Đạm Hà Bắc (DHB), Đạm Ninh Bình: Có lãi nhờ được… xóa nợ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhờ được cơ cấu nợ, Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình, hai doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) thoát lỗ trong năm 2023 và quý I/2024.
Đạm Hà Bắc nằm trong danh sách 12 dự án yếu kém của ngành công thương Đạm Hà Bắc nằm trong danh sách 12 dự án yếu kém của ngành công thương

Đạm Hà Bắc “thu nhập khác” hàng nghìn tỷ đồng

Quý đầu năm nay, Công ty cổ phần Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc, mã chứng khoán DHB), thành viên của Vinachem có cú lội ngược dòng, chuyển lỗ thành lãi nhờ việc tái cơ cấu nợ thành công.

Báo cáo tài chính quý I/2024 của Đạm Hà Bắc cho thấy, trong kỳ, Công ty ghi nhận doanh thu 1.009,3 tỷ đồng, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp trong quý đạt 25,3 tỷ đồng, giảm gần 70% so với cùng kỳ năm trước. Các chi phí trong kỳ đều giảm mạnh. Cụ thể, chi phí tài chính ở mức 85 tỷ đồng, giảm 44,5%; chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt giảm 25% và 23%. Nhờ vậy, Công ty ghi nhận lỗ thuần 103,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 129,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhờ lợi nhuận khác lên tới 141,8 tỷ đồng, tăng đột biến so với mức 240 triệu đồng của cùng kỳ năm ngoái, Đạm Hà Bắc lãi sau thuế 38,2 tỷ đồng trong quý đầu năm (trong khi cùng kỳ năm trước lỗ sau thuế 129,5 tỷ đồng).

Khoản lợi nhuận khác giúp Đạm Hà Bắc thoát lỗ trong quý I/2024 là nhờ Đề án Tái cơ cấu các khoản nợ đầu tư của Công ty tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) được Chính phủ phê duyệt. Cụ thể hơn, Công ty được xóa nợ lãi tính trên lãi trả chậm và hạch toán gần 142 tỷ đồng nợ này vào lợi nhuận khác trong quý đầu năm.

Thực tế, Đề án Tái cơ cấu nợ được phê duyệt đã “cứu” lợi nhuận của Đạm Hà Bắc trong năm 2023. Theo báo cáo tài chính năm 2023 được kiểm toán, năm qua, Công ty ghi nhận doanh thu thuần 4.413 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. Với giá vốn hàng bán tăng mạnh gần 1.000 tỷ đồng, lên 4.428 tỷ đồng, lợi nhuận gộp của Công ty âm 15,2 tỷ đồng, giảm sốc so với con số 2.834 tỷ đồng ghi nhận năm trước đó. Tuy nhiên, nhờ khoản lợi nhuận khác hơn 1.800 tỷ đồng, Công ty báo lãi sau thuế 858,2 tỷ đồng, giảm 52% so với năm 2022. Đáng nói, Đạm Hà Bắc có lãi trong bối cảnh doanh nghiệp này đã lỗ 3 quý đầu năm 2023. Đây là năm thứ ba liên tiếp Công ty báo lãi sau giai đoạn 2015 - 2020 thua lỗ triền miên.

Khoản vay của Đạm Hà Bắc tại VDB được ký hợp đồng từ tháng 9/2008, với hạn mức hơn 4.100 tỷ đồng, nhằm đầu tư vào “Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc”. Đây là một trong 12 dự án bị Chính phủ đánh giá là chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương.

Ngoại trừ năm 2021 lãi nhỏ giọt và lần lãi đậm năm 2022 nhờ cơn sốt hàng hóa toàn cầu, các năm còn lại Đạm Hà Bắc đều lỗ nặng do gồng gánh chi phí tài chính hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, nhờ được chấp thuận tái cơ cấu khoản vay, doanh nghiệp đã có kết quả kinh doanh tốt hơn. Khoản 1.802 tỷ đồng lợi nhuận khác trong năm 2023 chính là toàn bộ số tiền lãi được xoá và hạch toán vào thu nhập khác của Công ty năm 2023.

Dự án cải tạo Nhà máy không chỉ mang đến cho Đạm Hà Bắc những khoản lỗ khổng lồ, còn khiến Công ty rơi vào tranh chấp nhiều năm với nhà thầu dự án. Đến nay, những tranh chấp đó vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Về tình hình tài chính, Đạm Hà Bắc vẫn còn hơn 2.500 tỷ đồng nợ vay dài hạn, gồm hơn 1.300 tỷ đồng nợ vay từ VietinBank và gần 1.200 tỷ đồng nợ tại VDB.

Điểm tích cực là vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đã không còn ghi nhận âm lần đầu tiên kể từ năm 2019. Đây cũng là lý do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa cổ phiếu Đạm Hà Bắc ra khỏi diện hạn chế giao dịch từ ngày 25/3/2024. Trước đó, cổ phiếu này chỉ được giao dịch vào thứ Sáu hàng tuần.

Trong năm 2023, Đạm Hà Bắc đã ký phụ lục hợp đồng với VDB về việc xoá, giảm nợ lãi. Theo đó, Công ty có trách nhiệm trả gốc, lãi hàng tháng theo quy định trong thời hạn 198 tháng, kéo dài tới tháng 9/2031. Sau khi được xoá lãi vay, giảm lãi suất các khoản vay và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tài sản ngắn hạn của Công ty đã đảm bảo thanh toán cho các khoản nợ ngắn hạn, vốn góp của chủ sở hữu lớn hơn lỗ luỹ kế. Tại thời điểm 31/12/2023, lỗ luỹ kế của Công ty là 2.110,3 tỷ đồng, tương đương 77,5% vốn góp của chủ sở hữu.

Đạm Ninh Bình bắt đầu có lãi nhờ tái cơ cấu nợ

Thông tin tại Hội nghị đại biểu người lao động năm 2024 , diễn ra vào trung tuần tháng 3, ông Nguyễn Viết Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình cho biết, sau khi Đề án Tái cơ cấu Công ty đã được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 118/QĐ-TTg ngày 19/12/2023 đã giúp Công ty duy trì sản xuất ổn định, tình hình tài chính được cải thiện và bắt đầu có lãi, phục hồi các nguồn lực cũng như chủ động được nguồn vốn trong sản xuất - kinh doanh, cân đối dòng tiền, sử dụng nguồn tiền có hiệu quả và trả bớt nợ gốc và lãi vay ngân hàng.

Thực tế, Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình thuộc Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình nằm trong số 12 dự án yếu kém ngành công thương đang trong quá trình xử lý. Dự án này do Vinachem làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 667 triệu USD, tương đương 10.800 tỷ đồng, sau đó Vinachem đề nghị quyết toán đầu tư hơn 12.400 tỷ đồng.

Khởi công tháng 5/2008, đi vào hoạt động từ năm 2012, Nhà máy Đạm Ninh Bình liên tục thua lỗ. Lỗ luỹ kế lên tới hơn 7.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ khoảng 2.500 tỷ đồng. Đến ngày 31/12/2021, Nhà máy nợ 12.000 tỷ đồng, trong đó nợ gốc khoảng 9.600 tỷ đồng, nợ lãi khoảng 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2021, hoạt động của Nhà máy đã có chuyển biến tích cực hơn và hoạt động có lãi.

Dù vậy, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 (báo cáo mới nhất được công bố của Vinachem) cho thấy, đơn vị kiểm toán có ý kiến ngoại trừ với nội dung Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình là công ty con của Tập đoàn chưa xử lý hết các tồn tại theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước và Bộ Công thương, chưa thanh toán đầy đủ toàn bộ các khoản nợ vay và lãi vay đến hạn. Tại thời điểm 31/12/2023, báo cáo tài chính của Đạm Ninh Bình phản ánh nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn, lỗ luỹ kế âm vốn chủ sở hữu.

“Có sự tồn tại yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục tại Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình”, ý kiến kiểm toán cho biết.

Trở lại với câu chuyện được xóa nợ của Đạm Ninh Bình, trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh giảm lãi suất vay, phương án kéo dài thời gian vay vốn và xoá nợ lãi vay của Vinachem cho các khoản nợ vay tại VDB liên quan đến 3 dự án Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc và DAP Lào Cai. Tổng chi phí lãi vay được xoá, miễn giảm mà Vinachem đã ghi nhận trong năm 2023 là 3.388,3 tỷ đồng. Trong đó, giá trị lãi được xoá, giảm được Đạm Ninh Bình ghi nhận vào thu nhập khác trong năm 2023 là 459,8 tỷ đồng.

Bên cạnh khoản nợ tại VDB, báo cáo tài chính 2023 của Vinachem cho thấy, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình đang có khoảng 618,2 tỷ đồng vay ngắn hạn tại BIDV và Vietcombank.

Chia sẻ về hoạt động kinh doanh của Đạm Ninh Bình, ông Nguyễn Hữu Tú, Phó tổng giám đốc Vinachem cho biết, Công ty duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định. Quý I/2024, Công ty tiếp tục kinh doanh có lãi.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục