Đặt mục tiêu lợi nhuận gần 5.700 tỷ đồng: ACB có quá tham vọng?

(ĐTCK) Với mục tiêu tổng lợi nhuận trước thuế đặt ra cho năm 2018 là 5.699 tỷ đồng, ACB được xếp vào nhóm ngân hàng có tốc độ tăng trưởng dự kiến hàng đầu tại Việt Nam. Hiện tại, câu hỏi được đặt ra là liệu ACB có đạt được mục tiêu này hay không? Và đâu là những yếu tố hỗ trợ thực hiện kế hoạch?

Lợi nhuận tăng trưởng mạnh

Mức lợi nhuận 5.699 tỷ đồng được đặt ra trong năm 2018 có vẻ không quá cao so với năng lực của ACB hiện nay khi tại Đại hội đồng cổ đông vừa qua, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, lợi nhuận quý I/2018 của Ngân hàng đạt 1.491 tỷ đồng, tăng 151% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, năm 2018, ACB sẽ nỗ lực xử lý nợ xấu để hoàn nhập khoảng 500 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro vào lợi nhuận. Vì thế, dù đặt ra chỉ tiêu lợi nhuận ở mức 5.699 tỷ đồng, nhưng theo lãnh đạo ACB, nhiều khả năng có thể đạt con số 6.000 tỷ đồng.

Trong năm 2017, ACB nằm trong nhóm ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cao. Theo đó, lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng rủi ro đạt 2.656 tỷ đồng, tăng 59% so với năm 2016. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt lần lượt 0,8% và 14,13%; tăng so với mức 0,6% và 9,9% của năm 2016.

Năm nay, ACB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong mức Ngân hàng Nhà nước phân bổ là 15%. Huy động vốn từ tiền gửi khách hàng, tổng tài sản cũng tăng 18%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất sẽ tăng trưởng 2,2 lần so với kết quả của năm 2017.

Theo dự phóng, ACB sẽ đạt lợi nhuận sau thuế năm 2018 là 5.128 tỷ đồng (tăng 142% so với năm trước); vốn chủ sở hữu cuối năm 2018 đạt 20.057 tỷ đồng (tăng 25%). Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế năm 2018 được kỳ vọng tăng đột biến, đạt trên 6.000 tỷ đồng (tăng trưởng 141%) khi không còn phải trích lập dự phòng cho nợ của nhóm 6 công ty và trái phiếu VAMC.

Nợ xấu được đẩy mạnh xử lý

Một điểm đáng ghi nhận là đến cuối năm 2017, tỷ lệ nợ xấu của ACB chỉ còn 0,7%, trong khi tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 11,49%. Trong quá trình xử lý nợ, Ngân hàng đã mua lại toàn bộ hơn 1.500 tỷ đồng trái phiếu VAMC. Năm nay, ACB đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Với kết quả đạt được trong năm qua, nhà băng này chia cổ tức năm 2017 là 15% bằng cổ phiếu. Dự kiến, mức cổ tức 2018 của ACB là 30%, nhằm bù đắp cho cổ đông sau những thiệt thòi ở các năm trước.

Sau một thời gian nỗ lực vượt qua khó khăn, ACB đã từng bước lấy lại đà tăng trưởng khi năm 2016 đạt hơn 1.300 tỷ đồng lợi nhuận, tới năm 2017 đạt hơn 2.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng từng bước xử lý các vấn đề tồn đọng từ sau sự cố vào năm 2012 và xử lý nợ xấu. Thời kỳ mới sẽ là thời kỳ ACB tăng trưởng trở lại, nằm ở nhóm ngân hàng hàng đầu Việt Nam.

Theo phân tích của một số công ty chứng khoán, trong năm nay, ACB không phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ tồn đọng, thậm chí còn có thể ghi nhận khoản lợi nhuận đột biến từ hoàn nhập dự phòng. Với khả năng xử lý nợ xấu triệt để, ACB đã được Moody nâng hạng tín nhiệm từ B2 lên B1.

Nguồn nhân lực được đầu tư

Đội ngũ nhân sự là vấn đề cốt lõi của mỗi doanh nghiệp và ngành ngân hàng không là ngoại lệ. Đó là lý do ACB tập trung đầu tư vào con người trong nhiều năm qua, từ thay đổi chính sách để thu hút, giữ gìn nhân tài đến đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ hiện tại. Tất cả được thực hiện nghiêm túc theo chiến lược bài bản đã được vạch sẵn, nhằm mục tiêu tạo nên một tập thể không chỉ cần mẫn, nhiệt huyết, mà còn năng động, sáng tạo, biết hoạch định tương lai.

Theo ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB, vấn đề quan trọng hiện tại là tiếp tục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thích nghi với những thay đổi sắp tới. Bởi vậy, Ngân hàng đưa mục tiêu phát triển con người song song với thúc đẩy hoạt động kinh doanh, đi kèm đó là hàng loạt đổi mới. Cụ thể, ACB bắt đầu xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu nhân sự (big data) để phân tích nhu cầu của từng nhân viên, khả năng mỗi người, tối ưu hóa những vấn đề liên quan đến nhân sự.

Tư vấn chu đáo, chính xác, tin cậy 
Vai trò của một nhân viên được đặt trong hệ sinh thái (ecosystem) phát triển nhân tài mà Ngân hàng đang nỗ lực xây dựng. Trên thực tế, hệ sinh thái phát triển nhân tài là mô hình đang được các tổ chức, tập đoàn lớn trên thế giới áp dụng nhằm khai thác hiệu quả nhất nguồn lực hiện có, giải quyết bài toán về sự cân đối tổng thể cung - cầu con người trong quá trình lớn mạnh. Ở Việt Nam, đây là xu hướng sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Bên cạnh đó, dự kiến trong năm nay, Ngân hàng đưa vào sử dụng Learning Hub (trung tâm học tập) tại TP.HCM với diện tích sàn hơn 2.000 m2. Đây là môi trường đào tạo mới, được thiết kế nhằm khơi dậy năng lượng học tập và sáng tạo của người học.

Điều ACB quan tâm nhất hiện nay là con người. Chúng tôi có thể mua hệ thống hoặc công nghệ, nhưng riêng con người phải "mời", phải làm cho họ vì yêu thích và được tôn trọng mà gắn bó với Ngân hàng

- Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB

Điều quan trọng là nhà băng này không tự bó buộc mình trong một không gian nào đó. Cách một nhân viên được phát triển và tạo ra nguồn năng lượng mới cho ACB sẽ được thay đổi theo hướng phát huy năng lực làm chủ sự nghiệp của mỗi cá nhân nhiều hơn.

“Điều ACB quan tâm nhất hiện nay là con người. Chúng tôi có thể mua hệ thống hoặc công nghệ, nhưng riêng con người phải "mời", phải làm cho họ vì yêu thích và được tôn trọng mà gắn bó với Ngân hàng”, ông Huy nói.

Thực tế, 10.000 nhân sự của ACB sẽ là những nhân tố then chốt thúc đẩy cho tất cả các mục tiêu Ngân hàng đề ra được hoàn thành trọn vẹn. Do đó, cơ cấu lao động hợp lý; tiến trình phát triển nhân sự, hệ thống công việc được tổ chức ngày càng chặt chẽ; các quy trình công việc được thiết kế, vận hành và quản lý giám sát theo chuẩn mực tốt nhất và không ngừng thay đổi để phù hợp hơn với thực tiễn là chiến lược mà Ngân hàng theo đuổi. Đồng thời, các hoạt động đổi mới, sáng tạo được ACB đẩy mạnh để làm mới kinh doanh; và quan trọng không kém là xây dựng nguồn nhân lực kế thừa.

Định hướng phát triển rõ ràng

Hiện tại, ACB đang tiếp tục đẩy mạnh chiến lược bán lẻ khi tập trung tăng trưởng tín dụng khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa song song với phát triển mô hình ngân hàng số trong năm 2018.

Các chương trình vay đặc biệt dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp với lãi suất phù hợp và nhiều chính sách ưu đãi đi kèm liên tục được đưa ra bên cạnh việc mở rộng hệ thống mạng lưới sẽ giúp Ngân hàng tiếp cận nhanh và gần hơn đến khách hàng. Được biết, năm 2017, ACB có dư nợ tín dụng cá nhân đạt 111.135 tỷ đồng, tăng mạnh 29% và dư nợ tín dụng doanh nghiệp đạt 87.379 tỷ đồng, tăng 13,5% .

Trong bối cảnh công nghệ ảnh hưởng và dẫn dắt trên tất cả các lĩnh vực, ACB đầu tư nhiều hơn cho công nghệ tài chính, phát huy năng lực thấu hiểu và cung cấp dịch vụ phù hợp với nhu cầu của khách hàng trong công việc và cuộc sống nhằm tăng khả năng cạnh tranh giữa ngân hàng với các lực lượng phi truyền thống (FinTech và các công ty công nghệ khác, như mạng truyền thông xã hội, thương mại điện tử…).

Phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT khẳng định, ACB sẽ không tự giới hạn mình trong khuôn khổ những sản phẩm, dịch vụ, nghiệp vụ truyền thống mà sẽ vươn rộng, tăng cao tương tác, gắn kết ACB và khách hàng của mình với hệ sinh thái rộng lớn hơn, có hàm lượng công nghệ cao hơn, kết nối chặt hơn.

Công nghệ luôn là xu hướng trong phát triển kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là với ngành tài chính. Do đó, để có thể cạnh tranh được trên lĩnh vực tài chính, phát triển bền vững, ACB đã có kế hoạch thành lập Quỹ công nghệ, với kinh phí dự kiến 500 tỷ đồng và tùy thuộc vào kết quả kinh doanh. 

Phương Linh
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2018

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục