Công bố báo cáo giám sát của Quốc hội về bất động sản và nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ ra nhiều bất cập trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023, Đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị nhiều giải pháp khắc phục, trong đó có kiến nghị các bộ ngành hoàn thiện văn bản hướng dẫn các luật về bất động sản trước 1/12/2024.
Công bố báo cáo giám sát của Quốc hội về bất động sản và nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023

Sáng 28/10, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV bước vào tuần làm việc thứ hai.

Quốc hội dành cả ngày 28/10 để thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Thị trường bất động sản và nhà ở xã hội thiếu bền vững

Trình bày Báo cáo, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội Vũ Hồng Thanh biết, giai đoạn 2015-2023, thị trường bất động sản có những bước phát triển tích cực, tạo ra khối lượng lớn cơ sở vật chất cho xã hội, đóng góp vào tăng trưởng của đất nước, nâng cao điều kiện sống cho các tầng lớp nhân dân.

Đến cuối giai đoạn giám sát, có khoảng hơn 3.363 dự án phát triển nhà ở thương mại và khu đô thị đã và đang triển khai thực hiện với quy mô sử dụng đất khoảng hơn 11.191 ha; 413 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 87.700 ha.

Có khoảng 800 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 567.042 căn, trong đó: 373 dự án đã hoàn thành với quy mô 193.920 căn; 129 dự án đã khởi công với quy mô 114.934 căn; 298 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 258.188 căn.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Hồng Thanh, bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường bất động sản và nhà ở xã hội còn nhiều tồn tại, bất cập, phát triển chưa bền vững, mất cân đối cung - cầu; giá bất động sản còn cao so với thu nhập của đa số người dân; nhiều khu đô thị bỏ hoang; quản lý chung cư mini còn nhiều bất cập...

Nêu nguyên nhân, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ và liên tục được hoàn thiện, tạo khung khổ pháp lý cho việc phát triển cho lĩnh vực này; tuy nhiên, một số quy định còn chồng chéo, chưa thống nhất, chưa đồng bộ; chưa phù hợp với thực tế, chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung; một số vấn đề chưa được pháp luật quy định dẫn đến lúng túng, vướng mắc khi triển khai.

Nhiều văn bản quy định chi tiết thi hành luật chậm được ban hành. Một số văn bản quy định chi tiết thi hành luật chất lượng chưa cao, chưa dự báo được hết các vấn đề phát sinh trong thực tế, phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần trong thời gian ngắn, dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực hiện.

Ngày 28/10, Quốc hội thảo luận báo cáo giám sát của Quốc hội về thị trường bất động sản và nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023

Ngày 28/10, Quốc hội thảo luận báo cáo giám sát của Quốc hội về thị trường bất động sản và nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023

Trong khi đó, công tác quy hoạch liên quan đến thị trường bất động sản và nhà ở xã hội còn có sự mâu thuẫn, thiếu thống nhất giữa các quy hoạch; quy trình điều chỉnh quy hoạch kéo dài, vướng mắc; chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa bảo đảm tầm nhìn dài hạn... gây khó khăn cho công tác quản lý, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án bất động sản.

Ngoài ra, việc thực hiện Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021 - 2030) chưa đạt yêu cầu, đa số địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu.

Việc triển khai đầu tư dự án bất động sản và nhà ở xã hội của nhà đầu tư còn gặp vướng mắc do trình tự, thủ tục phức tạp, một số quy định chồng chéo, thiếu thống nhất dẫn đến ách tắc trong triển khai dự án.

Khả năng tiếp cận đất đai còn khó khăn. Nhiều địa phương còn lúng túng trong việc tổ chức đấu thầu dự án có sử dụng đất. Hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất có biểu hiện bất thường, tạo mặt bằng giá đất cao; quy trình đấu giá còn phức tạp.

Trong giai đoạn 2015 - 2023, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản có sự tăng trưởng, chiếm tỷ trọng từ 18-21% trong tổng dư nợ tín dụng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, các dự án bất động sản mới khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, lãi suất còn cao...

Đoàn giám sát cho rằng những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Bao gồm: chính sách pháp luật có nhiều nội dung phức tạp, thiếu sự thống nhất trong quan điểm tiếp cận, xây dựng, thực hiện chính sách; công tác tổ chức thực hiện pháp luật vẫn là khâu yếu, hiệu quả chưa cao. Các địa phương có tâm lý sợ sai, tâm lý nhiệm kỳ dẫn đến việc chỉ đạo thực hiện các dự án trên địa bàn còn chưa sát sao, giải quyết thủ tục chưa kịp thời; chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, chưa quan tâm đến việc quy hoạch bố trí quỹ đất làm dự án nhà ở xã hội độc lập.

Hoàn thiện văn bản hướng dẫn 3 luật mới về bất động sản trước 1/12/2024

Từ đó, Đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ một số giải pháp cần phải thực hiện ngay, bao gồm:

Một là: Tập trung chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo thẩm quyền được giao trước ngày 1/12/2024.

Hai là: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành bảo đảm thực sự khắc phục các tồn tại, hạn chế trong giai đoạn 2015-2023, bao gồm cả các văn bản mới được ban hành.

Ba là: Tập trung chỉ đạo công tác hướng dẫn thực hiện và tổ chức thực hiện pháp luật về tài chính đất đai, trong đó có công tác định giá đất, xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất và các chính sách khác có liên quan, bảo đảm duy trì mặt bằng hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, thực hiện mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bốn là: Hướng dẫn cụ thể, rõ ràng điều kiện, trình tự, thủ tục triển khai dự án trong thời gian đầu thực hiện quy định của pháp luật mới được ban hành, đặc biệt là đối với các dự án chuyển tiếp.

Các đại biểu Quốc hội nghe Đoàn giám sát báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bất động sản và nhà ở xã hội sáng 28/10.

Các đại biểu Quốc hội nghe Đoàn giám sát báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bất động sản và nhà ở xã hội sáng 28/10.

Đối với các dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 có liên quan đến quản lý bất động sản và nhà ở xã hội và các luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Đoàn giám sát đề nghị nghiên cứu để có cơ chế giải quyết vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn trên cơ sở đánh giá khách quan; phân định rõ nguyên nhân vướng mắc do quy định của luật, văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành hay do tổ chức thực hiện để có đề xuất giải pháp phù hợp, khả thi.

Đặc biệt, đối với dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, Đoàn giám sát đề nghị bám sát ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, bảo đảm cơ chế thí điểm phát huy tối ưu nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, tránh tạo thêm vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Ngoài ra, cần có cơ chế giải quyết phù hợp, xử lý dứt điểm đối với các dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ do quá trình triển khai thực hiện kéo dài và pháp luật qua các thời kỳ có nhiều thay đổi trên cơ sở xem xét toàn diện các yếu tố thực tiễn khách quan, hoàn cảnh lịch sử cụ thể, đánh giá đầy đủ lợi ích - chi phí và tính khả thi của phương án giải quyết để thị trường bất động sản và nhà ở xã hội bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp và vì lợi ích chung.

Đối với những dự án đã có kết luận của cấp có thẩm quyền về phương án tháo gỡ, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa: Đề nghị bám sát chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và rà soát bảo đảm nội dung Nghị quyết phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội.

Đối với những dự án thuộc phạm vi xử lý hoặc đã được phân cấp, giao quyền cho Bộ, ngành, địa phương, đề nghị Bộ, ngành, địa phương giải quyết dứt điểm theo đúng thẩm quyền.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục