Đại lý xăng dầu tố doanh nghiệp đầu mối găm hàng, cắt chiết khấu

Giá xăng dầu tăng trở lại, nhiều đại lý bán lẻ kêu khó nhập hàng và chiết khấu cũng đột ngột giảm khiến họ cầm chắc lỗ. 
Đại lý xăng dầu tố doanh nghiệp đầu mối găm hàng, cắt chiết khấu

Ông Nguyễn Văn Tiu - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xăng dầu Tự lực I cho biết, tình hình tiêu thụ xăng, dầu trong tháng 5 đã tốt hơn rất nhiều so với các tháng trước đây bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Nhưng các doanh nghiệp phân phối bán lẻ lại đang đối diện với mối lo khác là "không có nguồn để mua".

Ông cho hay, hiện các đại lý rất khó đặt mua hàng từ đầu mối kinh doanh. "Trước đây chỉ cần đặt hàng hôm trước là hôm sau có xe bồn chở tới tận nơi, hoặc thậm chí sau cuộc điện thoại là có hàng về. Giờ thì tình hình đã khác, gọi và đặt hàng phải vài ba hôm mới có, lượng được mua cũng rất nhỏ giọt", ông nói.

Chưa kể, mức chiết khấu (hoa hồng) trên mỗi lít xăng đang bị các doanh nghiệp đầu mối "dìm" xuống rất thấp, thậm chí bằng 0. "Giá mua từ các doanh nghiệp phân phối ngang bằng với giá bán lẻ, nghĩa là không có chiết khấu", vị này chia sẻ thêm.

Theo các đại lý, hiện các doanh nghiệp đầu mối đang găm hàng, chờ giá lên cao mới bán để bù cho phần lỗ sâu vài tháng trước. Chủ một đại lý phân phối sở hữu 2 cây xăng bán lẻ tại Hoà Bình cũng than, hơn 10 ngày qua nhập xăng, dầu khá chật vật dù nhu cầu mua của người dân bắt đầu tăng trở lại sau giãn cách xã hội. "So với khi Covid-19 căng thẳng, cửa hàng bán tăng lượng gấp đôi, ba lần, song thời gian nhập hàng cũng tăng tương ứng vì khan hàng", ông than thở. 

Đồng thời, chiết khấu các mặt hàng xăng, dầu cũng giảm đồng loạt khi giá tăng trở lại, có mặt hàng chỉ còn vài trăm đồng một lít. Vì thế, mỗi lít xăng, dầu bán ra là "cầm chắc lỗ khi cộng các chi phí vận chuyển, thuê nhân công". 

Tuy nhiên, phía doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phủ nhận cáo buộc "găm hàng".

Đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vẫn cam kết cung ứng đủ hàng cho các đại lý, tổng đại lý thuộc hệ thống phân phối của Petrolimex và các đại lý đã ký hợp đồng kinh doanh. "Các hợp đồng đã ký được Petrolimex đảm bảo hàng, không có chuyện thiếu", ông nói. Riêng với những nhu cầu phát sinh từ phía đại lý, vị này cho hay sẽ cân nhắc cung ứng sau khi đảm bảo đủ hàng cho hợp đồng sẵn có. 

Một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phía Nam cũng nói không có chuyện găm hàng chờ giá. 

Thực tế, giá bán lẻ xăng dầu trong nước giảm 8 kỳ liên tiếp từ đầu năm do ảnh hưởng của Covid-19 và giá xăng chỉ vừa tăng trở lại, trên 500 đồng mỗi lít từ ngày 13/5. Tuy nhiên, theo dự báo, giá bán lẻ xăng dầu có thể tiếp đà tăng vào kỳ điều hành ngày 28/5 tới do xu hướng giá thế giới đi lên nhờ triển vọng vaccine cho Covid-19 và cam kết cắt giảm lượng dầu thô của các nước OPEC, Nga. 

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết,  vài đơn vị phân phối xăng dầu cung cấp nhỏ giọt, giảm mạnh chiết khấu. Tuy nhiên, theo ông, bản chất là khi giá trong thời gian giản cách xã hội giảm liên tục, các đơn vị đầu mối tăng mạnh chiết khấu, có lúc lên tới 3.000-4.000 đồng để "đẩy" hàng đi càng nhiều càng tốt, thu tiền về nhập thêm hàng khi giá thế giới giảm sâu.

Còn các đại lý, theo ông Đông, lại "kén cá chọn cạnh", mua của nhiều đầu mối, chỗ nào chiết khấu cao thì tăng nhập chứ không tuân thủ quy định "chỉ nhập tại một đầu mối để đảm bảo chất lượng". Vì thế, khi giá tăng trở lại, chiết khấu ít đi, họ quay lại nhập thì các doanh nghiệp đầu mối chỉ đảm bảo cung ứng được đủ hàng cho hệ thống phân phối và các hợp đồng đã ký. 

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối phản ánh, có đại lý bán lẻ ký hợp đồng nhưng lại chỉ nhập 60% hàng, sau đó họ nhập thêm 3-4 đầu mối có chiết khấu cao hơn để hưởng chênh lệch. "Giờ giá tăng, chiết khấu giảm lại quay lại muốn nhập tiếp, nhưng chúng tôi phải đảm bảo cho hệ thống phân phối của mình trước". 

Về tổng nguồn cung toàn thị trường, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nói "không hề thiếu". "Chúng tôi can thiệp để không xảy ra tình trạng không có hàng để bán", ông nói. Vụ này cũng đã đề nghị lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Ngoài ra, Sở Công Thương các địa phương được yêu cầu giám sát việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ để không gián đoạn. 

Các thương nhân kinh doanh xăng dầu phải thực hiện nghiêm quy định Nghị định 83 về dự trữ lưu thông phân phối. Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm. 

Còn về phía các thương nhân đầu mối, Vụ Thị trường trong nước chỉ đạo chủ động tìm nguồn hàng (từ nguồn sản xuất trong nước, nhập khẩu) để đảm bảo nguồn cung cho thị trường.

Riêng với 2 nhà máy lọc dầu trong nước là Dung Quất và Nghi Sơn, Vụ Thị trường trong nước đề nghị sớm hoàn thành bảo dưỡng để cung cấp đủ lượng hàng theo hợp đồng đã ký với doanh nghiệp, nhằm tận dụng thời cơ khi nguồn cung hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc chưa phục hồi công suất như trước Covid-19.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục