Kinh tế 5 năm và cú sốc Covid-19 - Bài 2: Chỉ tiêu mới, động lực mới 2021

0:00 / 0:00
0:00
Nếu Covid-19 không bất ngờ ập đến, có lẽ 2016-2020 sẽ là kế hoạch đầu tiên của 3 kế hoạch 5 năm gần đây nhất, chỉ tiêu GDP có thể cán đích.
Hệ số ICOR của Việt Nam vẫn cao so với mức bình quân của thế giới. Trong ảnh: Chế biến cá ngừ xuất khẩu tại Công ty TNHH Thủy sản Hồng Ngọc (Phú Yên). Ảnh: Đ.T Hệ số ICOR của Việt Nam vẫn cao so với mức bình quân của thế giới. Trong ảnh: Chế biến cá ngừ xuất khẩu tại Công ty TNHH Thủy sản Hồng Ngọc (Phú Yên). Ảnh: Đ.T

Cú sốc mang tên Covid-19 không chỉ khiến những đánh giá về năm 2020, về cả nhiệm kỳ 5 năm bỗng nhiên “đứt gãy”, mà quan trọng hơn, kế hoạch cho một giai đoạn mới đòi hỏi cả các nhà lập pháp cũng như hành pháp phải “mới” hơn, linh hoạt hơn.

Bài 2: Chỉ tiêu mới, động lực mới 2021

Hệ thống chỉ tiêu phát triển mới cho năm 2021, với mức tăng trưởng 6-6,5%, đã được dự kiến dựa trên số liệu giai đoạn 2016-2020 được đánh giá lại. Đây là điểm khác biệt của giai đoạn mới, song động lực tăng trưởng, giải pháp đột phá cho năm 2021 vẫn là điều được đặc biệt quan tâm.

Chỉ tiêu mới

Tại Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2021 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi thảo, số lượng chỉ tiêu phát triển vẫn là 12, song những chỉ tiêu quen thuộc từ nhiều năm nay không còn trong dự kiến của năm 2021.

Trong 5 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, không còn tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ nhập siêu, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội so với GDP. Ba chỉ tiêu mới là quy mô GDP bình quân đầu người (khoảng 3.700 USD/người); tỷ trọng đóng góp của Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng (khoảng 45-47%) và tốc độ tăng năng suất lao động xã hội (khoảng 4,8%). Hai chỉ tiêu còn lại (cũ) GDP tăng 6-6,5% và CPI bình quân khoảng 4%.

Về hệ thống chỉ tiêu mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải thích: “Căn cứ quy định tại Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, các mục tiêu, chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của giai đoạn 2021-2025 được tính toán, dự báo dựa trên số liệu giai đoạn 2016-2020 đã được đánh giá lại, điều chỉnh quy mô kinh tế”.

Với chú thích này, theo một số vị chuyên gia có mặt tại phiên thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cuối tháng 9 vừa qua, mục tiêu GDP tăng 6-6,5% của năm sau vẫn còn hơi khiêm tốn, bởi có tổ chức quốc tế dự báo, mức tăng GDP của Việt Nam năm 2021 có thể lên tới 10-11%.

“Dù có hay không có Covid-19, theo tôi, GDP năm sau vẫn có thể tăng cao hơn mức 6,5%, thậm chí có thể đến 9-10% nếu nguồn lực được phân bổ lại một cách hiệu quả”, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định và nhấn mạnh, muốn phân bổ hợp lý, thì không thể bằng mệnh lệnh hành chính, mà cần thực hiện các giải pháp mạnh theo hướng thị trường và thị trường hơn.

Ông Cung nhận định, nếu có thể giảm Hệ số ICOR (hệ số sử dụng vốn đầu tư, thể hiện để tăng một đồng GDP cần đầu tư bao nhiêu đồng - PV) từ 6 xuống 4 như mức bình quân của thế giới, thì với tổng đầu tư toàn xã hội trên 30% GDP như hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt tốc độ tăng trưởng tới 9-10%.

Về TFP, dù không nằm trong 12 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2020, song đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá là đóng góp vào tăng trưởng năm nay ước đạt 37,48%, thấp hơn nhiều so với năm 2019 (47,71%). Nhưng tỷ trọng bình quân 5 năm ước đạt khoảng 43%, cao hơn mục tiêu Kế hoạch 5 năm 2016-2020 (30-35%).

Theo TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương), các mô hình kinh tế khác nhau sẽ tạo ra chỉ số TFP khác nhau. Cho đến nay, chưa có mô hình nào được khẳng định là mô hình chuẩn, nên việc đưa ra chỉ số pháp lệnh do một mô hình tạo ra cần được phân tích thấu đáo.

Còn TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, nếu cần phải có chỉ tiêu mới, nên đưa vào các chỉ tiêu thể hiện sự thay đổi về chất lượng dẫn đến tăng GDP, như giảm Hệ số ICOR xuống mức bình quân của thế giới (từ 6,1 hiện tại xuống 4), hay đặt chỉ tiêu về giá trị gia tăng trên một sản phẩm (giá trị gia tăng trên 1 ha đất canh tác, hay giá trị tăng thêm trên 1 đơn vị xuất khẩu...).

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, tại Nghị quyết 85/2019/QH14, Quốc hội đã giao Chính phủ xây dựng bộ chỉ tiêu phù hợp cho giai đoạn 2021-2025. Khi tham gia Tổ Biên tập Tiểu ban Kinh tế, xã hội Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham gia xây dựng bộ chỉ tiêu mới báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương cho ý kiến trước khi triển khai cụ thể.

Ông Trần Quốc Phương nhấn mạnh, các báo cáo tương ứng trình Quốc hội đã quán triệt và phù hợp với bộ chỉ số mà Tiểu ban đã trình Bộ Chính trị và Trung ương. Về chủ trương và nghiên cứu, các bộ chỉ tiêu hàng năm và 5 năm đã đảm bảo quy trình đưa ra xem xét quyết định.

“Tiếp thu ý kiến đóng góp, thời gian tới, Chính phủ sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội rà soát lại để đại biểu xem xét và lựa chọn chỉ tiêu đảm bảo quá trình giám sát hiệu quả nhất”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương ghi nhận.

Cần nhiều hơn một kịch bản tăng trưởng

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định, tình hình năm 2021 vẫn rất khó khăn, chưa có khả năng xử lý dứt điểm đại dịch Covid-19 trước tháng 6/2021. Với tốc độ lây lan dịch bệnh hiện nay tại nhiều nước, thế giới cũng chưa thể quay trở lại trạng thái bình thường. Bởi thế, các năm 2021-2022 vẫn phải vừa lo chống dịch, vừa lo phục hồi kinh tế. Khả năng phải đến năm 2023, tình hình mới có thể bình thường trở lại.

Bối cảnh mới, chính sách cũng phải mới. TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, rất cần một tư duy mới trong bối cảnh đặc biệt hiện nay. Trong giai đoạn tới, dứt khoát tăng trưởng phải chuyển sang chiều sâu, mà cốt lõi là phải đầu tư vào khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thế nhưng, ông Tuấn tỏ ra sốt ruột khi đầu tư cho khoa học - công nghệ của Việt Nam đang rất thấp, mục tiêu đặt ra đến năm 2020 đạt 2% GDP, nhưng thực chất đến nay mới dừng ở 0,4% GDP, thị trường khoa học - công nghệ chưa phát triển và nhân lực khoa học - công nghệ cũng thiếu hụt.

“Nếu cứ đầu tư thế này, tôi khẳng định, chắc chắn nước ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Tôi thiết tha kiến nghị phải thay đổi căn bản đầu tư cho khoa học - công nghệ”, ông Tuấn góp ý và cho rằng, tạo cơ chế cho khu vực tư nhân thể hiện được vai trò của mình cũng sẽ tạo động lực mới cho phát triển.

Nhắc đến chỉ tiêu tăng trưởng 6-6,5% của năm 2021, TS. Nguyễn Tú Anh cho rằng, cần có chính sách trọng điểm, đột phá, phải chỉ ra được đâu là động lực tăng trưởng. Nền kinh tế như Việt Nam, muốn tăng trưởng nhanh và bền vững, không có cách nào khác là phải dựa vào đầu tư và thị trường bên ngoài. Hệ số ICOR của Việt Nam vẫn cao so với mức bình quân của thế giới, vì thế, phải có giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư.

Vị chuyên gia này đề nghị, cần xây dựng ít nhất 2 kịch bản cho năm 2020. Thứ nhất là kịch bản “bình thường mới” như hiện nay thì có thể tăng trưởng 6-6,5%, còn kịch bản Covid-19 quay trở lại thì phải rất khác.

TS. Nguyễn Xuân Thành (Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright) khuyến nghị, cần chuẩn bị biện pháp mạnh để kích thích tiêu dùng dân cư, nếu Covid-19 vẫn kéo dài sang năm 2021 và mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ nội địa không hồi phục. Những biện pháp mạnh có thể kể đến là miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng.

Giảm thuế cũng là kiến nghị của nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp được Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) gửi đến Thủ tướng Chính phủ. Tại báo cáo phát hành tháng 9/2020, Ban IV khuyến nghị, thay vì các chính sách hỗ trợ khi doanh nghiệp đã kiệt quệ và đổ vỡ, thì cần có nhiều hơn những chính sách giúp doanh nghiệp tiết giảm được dòng tiền chi ra để cân đối và sử dụng dòng vốn còn rất mỏng cho các khoản chi tối thiểu nhằm duy trì người lao động, duy trì sản xuất/kinh doanh và tái cấu trúc doanh nghiệp.

Cụ thể, doanh nghiệp và hiệp hội tiếp tục kiến nghị Chính phủ áp dụng mạnh hơn việc miễn, giãn, hoãn, giảm các khoản tiền phải nộp trong năm 2020 - 2021, như các loại tiền bảo hiểm, thuế, phí với nhà nước, tiền thuê đất, lãi vay ngân hàng, kinh phí công đoàn... Bởi dù ở kịch bản lạc quan là dịch bệnh có khả năng khống chế được trong một vài tháng tới, thì mức độ thiệt hại và khả năng phục hồi của doanh nghiệp vẫn được dự báo sẽ phải kéo dài tới ít nhất là hết năm sau.

Nhiều năm trăn trở “không chuyển sang kinh tế thị trường thì không giải quyết được gì cả”, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, yếu tố cốt lõi là tạo động lực cho người lao động, cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Thời điểm này, động lực là cơ chế thị trường, nguyên tắc thị trường.

Định hướng các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2021, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đặt ở vị trí số 1 nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Báo cáo nhấn mạnh vai trò của các giải pháp công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, phát triển nền kinh tế số, nghiên cứu, xây dựng các chính sách cho phép thử nghiệm các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh, công nghệ mới tại Việt Nam, như thanh toán điện tử, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, đô thị thông minh…

Làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói, con đường phía trước còn nhiều gập ghềnh, vì thế, mọi chỉ tiêu, giải pháp đều cần được tính toán kỹ lưỡng hơn, trước khi trình Quốc hội cho ý kiến.

Một trong những nội dung được Trung ương cho ý kiến tại Hội nghị 13

Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 là một trong những nội dung được Trung ương cho ý kiến tại Hội nghị 13, diễn ra từ ngày 5-10/10 tại Hà Nội. Trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị Trung ương nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng, dự báo có cơ sở khoa học về tình hình những tháng cuối năm 2020 và các năm 2021, 2022, đặc biệt là xu hướng biến động của dịch bệnh và diễn biến tình hình thế giới và trong nước trên tất cả các lĩnh vực.

Trên cơ sở đó, đề ra mục tiêu tổng quát, một số mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu và những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng cần tập trung ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và các năm tiếp theo. Dự báo hết các tình huống để chuẩn bị các phương án đối phó phù hợp, kể cả trong tình huống xấu nhất.

(Còn tiếp)

Nguyên An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục