Đẳng cấp thành viên các “đại gia” trên UPCoM

(ĐTCK) Cổ phiếu SDI, MSR, PFL… thuộc Top 10 thanh khoản trên UPCoM, nhưng diễn biến giá cũng như hiệu quả kinh doanh của DN rất khác nhau.
Trong năm 2015, sàn UPCoM có nhiều DN lớn đăng ký giao dịch và thanh khoản tăng cao Trong năm 2015, sàn UPCoM có nhiều DN lớn đăng ký giao dịch và thanh khoản tăng cao

SDI: lợi thế từ Vingroup

Hơn 2 tháng qua, cổ phiếu SDI của CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị Sài Đồng dao động ổn định trong khoảng 26.000 - 28.000 đồng/CP.

SDI là công ty con của Tập đoàn Vingroup (VIC), thành lập tháng 9/2009, với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng công trình dân sự và dịch vụ giải trí. Năm 2012, Công ty tăng vốn điều lệ lên 1.200 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu ra công chúng. Hiện Vingroup sở hữu 94% SDI, sau khi mua lại 24 triệu cổ phiếu từ Công ty TNHH MTV Hanel (1 trong 2 cổ đông sáng lập SDI) tháng 8/2014.

Năm 2015, SDI gây chú ý khi thực hiện trả cổ tức năm 2014 bằng tiền với tỷ lệ 83,33%. Công ty chi tới 1.000 tỷ đồng để trả cổ tức, trong đó, Tập đoàn Vingroup nhận về khoảng 940 tỷ đồng.

Đẳng cấp thành viên các “đại gia” trên UPCoM ảnh 1

9 tháng đầu năm 2015, SDI đạt 211,4 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 93,2%; lợi nhuận sau thuế đạt 232,9 tỷ đồng (dù lãi thu về từ các công ty liên doanh, liên kết, đạt 247,4 tỷ đồng), giảm 82,4% so với cùng kỳ năm 2014. Nguyên nhân là do Công ty không còn khoản doanh thu từ mảng bất động sản chuyển nhượng. Cùng kỳ năm 2014, nhờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và hạ tầng tại Dự án Vinhomes Riverside, nên doanh thu thuần của SDI đạt hơn 7.745 tỷ đồng.

Hiện SDI có 2 dự án, một đang thực hiện là Dự án xây dựng công viên - hồ điều hòa khu phía Bắc và phần mở rộng phía Nam nghĩa trang Mai Dịch; một dự án khác là Khu chức năng đô thị Thành phố Xanh (Green City) đã được UBND TP. Hà Nội chấp thuận đầu tư từ tháng 8/2015. Cả 2 dự án này đều thuộc sở hữu của CTCP Bất động sản Hồng Ngân (SDI thâu tóm năm 2014), 1 trong 2 công ty con của SDI (cùng với TNHH Hợp tác Kinh doanh và Phát triển ISADO).

Trong quý IV/2015, SDI đã chuyển nhượng 79,8 triệu cổ phiếu NHN, tương đương với 39,9% vốn điều lệ (từ mức sở hữu 44,9% trước đó) CTCP Phát triển Đô thị Nam Hà Nội cho Công ty mẹ - Tập đoàn Vingroup, thu về khoảng 6,4 tỷ đồng lợi nhuận. 

MSR: Blue-chips của MSN

Với cổ phiếu MSR của CTCP Tài nguyên Masan, đây được xem là một trong những cổ phiếu blue-chips của sàn UPCoM, khi có vốn điều lệ lớn và ưu thế danh tiếng của Công ty mẹ - Tập đoàn Masan (MSN). MSR còn được biết đến với việc phát triển Dự án mỏ đa kim Núi Pháo, có trữ lượng vonfram lớn thứ hai thế giới.

Đẳng cấp thành viên các “đại gia” trên UPCoM ảnh 2

Gia nhập UPCoM từ 17/9/2015, cổ phiếu MSR có thanh khoản cao và ổn định. Thống kê trong 3 tháng gần nhất, MSR có hơn 9,2 triệu đơn vị được chuyển nhượng. Tuy nhiên, giá cổ phiếu có xu hướng giảm, vừa xuống dưới mệnh giá, so với mức đóng cửa phiên chào sàn là 14.300 đồng/CP.

MSR được thành lập tháng 4/2010, với mục tiêu thực hiện hoạt động khai thác khoáng sản và tài nguyên của Tập đoàn Masan. Sau 6 lần tăng vốn, hiện MSR có vốn điều lệ gần 7.200 tỷ đồng, hai cổ đông lớn là CTCP Tầm nhìn Masan (100% vốn của Tập đoàn Masan) nắm giữ 72,74% và Quỹ Mount Kellett nắm giữ 20,04%.

9 tháng đầu năm 2015, doanh thu thuần của MSR đạt 1.573 tỷ đồng. Mặc dù giá trung bình của các sản phẩm vonfram và bismut giảm hơn 30%, nhưng MSR vẫn lãi sau thuế 72 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2014 lỗ 312 tỷ đồng. Trong khoảng thời gian này, Công ty đã hoàn thành đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn 5 năm, huy động 8.100 tỷ đồng, với mức lãi suất cố định 8%/năm. Mục đích sử dụng tiền huy động từ trái phiếu là để tái cấp vốn cho các khoản vay nợ hiện hữu, giúp cắt giảm chi phí vốn trung bình của Công ty và kéo dài thời hạn trả nợ vay. 

PFL: bóng dáng PVX

CTCP Dầu khí Đông Đô (PFL) có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) sở hữu 34,87%. Một số dự án đáng chú ý hiện tại của PFL là Dự án Khu đô thị Dầu khí Đức Giang (Hà Nội), Dự án Xuân Phương (Hà Nội), Dự án Khu đô thị sinh thái và dịch vụ Cửu Long (Hòa Bình).

PFL chào sàn UPCoM ngày 25/5/2015 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 1.500 đồng/CP. 3 tháng gần đây, cổ phiếu PFL chủ yếu dao động trong khoảng 1.100 - 1.200 đồng/CP, phiên hôm qua (21/1) đóng cửa ở 1.000 đồng/CP.

Đẳng cấp thành viên các “đại gia” trên UPCoM ảnh 3

Trước khi gia nhập UPCoM, PFL bị hủy niêm yết bắt buộc trên HNX từ 24/4/2015 do kinh doanh thua lỗ liên tiếp trong 3 năm 2012, 2013, 2014. Năm 2015, PFL đặt kế hoạch doanh thu 72 tỷ đồng, gấp 4 lần năm 2014; lợi nhuận sau thuế 1,08 tỷ đồng, trong khi năm 2014 lỗ 15 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2015, Công ty đạt doanh thu thuần 25,3 tỷ đồng, lỗ sau thuế gần 9 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm 2015, doanh thu thuần của PFL đến từ các hoạt động bán hàng (12,5 tỷ đồng); cung cấp dịch vụ (1,3 tỷ); doanh thu hợp đồng xây dựng (11,4 tỷ đồng).

Anh Quốc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục