Đánh thuế ngôi nhà thứ 2: Cần tránh “tác dụng phụ”

(ĐTCK) Thuế cho ngôi nhà thứ 2 đang được ráo riết đề xuất, nhưng vẫn còn đó những băn khoăn về thời điểm, đối tượng đánh thuế và cách thức triển khai.
Nên cân nhắc thời điểm đánh thuế ngôi nhà thứ 2. Ảnh: Dũng Minh.

Thuế cũng như thuốc, có tác dụng phụ

Bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc CBRE Hà Nội cho biết, một điểm khác biệt lớn giữa thị trường bất động sản Việt Nam và các thị trường phát triển là chưa có thuế bất động sản và thuế đánh trên căn nhà thứ 2.

Theo chuyên gia CBRE, thuế là công cụ Nhà nước có thể hoàn toàn áp dụng cho mục đích tăng thu ngân sách, điều tiết thị trường, nhưng không thể điều tiết toàn bộ diễn biến thị trường.

Do đó, để điều tiết, thông thường, thuế sẽ hướng đến những đối tượng đầu cơ mà không có nhu cầu khai thác sử dụng. Với mục đích đó, thuế không thể làm giảm giá bất động sản. Đây là kinh nghiệm từ các thị trường phát triển.

“Với nhóm đầu cơ, nếu tăng thuế thì nhà đầu tư sẽ giảm tần suất giao dịch, việc này có thể làm giảm độ nóng thị trường đôi chút. Tuy nhiên, thuế cũng như thuốc, có thể sẽ gây tác dụng phụ nếu dùng không đúng cách, đúng liều lượng. Đặc biệt, nếu đánh thuế một cách đại trà sẽ ảnh hưởng lớn đến người có nhu cầu thực. Chẳng hạn, với người trung lưu, sau khi tích cóp cả đời và mua ngôi nhà thứ 2 để cho con hay cho thuê, tạo thêm nguồn thu nhập, điều này hoàn toàn hợp pháp, hợp lý, nhưng cũng sẽ là những người chịu thuế”, bà An nói.

Theo chuyên gia CBRE, thị trường Việt Nam đang phát triển, có 38% dân số đô thị, so với mức trung bình của các nước trong khu vực là khoảng 60%. Việt Nam còn dư địa phát triển nhà ở để đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân, nếu đánh thuế mà không cân nhắc, tính toán kỹ thì sẽ làm cản trở sự phát triển lành mạnh của thị trường.

Nên chờ nhịp, tránh giật cục

Cũng với góc nhìn cẩn trọng, ông Nguyễn Anh Quê - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, chưa nên áp dụng ngay lúc này. Theo ông Quê, việc đánh thuế bất động sản thứ hai là điều tất yếu phải diễn ra theo xu thế của thế giới và thực tế là nhiều nước cũng đã áp dụng. Tuy nhiên, áp dụng ở thời điểm nào, ở mức độ ra sao… thì cần xem xét kỹ lưỡng.

Chuyên gia VNREA cho biết, một bài học rất lớn từ quốc gia nằm ngay sát chúng ta, đó là Trung Quốc. Tác động từ việc siết cho vay bất động sản, đánh thuế bất động sản thứ 2 đã làm thị trường khủng hoảng, ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế nước này.

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc, tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ vào gần 20%. Hiện nay, Trung Quốc đang tìm mọi cách giải cứu thị trường bất động sản nhưng vẫn chưa có nhiều tín hiệu lạc quan.

“Trung Quốc gặp khó do áp dụng quá nhanh, quá gấp, thiếu sự mềm dẻo, linh hoạt nên gây sốc cho thị trường và ảnh hưởng dây chuyền tới nền kinh tế”, ông Quê nói, đồng thời cho rằng, thời điểm phù hợp để thực hiện việc đánh thuế bất động sản thứ hai là khoảng sau năm 2030, tức sau một lần nữa sửa đổi các luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Đầu tư...

“Phải đợi thêm ‘một nhịp’ chính sách, còn nếu làm trong giai đoạn hiện tại thì các quy định sẽ chưa đảm bảo đồng bộ. Nhìn lại bài học từ năm 2022, việc sử dụng công cụ tài chính để hạn chế sức nóng của thị trường bất động sản nhưng cách làm giật cục, chưa phù hợp khiến thị trường đóng băng, gây ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề và nền kinh tế”, ông Quê lưu ý thêm.

Bình Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục