đó, lãi vay của Công ty tăng 56%, lên mức 308,7 tỷ đồng.
Việc doanh thu giảm không đủ bù đắp chi phí đã khiến DXG báo lỗ sau thuế 126,47 tỷ đồng, trong khi năm 2019 lãi 1.886,2 tỷ đồng.
Đại dịch Covid-19 diễn ra khiến nhóm doanh nghiệp ngành hàng không chịu tác động tiêu cực bậc nhất. Đây cũng là lý do khiến các doanh nghiệp ngành này chịu cảnh thua lỗ, nợ vay gia tăng. Tại Taseco, tính tới cuối năm 2020, tổng vay và nợ thuê tài chính đạt 44,7 tỷ đồng, tăng 1.214,7% so với đầu năm.
Năm 2020, Công ty báo lỗ 51,5 tỷ đồng, trong khi năm 2019 lãi sau thuế 212,37 tỷ đồng. Cùng chung cảnh lỗ nặng, CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (FTM) có lợi nhuận sau thuế năm 2020 âm 199,7 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2019, Công ty cũng báo lỗ 94,6 tỷ đồng. Tính tới cuối năm 2020, tổng vay và nợ thuê tài chính của FTM ở mức 808,2 tỷ đồng, chi phí lãi vay đạt 90,2 tỷ đồng, tăng lần lượt 5% và 44% so với năm trước đó.