“Đánh thức” bất động sản nghỉ dưỡng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau giấc dài “ngủ Đông”, thị trường bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng đang được đánh thức bởi một loạt dự án quy mô lớn cùng những cái bắt tay hợp tác đầy triển vọng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các lãnh đạo bộ,ngành, doanh nghiệp tham dự Lễ khởi công khu nghỉ dưỡng tại Hòn Thơm Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các lãnh đạo bộ,ngành, doanh nghiệp tham dự Lễ khởi công khu nghỉ dưỡng tại Hòn Thơm

"điểm nổ" Phú Quốc…

“Chúng ta sẽ xây dựng đề án và ban hành văn bản phù hợp trình cấp có thẩm quyền, tiếp tục phát triển Phú Quốc nhanh và bền vững hơn dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, dựa vào nội lực của Phú Quốc, con người Phú Quốc, truyền thống lịch sử văn hóa hào hùng của Phú Quốc”. Lời phát biểu này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị tổng kết Nghị quyết 178 (phê duyệt đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc) tổ chức ngày 30/3/2024 cho thấy thời cơ, vận hội mới mà Phú Quốc đang đón nhận.

Trong bản đồ du lịch Việt Nam, Phú Quốc mang trong mình câu chuyện riêng của một huyện đảo giàu tiềm năng. Đây cũng là thị trường nghỉ dưỡng mới nổi thu hút được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư, từ các “Big Boy” cho tới nhà đầu tư đơn lẻ. Và cũng thật đáng đề cập, khi giai đoạn hiện tại, thị trường bất động sản nói chung, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng, đang thẩm thấu chính sách rõ rệt hơn, bước vào giai đoạn tích lũy và chuẩn bị cho một chu kỳ phát triển mới, Phú Quốc hội tụ nhiều yếu tố để trở thành thị trường cầm cờ tiên phong.

Đến thời điểm hiện tại, nhiều ký kiến cho rằng, dù vừa có giai đoạn chùng xuống vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, Phú Quốc vẫn là một trong những thị trường du lịch - nghỉ dưỡng tiềm năng bậc nhất Việt Nam. Hàng loạt nhà phát triển bất động sản lớn như Vingroup, Sun Group, C.E.O Group, MIK Group, Tân Á Đại Thành… đều đã góp mặt.

Mới nhất, Phú Quốc tiếp tục cho thấy “sức nóng” khi Sun Group khởi công tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí biển quy mô 50.000 tỷ đồng tại đảo Hòn Thơm. Sau khoảng 10 năm phát triển mạnh mẽ, đến nay, Phú Quốc đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua với du khách trong và ngoài nước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, Việt Nam đón 12,6 triệu lượt du khách quốc tế, tăng 3,4 lần so với năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách đề ra. Còn số liệu mới nhất của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho thấy, trong tháng 3/2024, Việt Nam đón gần 1,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 4,4% so với tháng trước đó và tăng 78,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2024, lượng khách đạt hơn 4,6 triệu lượt, tăng 72% so với cùng kỳ 2023 và tăng 3,2% so với cùng kỳ 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19).

Du lịch phục hồi mạnh mẽ, cùng với những xu hướng mới trong thói quen “xê dịch” của du khách sẽ đi kèm đòi hỏi ngày càng cao từ hệ thống cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch… và nếu nói về sức hút của “đảo Ngọc” trong mắt du khách quốc tế, Phú Quốc có phần nổi bật hơn so với các địa điểm du lịch khác.

Theo các chuyên gia, riêng với thị trường Hàn Quốc, Phú Quốc đang vượt qua Đà Nẵng để trở thành điểm đến được du khách “xứ kim chi” yêu thích nhờ cảnh biển tuyệt đẹp, khí hậu ôn hòa quanh năm. Chỉ trong mùa Đông 2023, từ tháng 10, có tới 3 hãng hàng không lớn nhất Hàn Quốc cùng khai thác mới và mở lại đường bay thẳng tới Phú Quốc, gồm Korean Air, Jeju Air và Jin Air. Tính chung thị trường quốc tế, thời điểm hiện tại, “đảo Ngọc” đón 12-15 chuyến bay đến mỗi ngày.

Ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc cho biết, dịp cuối năm 2023 ghi dấu thời điểm lượng khách đến Phú Quốc tăng đột biến, đặc biệt là khách quốc tế.

“Thời điểm đó, bình quân mỗi ngày, Phú Quốc đón 2.000-2.500 khách quốc tế, trong đó khách Hàn Quốc chiếm tới hơn 50%”, ông Hưng nói, đồng thời cho biết thêm, khách Hàn Quốc rất thích Phú Quốc vì thời gian bay thẳng chỉ mất 4-5 tiếng, phù hợp để đi du lịch.

Vị trí tuyệt đẹp của dự án Libera Nha Trang do KDI Holdings và Masterise Homes phối hợp triển khai

Vị trí tuyệt đẹp của dự án Libera Nha Trang do KDI Holdings và Masterise Homes phối hợp triển khai

Còn theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Kiên Giang, Phú Quốc liên tiếp đón nhiều chuyến bay quốc tế từ các nước Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Thái Lan, Malaysia, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Mỹ, Mông Cổ... với hàng chục nghìn du khách.

Theo Sở Du lịch Kiên Giang, giai đoạn nghỉ Tết Giáp Thìn, công suất phòng nghỉ trên địa bàn Phú Quốc ở mức khá cao, với phân khúc 5 sao đạt bình quân từ 60% trở lên, có cơ sở đạt tới 97%. Phân khúc 4 sao tập trung tại các cơ sở vị trí trung tâm, gần khu vui chơi, giải trí, trung bình lượng đặt phòng từ 35-80%.

PGS-TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, Phú Quốc có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cởi mở nên quy tụ được nhiều nhà đầu tư lớn trong nước cũng như nước ngoài. Đây là chiến lược sáng suốt, phù hợp, khẳng định doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để cùng Phú Quốc bước vào cuộc cạnh tranh toàn cầu mà không có sự e ngại.

Còn ông Đặng Minh Trường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Sun Group tái khẳng định, Sun Group xác định việc đầu tư tại “đảo Ngọc” là đầu tư cho tương lai, với định hướng phát triển bền vững, lấy thiên nhiên làm trung tâm. Với dự án lần này, du khách sẽ có được những trải nghiệm đẳng cấp, đa sắc màu và đậm tính nghệ thuật…, mà vẫn được sống trọn vẹn giữa thiên nhiên nhiệt đới trong lành.

Dù không đại diện cho cả ngành du lịch, nhưng với một thị trường đặc thù và đã “vượt khó” thành công, câu chuyện của Phú Quốc đang mang đến cảm hứng cho nhiều bên, nhiều phía.

Chẳng hạn, mới đây, Tập đoàn Tân Á Đại Thành thực hiện chuỗi sự kiện sitetour trải nghiệm và lễ kick-off với chủ đề “Meyers on Fire”, quy tụ hơn 500 “chiến binh” Meyhomes từ hơn 50 đối tác phân phối chính thức trên toàn quốc.

Cũng liên tục tổ chức các sự kiện làm nóng bầu không khí đầu tư tại đây, ông Nguyễn Anh Quê - Chủ tịch Tập đoàn G6 cho hay, thời gian tới, sẽ có những đoàn nhà đầu tư nắm trong tay nguồn tài chính từ 1-100 triệu USD đến Phú Quốc để tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Ông Quê cũng cho rằng, với Phú Quốc, thị trường bất động sản gắn bó mật thiết với lĩnh vực du lịch. Khi du lịch phục hồi thì bất động sản cũng sẽ tích cực trở lại. Chưa kể, với các thông tin quy hoạch mới được công bố, Phú Quốc sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư khắp cả nước.

… lan tỏa ra toàn thị trường

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), dù còn những khó khăn phía trước, nhưng tiềm năng của thị trường bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng là rộng mở bởi nhu cầu du lịch tăng cao cùng sự quan tâm của giới đầu tư. Việc hoàn thiện hành lang pháp lý, công bố quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng… là động lực để các nhà phát triển dự án tăng cường đầu tư vào lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho biết, nguồn cung bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng trong năm nay có thể cải thiện 20% so với năm ngoái, trong đó loại hình căn hộ biển tại các dự án lớn sẽ chiếm ít nhất 60% thị phần. Cùng với đó, lượng giao dịch cũng được dự báo tăng khoảng 30%.

Còn ông Nguyễn Phạm Kiên Trung - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Định, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch miền Trung cho hay, tại Bình Định, ngày càng có nhiều nhà đầu tư tới đây tìm kiếm cơ hội. Các nhà đầu tư này thường đi theo nhóm, tìm nơi có vị trí đẹp để đầu tư. Sản phẩm đang được quan tâm nhiều là biệt thự, liền kề trong các dự án. Đáng chú ý, không ít người đang săn lùng đất nền gần các dự án du lịch.

“Không loại trừ tâm lý ‘bắt đáy’, nhưng diễn biến trên cũng phần nào cho thấy niềm tin vào bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng đã được cải thiện. Tóm lại, ngành du lịch phục hồi không chỉ mang lại những thống kê ấn tượng về con số, mà quan trọng hơn là mang niềm tin trở lại”, ông Trung nhấn mạnh.

Trong một diễn biến khác, vừa qua, sự kiện gây chú ý là việc Masterise Homes và KDI Holdings cùng bắt tay phát triển dự án Libera Nha Trang, nâng tầm dự án trở thành “thành phố không ngủ” sôi động bậc nhất khu vực miền Trung… tiếp tục cho thấy niềm tin vào sự phục hồi của phân khúc vốn chịu nhiều long đong, lận đận này. Với việc cả hai bên cùng có kinh nghiệm quốc tế khi là “người nhà” của những thương hiệu quản lý, vận hành uy tín (với Masterise Homes là Marriott International, Ritz-Carlton, còn với KDI Holdings là Gran Meliá Hotels & Resorts), kỳ vọng về một dự án tầm cỡ, góp phần “phá băng” thị trường bất động sản nghỉ dưỡng là có thể hiểu được.

Nghiên cứu từ Savills Hotels APAC cho thấy, những năm gần đây, các thương hiệu khách sạn quốc tế đang dần gia tăng mức độ hiện diện tại Việt Nam. Hiện nay, toàn thị trường có gần 200 khách sạn mang thương hiệu quốc tế, tăng mạnh so với khoảng 50 dự án vào năm 2013.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels cho biết, tùy thuộc vào tầm nhìn và chiến lược của chủ đầu tư, mỗi mô hình sẽ có lợi thế riêng. Việc tự vận hành khách sạn giúp chủ đầu tư có thể độc lập trong quá trình phát triển, quản lý vận hành, trong khi đó, các chuỗi khách sạn có nhiều ưu thế về chuyên môn quản lý, mức độ nhận diện thương hiệu, hệ thống phân phối và marketing. Việc song hành cùng với các thương hiệu áp dụng hệ thống tiêu chuẩn khắt khe, đem đến các sản phẩm chất lượng cho thị trường, từ đó giúp gia tăng tính cạnh tranh cho dự án, song điều này cũng đòi hỏi quá trình hoạch định và nghiên cứu kỹ lưỡng, đồng thời yêu cầu chi phí đầu tư cũng cao hơn.

Bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng đang có nhiều cơ hội phát triển

TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế

TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế

Có nhiều cơ sở để kỳ vọng phân khúc bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng sẽ lấy lại “phong độ” thời gian tới: Thứ nhất, lượng du khách đến Việt Nam có xu hướng hồi phục tích cực; thứ hai, bất động sản du lịch sẽ hưởng lợi từ việc tăng tiêu dùng của người dân khi theo thống kê, tổng mức bán lẻ dịch vụ và hàng hóa năm 2023 tăng 9,6% (mục tiêu đặt ra là 9%); thứ ba, yếu tố chuyên nghiệp của các nhà phát triển bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng đã được nâng cao, thực hiện nhiều chương trình du lịch hấp dẫn…, qua đó tăng thời gian lưu trú cũng như chi tiêu của các du khách; thứ tư, chính sách liên quan đến bất động sản nghỉ dưỡng được điều chỉnh nhằm tạo ra thị trường sôi động hơn và tăng hiệu suất sử dụng, tăng sức cầu đối với dòng sản phẩm này.

Tóm lại, bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng đang có nhiều điểm thuận lợi cả về yếu tố cung - cầu lẫn giá bán. Do đó, khả năng phân khúc này chuyển biến tích cực hơn trong năm 2024 là hoàn toàn có thể.

Loại hình căn hộ biển sẽ là điểm nhấn

Bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn xúc tiến đầu tư, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS)

Hậu thuẫn lớn nhất cho bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng trong năm 2024 đến từ cơ hội phục hồi và phát triển của ngành du lịch. Đó là chính sách nới lỏng visa tiếp tục phát huy tác dụng cùng với chính sách giảm 2% thuế VAT đối với nhóm hàng hóa dịch vụ và nhiều chương trình xúc tiến hỗ trợ, triển lãm du lịch được tổ chức. Những yếu tố này sẽ là động lực để các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, “bơm” nguồn cung vào thị trường

Về phân khúc sản phẩm, loại hình căn hộ biển sẽ là điểm nhấn do vừa có thể để ở, vừa có thể khai thác cho thuê, tạo dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, Nghị định số 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai sẽ tháo gỡ vướng mắc về cấp sổ hồng cho các loại hình bất động sản căn hộ nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp nghỉ dưỡng..., tạo cơ hội cho phân khúc này phát triển mạnh mẽ.

Cần có hành động cụ thể hơn nhằm cải thiện trải nghiệm của du khách

Ông Mauro Gasparotti Giám, đốc Savills Hotels
Ông Mauro Gasparotti Giám, đốc Savills Hotels

Trong số các điểm đến du lịch tại Việt Nam thì Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc... có lợi thế hơn về kết nối hàng không và được biết đến là một điểm du lịch - nghỉ dưỡng nổi bật đối với cộng đồng khách du lịch quốc tế. Hơn nữa, nơi đây còn cung cấp đa dạng nhiều sản phẩm du lịch và các loại hình sản phẩm lưu trú từ trung đến cao cấp, dịch vụ ăn uống cũng như hoạt động giải trí, du lịch biển… Vì vậy, thị trường bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng các khu vực này được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà phục hồi tốt.

Mặt khác, việc nới lỏng chính sách visa gần đây là một bước tiến cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc gia tăng thu hút du khách quốc tế. Dẫu vậy, cần có hành động cụ thể hơn nhằm cải thiện trải nghiệm của du khách. Đây là yếu tố tiên quyết để du khách quay trở lại và lựa chọn Việt Nam như một điểm đến nghỉ dưỡng thường xuyên, hơn là một điểm đến mang tính chất “khám phá và trải nghiệm”.

Chiến lược thúc đẩy du lịch sẽ là động lực lớn cho bất động sản nghỉ dưỡng

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Tôi cho rằng, thị trường bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, các chủ đầu tư cần chú trọng vào quy hoạch và phát triển dự án nhằm bảo vệ cảnh quan tự nhiên, đồng thời cung cấp một môi trường thuận lợi cho du lịch và nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, cần thích nghi với các xu hướng mới, đem tới những trải nghiệm mới, những sản phẩm, dịch vụ tiếp cận được nhu cầu thực tế của khách hàng.

Hiện nay, ngành du lịch đang tiếp tục được đẩy mạnh phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Quyết định số 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”. Đây sẽ là động lực lớn để các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, gia tăng nguồn cung cho thị trường, qua đó giúp phân khúc bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng bắt kịp đà phục hồi chung của toàn thị trường.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục