Đại sứ Bùi Thế Giang: Ngoại giao cây tre đã gắn liền với Việt Nam hàng ngàn năm, nay được nâng lên thành lý luận - Chương 1: Những dấu ấn trong đối ngoại và ngoại giao

0:00 / 0:00
0:00
Đại sứ Bùi Thế Giang, Phó chủ tịch Hội Việt - Mỹ phân tích về những thành tựu đối ngoại và ngoại giao của Việt Nam trong 3 năm nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là trong năm 2023.

Nói về những dấu ấn, thành tựu nổi bật của đối ngoại và ngoại giao của Việt Nam trong năm 2023 và 3 năm đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Đại sứ Bùi Thế Giang bày tỏ sự tán thành với những dấu ấn, thành tựu đã được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tổng kết. Và cá nhân ông cũng có những nhấn mạnh riêng.

Thưa ông, chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình tới Việt Nam vào trung tuần tháng 12/2023; nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng được đánh giá là cái kết đẹp của ngoại giao Việt Nam trong năm 2023. Không chỉ năm 2023, mà các hoạt động đối ngoại sôi động, thực chất và hiệu quả của Việt Nam trong suốt nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đã tạo nên một vị thế mới cho đất nước trên trường quốc tế. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, đan cài, theo ông, đâu là những dấu ấn ngoại giao nổi bật, có ý nghĩa nhất trong thời gian qua?

Nói về những dấu ấn, thành tựu nổi bật của đối ngoại và ngoại giao của Việt Nam trong năm 2023 và 3 năm đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, tôi muốn nhắc lại những dấu ấn, thành tựu đã được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tổng kết.

Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, ngày 19/12/2023, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nói đến 5 dấu ấn nổi bật, thành tựu lớn của ngành ngoại giao và đối ngoại năm 2023.

Một là, đã triển khai, quán triệt, thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất và hiệu quả Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng về đối ngoại. Đấy là cái bao trùm.

Hai là, đã củng cố một cách vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, đối ngoại và ngoại giao đã tiếp tục thực hiện tốt vai trò tiên phong trong việc giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Cụm từ “tiên phong” này, dẫu lần đầu tiên được văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII nêu ra trong phần về nhiệm vụ của công tác đối ngoại, nhưng đã viết rõ là “tiếp tục” phát huy vai trò tiên phong, nghĩa là vai trò ấy đã được ngành đối ngoại - ngoại giao thực hiện từ trước. Cho nên, đây là đánh giá lớn, kết luận lớn, thành tựu lớn, dấu ấn lớn, cũng chính là nói đến kết quả lớn của việc thực hiện Nghị quyết của Đại hội XIII.

Bốn là, đối ngoại và ngoại giao đi đầu trong việc huy động nguồn lực ở bên ngoài, nhất là trực tiếp vào việc xử lý và kiểm soát đại dịch Covid-19 và hậu đại dịch Covid-19 cũng như phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2023.

Năm là, tổng hợp của 4 dấu ấn, thành tựu trên, dẫn đến vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao.

Còn nhìn một cách rộng hơn về 3 năm đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã phát biểu ở Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, với 6 kết quả lớn.

Kết quả số một là quán triệt, tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả và có kết quả tốt đối với Nghị quyết của Đại hội XIII về đối ngoại. Đó là kết quả lớn nhất mà cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đều nói, nhưng với khung thời gian mà hai vị nói là 3 năm và 1 năm.

Kết quả thứ hai là đối ngoại và ngoại giao đã phát huy thế mới, lực mới và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, từ đó củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở.

Kết quả thứ ba là sự phối hợp liên ngành giữa đối ngoại và ngoại giao với an ninh, quốc phòng, với các cấp, các ngành nhằm thực hiện vai trò tiên phong của đối ngoại và ngoại giao trong việc giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định và phát triển đất nước.

Kết quả thứ tư là đối ngoại và ngoại giao đi đầu trong việc tranh thủ nguồn lực bên ngoài để hỗ trợ cho việc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, mà trực tiếp nhất, cụ thể nhất là việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, mở rộng và nâng cao hiệu quả của kinh tế đối ngoại. Theo tôi, đây là nói về những kết quả cụ thể, hữu hình.

Kết quả thứ năm là cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành đối ngoại và ngoại giao, đã chủ động và tích cực hội nhập quốc tế một cách sâu rộng, toàn diện và góp phần không ngừng nâng cao vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế.

Kết quả thứ sáu là ba trụ cột trong đối ngoại của Việt Nam gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân có sự phối hợp chặt chẽ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, văn kiện Đại hội XIII của Đảng nói đến ba trụ cột trong đối ngoại của đất nước. Đặc biệt, khi đặt vấn đề ở một nước mà Đảng Cộng sản cầm quyền thì đương nhiên đối ngoại Đảng giữ vai trò quan trọng, ngoại giao Nhà nước cũng đương nhiên quan trọng khi xét tới vai trò quản lý của Nhà nước, nhưng việc đối ngoại nhân dân được nâng tầm lên thành một trụ cột ngang với hai trụ cột kia thì đấy là một sự đánh giá rất cao và rất mới.

Trên đây là những ý kiến của hai người được coi là có tiếng nói, có thẩm quyền nhất tại diễn đàn Hội nghị Ngoại giao. Vì vậy, tôi chỉ có thể bày tỏ sự tán thành. Nhưng với tư cách cá nhân, tôi muốn nhấn mạnh đến hai việc.

Việc thứ nhất, năm 2023 là một năm rất đặc biệt trong đối ngoại và ngoại giao của Việt Nam. Đây là năm chúng ta có kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với 21 nước trên thế giới. Trong số 21 nước đó thì các nước lớn, các nước công nghiệp phát triển chiếm số đông. Chính việc có kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao đó đã dẫn đến cả năm 2023, chúng ta tổ chức và tiến hành rất nhiều hoạt động để kỷ niệm quan hệ ngoại giao với những nước này. Nếu người dân, cán bộ, đảng viên theo dõi thì sẽ thấy các cơ quan truyền thông liên tục đưa tin về những hoạt động kỷ niệm với 21 nước đó.

Và cũng từ chuyện chúng ta có kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với 21 nước trên thế giới lại dẫn một điều đặc biệt thứ hai cũng rất quan trọng là trong năm 2023, chúng ta có 45 chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo cấp cao Việt Nam. Con số này là rất nhiều so với trước đây. Đặc biệt là đi các nước láng giềng, các nước ASEAN, các nước lớn, các nước đối tác chiến lược, các đối tác quan trọng. Điều đó cho thấy sự triển khai đồng bộ và mạnh mẽ tinh thần chủ động vươn ra bên ngoài của chúng ta.

Một điều nữa cũng liên quan đến 50 năm quan hệ ngoại giao với 21 nước là chúng ta đã đón xấp xỉ 50 đoàn cấp cao nước ngoài vào thăm Việt Nam. Và trong phát biểu ở Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu đích danh bốn đoàn: Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Tổng thống Mỹ Joe Biden; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thoongloun Sisoulith và Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen. Như vậy là lãnh đạo cao nhất của cả nước lớn nhất, lớn nhì thế giới, hai quốc gia láng giềng chung biên giới đất liền phía Tây đều đến thăm Việt Nam. Khỏi cần phân tích gì thì cũng thấy ngay đây là bốn chuyến thăm cực kỳ quan trọng đối với chúng ta trong năm 2023.

Việc thứ hai, nhìn lại nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng trong 3 năm vừa rồi, nếu chúng ta đối chiếu lại với thời gian Việt Nam cực kỳ khó khăn, khó khăn tận cùng về kinh tế-xã hội, bị bao vây cấm vận, bị cô lập trên trường quốc tế… thì thấy rõ rằng những thành tựu của chúng ta trong đối ngoại và ngoại giao là cực kỳ đáng tự hào. Tôi chỉ xin nhấn mạnh 3 điều.

Điều thứ nhất, từ chỗ bị bao vây cấm vận, bị cô lập trên trường quốc tế, bây giờ chúng ta đã thiết lập, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử của đất nước ta. Và tôi cũng không biết trên thế giới này, trừ những cường quốc, thật lớn, thật mạnh, có khả năng tác động đáng kể trên chính trường quốc tế, thì có bao nhiêu nước có được quan hệ ngoại giao với 193 nước và vùng lãnh thổ như Việt Nam.

Điều thứ hai, riêng trong năm 2023, chúng ta thiết lập quan hệ ngoại giao với 2 nước tuy không lớn, nhưng rất đặc thù là Trinidad & Tobago ở vùng Caribbe trong tháng 2/2023 và Vương quốc Tonga ở Nam Thái Bình Dương trong tháng 9/2023. Hai quốc gia này nằm ở hai vùng xa mà có lẽ không phải người Việt Nam nào cũng biết tên, thế mà chúng ta cũng đã vươn tới thiết lập được quan hệ ngoại giao. Chính sự đột phá này trong năm 2023 đã giúp nâng tổng số quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ ngoại giao với chúng ta lên con số 193.

Điều thứ ba, trong số 193 nước và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao, chúng ta có quan hệ đặc biệt với 3 nước Lào, Campuchia và Cuba. Đây là 3 nước thực sự đặc biệt vì chúng ta không xếp hạng nào, hay nói cách khác là siêu hạng. Ngoài ra, cũng trong 193 nước và vùng lãnh thổ đó, chúng ta có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 6 nước, trong đó riêng năm 2023 có Hoa Kỳ và Nhật Bản. Bên cạnh đó, chúng ta còn có quan hệ đối tác chiến lược với 12 nước và đối tác toàn diện với 12 nước nữa.

Đây là những điều tôi rất muốn nhấn mạnh, ngoài 5 thành tựu mà Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tổng kết và 6 thành tựu mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói.

Xin ông chia sẻ kỹ hơn về ý nghĩa của việc Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Trinidad & Tobago và Vương quốc Tonga trong năm 2023?

Tôi xin trả lời ngay.

Thứ nhất, việc chúng ta thiết lập quan hệ ngoại giao với Trinidad & Tobago đồng nghĩa với việc Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với toàn bộ 35 nước ở vùng Mỹ Latinh và Caribbe. Đây là nước có nền kinh tế lớn thứ 3 ở vùng Caribbe. Mà chúng ta nhớ rằng, nếu coi Trung Mỹ, Nam Mỹ là sân sau của siêu cường duy nhất trên thế giới, thì một nền kinh tế lớn thứ 3 ở Caribbe là điều rất quan trọng về địa chính trị với định hướng chính trị của chúng ta. Vì thế, khi Việt Nam có quan hệ ngoại giao với tất cả 35 nước ở khu vực này, chúng ta có quyền hiện diện ở khu vực này với tư cách là một quốc gia đàng hoàng, đầy đủ. Đấy là câu chuyện rất đặc biệt.

Còn với Vương quốc Tonga, là một quốc đảo chỉ có chưa đến 200.000 dân, nhưng nằm ở khu vực Nam Thái Bình Dương là nơi gần đây nổi lên vai trò địa chính trị, vai trò chiến lược đặc biệt trong an ninh khu vực và an ninh thế giới. Với sự can dự, có mặt của Mỹ từ lâu, Trung Quốc mấy năm vừa rồi cũng liên tục tăng cường sự hiện diện và quan hệ với khu vực này, rồi sự hiện diện của quốc gia châu Âu duy nhất ở khu vực này là Pháp…, tất cả những điều đó đã làm cho nơi đây sôi động hẳn lên theo nhiều nghĩa. Vì vậy, khi chúng ta thiết lập quan hệ ngoại giao với Vương quốc Tonga thì tầm với của Việt Nam cũng đã tới được khu vực này.

Còn mối quan hệ với 3 nước Lào, Campuchia và Cuba đặc biệt ở những điểm nào, thưa ông?

Chúng ta có quan hệ đặc biệt với 3 nước Lào, Campuchia và Cuba là bởi vì quan hệ của ta với 3 nước này luôn trên mức bình thường. Với Lào và Campuchia, đây là hai quốc gia láng giềng, chung biên giới cả dọc sườn phía Tây của chúng ta. Các cụ ngày xưa nói rồi, “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Riêng chuyện đó thôi cũng đã đáng để chúng ta có quan hệ đặc biệt với hai quốc gia này.

Còn nếu nhìn về quá khứ chiến tranh, một thời gian dài, thế giới từng nói đến cuộc chiến tranh Đông Dương, trong đó cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất hàm nghĩa là cuộc chiến tranh của Pháp, còn cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai hàm nghĩa là cuộc chiến tranh của Mỹ. Vậy thì riêng khái niệm Đông Dương ấy đã nói đến sự gắn kết tự nhiên của ba quốc gia láng giềng Việt Nam - Lào - Campuchia với nhau rồi.

Có một tập quán mà có lẽ chúng ta đều mặc nhiên coi là rất bình thường đối với chúng ta và hai nước bạn Lào, Campuchia, nhưng lại chính là một biểu hiện cụ thể của sự đặc biệt trong quan hệ giữa các quốc gia khác với nhau, đó là lãnh đạo thế hệ mới lên cầm quyền hầu như bao giờ cũng đón hoặc đi hai nước bạn trên bán đảo Đông Dương đầu tiên. Đấy là điều rất đặc biệt. Đó là chưa kể trong suốt bao nhiêu năm qua, trong khó khăn cũng như trong phát triển, chúng ta và hai nước bạn vẫn luôn chia sẻ với nhau từ miếng cơm, manh áo đến những tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ… Nói chung là mọi thứ.

Còn Cuba cũng là một nước đặc biệt đối với chúng ta. Có lẽ, hiếm một đất nước nào trên thế giới mà khi nhắc đến tên nước ấy, kể cả những người chưa hề đặt chân đến nước ấy đều yêu mến, đều sẵn sàng làm mọi việc cho đất nước ấy, đó là tình cảm của Cuba với Việt Nam và của Việt Nam với Cuba.

Tôi đã có vài dịp đi Cuba, như đi dự Festival thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 14 năm 1997, đi phục vụ đoàn đại biểu phụ nữ Việt Nam tham dự Hội nghị Phụ nữ Quốc tế đoàn kết với Cuba năm 1998, rồi tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm chính thức Cuba tháng 4/2012… Tôi cảm nhận rất rõ tình cảm của người Cuba luôn như vậy với Việt Nam. Tôi hiểu không phải tự nhiên mà lãnh tụ Cuba Fidel Castro từ thời Việt Nam kháng chiến đã tuyên bố rằng: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Câu nói đó không phải ai cũng dám nói, mà Cuba thì không phải chỉ nói. Cuba đã làm đúng như vậy. Trên cả thế giới này, chỉ có lãnh tụ Cuba Fidel Castro là người đầu tiên và là người duy nhất đi vào Quảng Trị khi còn chiến tranh năm 1973.

Tôi nghĩ rằng, quan hệ Việt Nam - Cuba thật sự đặc biệt. Trong những năm qua, trước khi Cuba tiến hành công cuộc “Cập nhật”, chúng ta tiến hành công cuộc “Đổi mới”, nước bạn khó khăn vô cùng. Tôi còn nhớ như in khi chúng tôi đi Cuba dự Festival thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 14, một nửa vali của từng người trong đoàn chúng tôi là quà tặng nhân dân Cuba, từ gói mì ăn liền, tuýp thuốc đánh răng, đến bánh xà phòng, hộp bánh ngọt. Không ai yêu cầu, ra lệnh phải làm như vậy. Bởi vậy, tôi mới nói rằng, đấy là điều làm nên sự đặc biệt trong quan hệ giữa hai dân tộc. Có lẽ, hiếm có hai quốc gia nào trên thế giới này có tình cảm với nhau đặc biệt như Việt Nam và Cuba.

Thưa ông, là người nhiều năm gắn bó với quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, ông đánh giá như thế nào về kết quả chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden và việc hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện trong năm 2023? Có nhận định khi nâng cấp quan hệ từ Đối tác toàn diện lên Đối tác chiến lược toàn diện, quan hệ hai nước đã “nhảy cóc” qua một bậc, ông nghĩ sao về quan điểm này?

Trước hết, phải nói rằng, theo suy nghĩ của cá nhân tôi, đây là một chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử, bởi vì lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư một đảng chính trị, lại là Đảng Cộng sản ở nước Việt Nam, một quốc gia cách đây chưa lâu - xét về mặt lịch sử - với Mỹ còn là kẻ thù của nhau. Tôi muốn mở rộng thêm một chút nữa để nói rằng, có lẽ đây còn là lần đầu tiên trong lịch sử chính trị của thế giới, Tổng thống của một nước lớn như Mỹ nhận lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản để có chuyến thăm cấp Nhà nước tới đất nước do Đảng Cộng sản ở nước đó cầm quyền. Đấy là điểm rất độc đáo, rất đặc biệt của chuyến đi này.

Nói là hai ngày, nhưng thực tế chuyến thăm chỉ diễn ra trong thời gian ngắn ngủi là một ngày, với lịch trình rất dày đặc của cả chủ nhà lẫn khách, với kết quả lớn nhất, cao nhất, quan trọng nhất của chuyến thăm là việc hai bên đã thông qua một bản Tuyên bố chung với 10 trụ cột thực chất về nội dung, có chiều sâu và tầm xa về chiến lược, vừa kế thừa những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ hai nước, vừa có những đột phá mang tính thời đại, và đã nhất trí nâng tầm quan hệ vượt qua hai bậc, từ Đối tác toàn diện lên Đối tác chiến lược toàn diện. Kết quả này càng có ý nghĩa hơn nếu chúng ta xét tới bối cảnh của diễn biến tình hình thế giới và khu vực mà văn kiện của Đảng đã nêu là “nhanh chóng, phức tạp, khó lường”.

Ngày 10/7/2015, Đại sứ Bùi Thế Giang phiên dịch cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nguyên Tổng thống Bill Clinton ở New York. (Ảnh: NVCC)

Ngày 10/7/2015, Đại sứ Bùi Thế Giang phiên dịch cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nguyên Tổng thống Bill Clinton ở New York. (Ảnh: NVCC)

Tôi còn có thể nói thêm nhiều nữa về quan hệ Việt - Mỹ nói chung và về kết quả chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 9/2023 vừa qua của Tổng thống Mỹ Joe Biden nói riêng. Tuy nhiên, trong trên dưới 5 tháng qua kể từ trước khi chuyến thăm diễn ra, và đặc biệt, kể từ sau khi chuyến thăm kết thúc, tôi đã có nhiều dịp phát biểu tại nhiều nơi về chủ đề này.

Và hơn thế nữa, cả ở trong và ngoài Việt Nam, có rất nhiều nhà nghiên cứu, nhà phân tích đã nói và viết rất đầy đủ về chủ đề này.

Vì vậy, xin cho tôi được “chốt” suy nghĩ của cá nhân tôi về tương lai quan hệ Việt - Mỹ bằng cách nhấn mạnh vào 3 cụm từ "hòa bình", "hợp tác", "phát triển bền vững" trong tên gọi của mối quan hệ mới được nâng cấp như một biểu hiện đầy đủ bản chất của mối quan hệ Việt - Mỹ mà chúng ta đã xây dựng và phát triển cũng như một phản ánh súc tích về mong muốn, tầm nhìn và quyết tâm của hai nước trong con đường đi phía trước.

HỒ HẠ - ẢNH: CHÍ CƯỜNG
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục