Đặt chỉ tiêu 2021 GDP tăng khoảng 6%: Thể hiện quyết tâm phục hồi kinh tế

0:00 / 0:00
0:00

Đại biểu còn băn khoăn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, đặt chỉ tiêu năm 2021 GDP tăng khoảng 6% thể hiện quyết tâm của Chính phủ phục hồi kinh tế sau khi kiểm soát đại dịch Covid-19.

Quốc hội chuẩn bị quyết định Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 Quốc hội chuẩn bị quyết định Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

Theo chương trình kỳ họp thứ 10, sáng 11/11 Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 với dự kiến của Chính phủ là chỉ tiêu GDP tăng khoảng 6%.

Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết phản ánh, trong quá trình thảo luận, một số ý kiến đại biểu cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, mức tăng trưởng GDP khoảng 6% là khá cao, đề nghị đặt chỉ tiêu trên 5% hoặc từ 5,5-6%.

Có ý kiến băn khoăn nếu đề ra mục tiêu tổng quát “tập trung thực hiện mục tiêu kép” thì tăng trưởng kinh tế khó đạt khoảng 6%. Ý kiến khác đề nghị các chỉ tiêu ghi cụ thể mức “đạt”, không ghi “khoảng”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 được xây dựng trên cơ sở kết quả ước thực hiện của năm 2020, tính toán, cân đối các nguồn lực cũng như tham khảo dự báo của một số tổ chức quốc tế; bối cảnh, tình hình của năm 2021.

"Việc đặt chỉ tiêu khoảng 6% thể hiện quyết tâm của Chính phủ phục hồi kinh tế sau khi kiểm soát thành công đại dịch Covid-19, đồng thời để bảo đảm sự hài hòa, linh động trong thực hiện các mục tiêu cho năm 2021, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết" - báo cáo tiếp thu, giải trình nệu quan điểm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Trước đó, những băn khoăn về chỉ tiêu GDP tăng khoảng 6% cho năm sau cũng đã được một số vị đại biểu đưa vào chất vấn dành cho người đứng đầu Chính phủ.

Ngày 10/11 báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói ông nhận thấy mức tăng trưởng này còn khiêm tốn so với tiềm năng của đất nước và nhất là xuất phát từ mức thấp của năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh.

"Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh còn phức tạp, cùng với những, căng thẳng, diễn biến chính trị khó lường trong khu vực và trên thế giới, có thể ảnh hưởng tiêu cực hoặc tích cực tới triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng các kịch bản tăng trưởng và phương án hành động khác nhau, để bất luận trong trường hợp nào, chúng ta vẫn giữ được sự chủ động chiến lược và hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội tốt nhất" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Sáng 11/11 trước khi thông qua nghị quyết nói trên, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua việc bổ sung nội dung vào chương trình kỳ họp thứ 10.

Được biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung 2 nội dung là xem xét, quyết định việc giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 cho ngân hàng Phát triển Việt Nam và xem xét, quyết định các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đồng thời, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Quốc hội không ban hành nghị quyết riêng về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận và Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An. Nghị quyết chung của kỳ họp sẽ thể hiện các nội dung này.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục