Đánh giá trọng yếu kép trong ESG

(ĐTCK) Tháng 7/2023, Ủy ban châu Âu đã phê chuẩn các chuẩn mực báo cáo phát triển bền vững châu Âu (ESRS). Đáng lưu ý, bộ tiêu chuẩn ESRS này lần đầu tiên giới thiệu khái niệm “đánh giá trọng yếu kép” trong quá trình lập báo cáo phát triển bền vững.

Việc lập báo cáo phát triển bền vững không còn xa lạ đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong những năm gần đây. Các hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán cũng như các thông lệ tốt về lập báo cáo phát triển bền vững của GRI đều yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đánh giá trọng yếu để xác định các vấn đề phát triển bền vững có tác động lớn nhất trên các khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội.

Ở góc độ các nhà đầu tư, các nhà đầu tư cũng như các hướng dẫn có liên quan (chẳng hạn IFRS S1, S2) quan tâm đến các ảnh hưởng của các yếu tố phát triển bền vững đến các công bố thông tin về tài chính của các doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp cần xác định các rủi ro và cơ hội liên quan đến phát triển bền vững. Quan trọng hơn nữa, các doanh nghiệp cần xác định được các ảnh hưởng về mặt tài chính của các yếu tố này tới tình hình và hoạt động tài chính của doanh nghiệp của mình.

Dù tiếp cận ở góc độ nào thì cả hai phương pháp trên đều đánh giá trọng yếu ở trên một khía cạnh đơn lẻ (single materiality assessment).

Phương pháp đánh giá trọng yếu kép yêu cầu các doanh nghiệp thuộc diện phải tuân thủ báo cáo các vấn đề phát triển bền vững trọng yếu theo một trong hai góc độ: (i) các tác động của hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình ở góc độ môi trường và xã hội; (ii) các tác động của các yếu tố môi trường và xã hội đến doanh nghiệp ở góc độ tài chính. Cách tiếp cận này đang thu hút được sự chú ý khi các bên liên quan, bao gồm các nhà đầu tư, cơ quan quản lý và người tiêu dùng ngày càng yêu cầu sự hiểu biết toàn diện hơn về tác động ESG của công ty.

Sự khác biệt so với đánh giá trọng yếu truyền thống

Nếu như đánh giá trọng yếu theo cách truyền thống, các doanh nghiệp chỉ thực hiện đánh giá trọng yếu và công bố các đánh giá này hoặc ở khía cạnh tài chính, hoặc ở khía cạnh các tác động về mặt môi trường và xã hội. Ở góc độ tài chính, doanh nghiệp sẽ chỉ công bố các vấn đề có ảnh hưởng trọng yếu đến các công bố thông tin về tài chính.

Ở góc độ tác động về môi trường và xã hội, các doanh nghiệp sẽ đánh giá tính trọng yếu trong bối cảnh kinh doanh tập trung chủ yếu vào các tác động của doanh nghiệp trên các khía cạnh môi trường và xã hội. Cách tiếp cận này ưu tiên xem xét các tác động của doanh nghiệp đến các vấn đề như năng lượng, khí thải, nước, không khí, đa dạng sinh học, người lao động, cộng đồng… Theo đó, các vấn đề có tác động lớn được nhìn nhận từ cả doanh nghiệp và các bên có lợi ích liên quan sẽ được xem xét là các vấn đề trọng yếu.

Tuy nhiên, với phương pháp đánh giá trọng yếu kép, được giới thiệu tại ESRS, một vấn đề được coi là trọng yếu ở góc độ phát triển bền vững (cho mục đích công bố thông tin về phát triển bền vững) khi nó thỏa mãn một trong hai điều kiện: “có các tác động trọng yếu”, hoặc “trọng yếu về mặt tài chính”. Các tác động trọng yếu về môi trường và xã hội có liên quan chặt chẽ đến các tác động về mặt tài chính. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp có lượng phát thải khí nhà kính lớn (tác động lớn về mặt môi trường) thì cũng đồng thời có các rủi ro lớn về mặt tài chính. Tuy nhiên, các tác động trọng yếu về môi trường và xã hội không đồng nghĩa với các tác động về mặt tài chính. Các doanh nghiệp có thể có các yếu tố trọng yếu về mặt môi trường, xã hội nhưng không nhất thiết đó phải là các tác động lớn về mặt tài chính.

Sự chuyển đổi từ cách đánh giá trọng yếu truyền thống sang trọng yếu kép xuất phát từ sự thừa nhận rằng các doanh nghiệp hoạt động trong một hệ thống môi trường và xã hội rộng lớn hơn. Các bên liên quan mong đợi các doanh nghiệp tính đến các tác động bên ngoài, chứ không chỉ kết quả tài chính của họ. Trách nhiệm giải trình rộng hơn này trở nên rất quan trọng trong bối cảnh các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội và các thách thức quản trị ngày càng lớn hơn.

Lợi ích của việc đánh giá tính trọng yếu kép

Đánh giá trọng yếu kép mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp, tạo động lực cho việc chuyển hướng và giúp doanh nghiệp thích nghi với bối cảnh phát triển bền vững mới một cách hiệu quả hơn. Dưới đây là một số ưu điểm chính:

● Quản lý rủi ro toàn diện: Đánh giá tính trọng yếu kép cho phép các công ty xác định và quản lý phạm vi rủi ro rộng hơn. Thông qua việc xem xét tác động cả hai chiều: các yếu tố môi trường, xã hội với doanh nghiệp và hoạt động doanh nghiệp với môi trường rộng hơn, họ có thể đưa ra các chiến lược toàn diện để giảm thiểu rủi ro và tăng trưởng.

● Cải thiện việc ra quyết định: Quá trình đánh giá tính trọng yếu kép cung cấp một bức tranh đầy đủ hơn về sự tương tác của công ty với môi trường và xã hội, giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định chiến lược sáng suốt hơn liên quan đến đầu tư, hoạt động sản xuất - kinh doanh và lập kế hoạch dài hạn có tính đến cả yếu tố tài chính và phi tài chính.

● Khác biệt hóa và lợi thế cạnh tranh: Các công ty áp dụng cách tiếp cận trọng yếu kép có thể tạo sự khác biệt trên thị trường. Điều này đặc biệt hấp dẫn đối với người tiêu dùng và nhà đầu tư quan tâm đến tính bền vững, giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh.

● Thúc đẩy đổi mới: Quá trình tiến hành đánh giá trọng yếu kép có thể phát hiện ra những cơ hội mới cho đổi mới và cải thiện hoạt động, vừa mang lại lợi nhuận vừa bền vững.

● Tăng cường quan hệ với nhà đầu tư: Các nhà đầu tư ngày càng sử dụng các yếu tố ESG như một phần tiêu chí đầu tư của họ. Đánh giá trọng yếu kép giúp cung cấp thông tin chi tiết mà các nhà đầu tư cần để đánh giá hiệu quả hoạt động và triển vọng của công ty.

● Tăng cường sự tham gia của các bên liên quan: Cách tiếp cận mới này phù hợp với kỳ vọng ngày càng tăng của các bên liên quan, bao gồm các nhà đầu tư, khách hàng, nhân viên và cộng đồng rộng lớn hơn.

● Tăng cường tính minh bạch và độ tin cậy: Việc công bố đánh giá trọng yếu kép trong các báo cáo phát triển bền vững thể hiện cam kết của công ty về tính minh bạch. Điều này giúp tạo dựng niềm tin với các bên liên quan và củng cố uy tín của doanh nghiệp.

● Tuân thủ quy định và chuẩn bị sẵn sàng: Các khung quy định liên quan đến báo cáo ESG ngày càng phát triển. Việc đánh giá trọng yếu kép giúp các công ty chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng các yêu cầu mới một cách hiệu quả hơn.

● Phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững Toàn cầu: Tính trọng yếu kép phù hợp với các nỗ lực toàn cầu, chẳng hạn như Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên hợp quốc, giúp các doanh nghiệp đóng góp hiệu quả hơn cho những mục tiêu rộng lớn đó.

Những thách thức trong việc triển khai đánh giá trọng yếu kép

Mặc dù phương pháp đánh giá trọng yếu kép mang lại nhiều lợi ích, nhưng khi triển khai thực hiện, doanh nghiệp cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Phương pháp này yêu cầu các doanh nghiệp thu thập thêm dữ liệu, tương tác với nhiều bên liên quan hơn và tích hợp các mong đợi của bên liên quan vào quá trình lập kế hoạch và báo cáo chiến lược của mình. Dưới đây là một số thách thức phổ biến:

● Thu thập và chất lượng dữ liệu: Tiến hành đánh giá tính trọng yếu kép đòi hỏi phải thu thập nhiều loại dữ liệu, cả tài chính và phi tài chính. Việc đảm bảo tính chính xác, đầy đủ và độ tin cậy của dữ liệu này có thể là một thách thức với doanh nghiệp.

● Đo lường mức độ trọng yếu của tác động: Đánh giá tác động của các hoạt động của công ty đối với xã hội và môi trường có thể khó khăn hơn việc đánh giá mức độ trọng yếu về mặt tài chính. Việc định lượng các tác động như phúc lợi xã hội đòi hỏi các phương pháp tính toán phức tạp.

● Tốn kém về chi phí và nguồn lực: Việc thực hiện đánh giá trọng yếu kép toàn diện có thể tốn nhiều nguồn lực, đòi hỏi thời gian, chuyên môn và tài chính. Điều này có thể khó khăn đối với các doanh nghiệp nhỏ hoặc những đơn vị mới bắt đầu hành trình phát triển bền vững.

● Tích hợp với chiến lược kinh doanh: Việc tích hợp các vấn đề trọng yếu kép vào chiến lược và hoạt động kinh doanh không phải là một công việc dễ dàng. Đôi khi doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược của mình để giải quyết các tác động tiêu cực đến môi trường bên ngoài.

● Tích hợp quan điểm của các bên liên quan đa dạng: Đánh giá tính trọng yếu kép bao gồm việc xem xét quan điểm của các bên liên quan khác nhau. Việc cân bằng những lợi ích đa dạng và đôi khi xung đột này có thể rất phức tạp.

● Bối cảnh ESG năng động và đang phát triển: Các yếu tố quan trọng có thể thay đổi nhanh chóng do môi trường pháp lý phát triển, kỳ vọng xã hội thay đổi và các vấn đề môi trường mới. Theo kịp những thay đổi này và hiểu được ý nghĩa của chúng có thể là một thách thức.

Mặc dù có nhiều thách thức, nhưng xu hướng và yêu cầu đánh giá trọng yếu kép trong ESG ngày càng tăng. Doanh nghiệp cần tìm hiểu thêm và có kế hoạch triển khai thực hiện theo phương pháp này, không những đáp ứng xu thế mới mà còn tạo ra nhiều lợi ích cho doanh nghiệp mình. Ngoài ra, sự chuyển đổi từ đánh giá trọng yếu truyền thống sang trọng yếu kép thể hiện sự phát triển và cam kết mạnh mẽ của doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển bền vững, giúp củng cố niềm tin từ khách hàng và các đối tác quan trọng, góp phần phát triển kinh doanh một cách bền vững.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục