Đại hội đồng cổ đông TPBank: Năm 2018, mục tiêu lợi nhuận là 2.200 tỷ đồng

(ĐTCK) Tại ĐHCĐ TPBank diễn ra sáng nay (20/4) tại Hà Nội, Chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Minh Phú đã thẳng thắn trao đổi về bài học kinh nghiệm sau giai đoạn tái cơ cấu TPBank vừa qua, những thành quả và cả những tồn tại.
Chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Minh Phú trình bày Báo cáo tại Đại hội. Chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Minh Phú trình bày Báo cáo tại Đại hội.

Ông Phú cho biết, đầu giai đoạn của quá trình tái cơ cấu, hoạt động của TPBank gặp nhiều khó khăn do đứng trước các thay đổi từ kinh tế vĩ mô trong ngành ngân hàng nói chung và từ những bất cập trong hoạt động kinh doanh nội tại.

TPBank đã phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng như tình hình thanh khoản yếu kém; chất lượng tài sản suy giảm kém, chứa đựng rất nhiều rủi ro; các nguyên tắc cơ bản của việc quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro bị vi phạm nghiêm trọng.

“Phần lớn nguyên nhân của các vấn đề này là do khâu quản trị điều hành kém”, ông Phú nói.

Ban chủ tọa TPBank

HĐQT nhận thấy cần chấn chỉnh, củng cố nhằm giúp Ngân hàng thoát khỏi khó khăn trên, mời đối tác chiến lược có tiềm lực tài chính tham gia bổ sung vốn điều lệ để Ngân hàng có nền tảng tài chính thực hiện thành công phương án tái cơ cấu; cơ cấu lại hoạt động kinh doanh…

Theo đó, TPBank đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của NHNN về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng; tích cực tham gia xây dựng mô hình quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế chuẩn Basel 2, đặc biệt hoạt động quản trị rủi ro trong đầu tư tín dụng, kiểm soát nợ xấu, cơ cấu lại khối quản trị rủi ro; tăng cường và hoàn thiện bộ máy kiểm tra, kiểm soát và giám sát tuân thủ…

“Chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt, tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh ở mức 0,66%, thấp nhất trong toàn hệ thống ngân hàng. Đặc biệt, đến 30/6/2015, Ngân hàng đã bù đắp toàn bộ lỗ lũy kế tại thời điểm 2012”, ông Phú nói.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Phú cũng thẳng thắn thừa nhận, hoạt động Ngân hàng cũng còn những tồn tại, hạn chế như chính sách với hoạt động ngoại hối FX vẫn chưa thực sự hiệu quả; việc tuân thủ đối với cấp giám đốc đơn vị kinh doanh còn kém, nhiều sai phạm trọng yếu; yêu cầu triển khai dự án Basel 2 đòi hỏi phải tập trung nhân lực chất lượng…

Tuy vậy, sau giai đoạn tái cơ cấu thành công, ông Phú cho biết, TPBank bước vào thời kỳ phát triển đột phá, đặc biệt trong năm 2017 mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trên 70%, với lợi nhuận trên 1.200 tỷ đồng.

Từ chỗ chỉ có khoảng 60.000 khách hàng năm 2012, đến nay TPBank có hơn 1,8 triệu khách hàng. Những thành quả đạt được trong thời gian qua là nền tảng thuận lợi để TPBank đặt mục tiêu năm 2018 tăng trưởng 82,42% về lợi nhuận, 14,4 về tổng tài sản, kiểm chế nợ xấu dưới 2%.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, năm 2018, TPBank dự kiến sẽ có thêm khoảng 500.000 khách hàng mới, đạt khoảng 2,3 triệu khách hàng, trong đó chú trọng gia tăng số lượng sản phẩm, dịch vụ sử dụng bình quân trên mỗi khách hàng.

Để phục vụ mở rộng kênh tiếp cận khách hàng và phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, TPBank tiếp tục trình Ngân hàng Nhà nước xin cấp phép mở thêm các chi nhánh, phòng giao dịch mới tại các địa bàn tiềm năng, đồng thời phủ rộng thêm các Điểm giao dịch tự động LiveBank trên toàn quốc.

 Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank trình bày tại Đại hội

Bên cạnh đó, TPBank tiếp tục chú trọng phát triển ngân hàng số với việc cập nhật, bổ sung thêm nhiều tính năng mới cho hệ thống LiveBank để cũng có đầy đủ các loại nghiệp vụ như quầy giao dịch truyền thống, bổ sung nhiều tiện ích mới cho ứng dụng thanh toán QuickPay dùng QR Code, phát triển phiên bản Ebank mới cho khách hàng cá nhân và cho khách hàng doanh nghiệp, tiếp tục đưa ra các sản phẩm mới phục vụ giới trẻ như Savy, FreeGo...

Việc phát triển ngân hàng số giúp cho TPBank phát huy được lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút khách hàng, cung cấp các sản phẩm trên nền công nghệ hiện đại với chi phí thấp, hiệu quả cao, tiện lợi nhanh chóng mà không phụ thuộc vào khoảng cách địa lý hay thời gian phục vụ.

ĐHCĐ năm nay cũng bầu HĐQT nhiệm kỳ mới 2018-2023, áp dụng ngay các quy định mới của Luật Các TCTD sửa đổi mới có hiệu lực từ tháng 3/2018.

Theo đó, ông Đỗ Minh Phú đã công bố lựa chọn thôi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji để toàn tâm toàn ý giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT TPBank.

Ông Nguyễn Hưng, giữ Tổng giám đốc TPBank từ 2012 đến nay, cũng vừa được Thống đốc NHNN chuẩn y việc gia hạn thêm 1 nhiệm kỳ 5 năm vào cuối năm ngoái.

ĐHĐCĐ phê duyệt cơ cấu HĐQT gồm 8 thành viên, không thay đổi so với nhiệm kỳ trước và có thành viên độc lập mới. Mục đích của việc thay đổi này nhằm đáp ứng đúng theo quy định, đồng thời đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động của HĐQT.

Năm 2017, các thành viên thường trực của HĐQT đều hoàn thành tốt vai trò phụ trách quản lý đối với các Ủy ban/Hội đồng trực thuộc HĐQT, kịp thời đưa ra các chính sách phù hợp với hoạt động của ngân hàng, luôn sát sao chỉ đạo Ban điều hành để đạt được những kết quả kinh doanh đột phá. ĐHĐCĐ cũng đã chấp thuận ngân sách thù lao cho HĐQT năm 2018 là 17,126 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2017.

Trong nhiệm kỳ mới, TPBank tham vọng sẽ là một trong 10 ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam, luôn phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững, trong đó dẫn đầu về lĩnh vực ngân hàng bán lẻ và ngân hàng số, đảm bảo đến năm 2020 tăng gấp 2 lần tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ trong tổng thu nhập, đồng thời nâng cao năng lực quản trị theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế và tuân theo chuẩn mực Basel II.

Đại hội đồng cổ đông TPBank: Năm 2018, mục tiêu lợi nhuận là 2.200 tỷ đồng ảnh 3

 Toàn cảnh ĐHCĐ TPBank

ĐHĐCĐ của TPBank khép lại với kế hoạch kinh doanh năm 2018 với mục tiêu lợi nhuận là 2.200 tỷ đồng.

Đến hết tháng 2/2018, lợi nhuận trước thuế của TPBank đạt 275,8 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục