Đại hội thất bại: “Tại anh, tại ả”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mùa đại hội cổ đông năm 2023 chứng kiến nhiều doanh nghiệp phải tổ chức đại hội tới lần thứ hai, thứ ba. Thậm chí, có doanh nghiệp tặng tiền cho cổ đông đến họp nhưng vẫn không đủ tỷ lệ để tổ chức lần đầu.
Các cổ đông sở hữu ít cổ phiếu có nhu cầu tiếp cận ĐHCĐ với chi phí thấp Các cổ đông sở hữu ít cổ phiếu có nhu cầu tiếp cận ĐHCĐ với chi phí thấp

Nhiều cổ đông nên khó họp

CEO Group, DIG, CII… là những doanh nghiệp có số lượng cổ đông lớn, nhưng không thực sự tập trung nên thất bại trong tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) lần 1 năm 2023. Đây đều là những doanh nghiệp có cổ phiếu thuộc nhóm có beta cao, tức đáp ứng khẩu vị đầu cơ nên số lượng cổ đông rất lớn. Trước đó, tại ĐHCĐ năm 2022, hội trường CEO Group chật kín, không ít cổ đông phải ngồi ở tầng khác xem qua màn hình máy chiếu.

Với những doanh nghiệp như vậy, giải pháp được cơ quan quản lý và giới chuyên gia khuyến nghị là tổ chức ĐHCĐ trực tuyến, hoặc kết hợp cả “on và off”.

Theo bà Hồ Phương Tú, Giám đốc niêm yết Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong khi hình thức họp trực tuyến không còn là mới mẻ đối với nhiều quốc gia, thì ở Việt Nam, số lượng doanh nghiệp áp dụng vẫn rất khiêm tốn, dù các cổ đông sở hữu ít cổ phiếu cần tiếp cận ĐHCĐ với chi phí thấp. Trong khi đó, lợi ích của việc tổ chức ĐHCĐ trực tuyến đã được công nhận rộng rãi và các Sở giao dịch chứng khoán nỗ lực thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng công nghệ trực tuyến tiên tiến để thu hút sự tham gia của cổ đông, đáp ứng tỷ lệ theo yêu cầu của Luật Doanh nghiệp.

Bà Trần Thị Thùy Linh, Phó giám đốc niêm yết Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết, gần đây, các thách thức trong việc tổ chức thành công đại hội lần 1 trở thành tâm điểm chú ý trên thị trường, được đặt ra bởi cả nhà đầu tư và cổ đông.

Kỳ vọng, với những lợi ích của việc tổ chức ĐHCĐ trực tuyến, các công ty sẽ ngày càng áp dụng nhiều hơn.

“Chúng ta không chỉ nhận thức rõ về hiệu quả và lợi ích của việc tổ chức ĐHCĐ trực tuyến, mà còn chấp nhận rằng, trong bối cảnh có thể thu hút đầy đủ cổ đông, bao gồm cả cổ đông trong nước và quốc tế, việc đối xử bình đẳng là một vấn đề quan trọng”, bà Linh nói.

Trong khu vực, tổ chức ĐHCĐ trực tuyến đã trở thành một thông lệ tốt trong quản trị công ty và được thể hiện trong các thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, khi hầu hết các quốc gia châu Á đã áp dụng các chính sách liên quan đến ĐHCĐ trực tuyến hoặc kết hợp.

Tại thị trường Việt Nam, quy định về tổ chức ĐHCĐ trực tuyến đã được tích hợp vào Luật Doanh nghiệp từ lâu, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc thay đổi cách làm. Để khuyến khích doanh nghiệp quan tâm, HOSE không chỉ giám sát mà còn đưa ra các câu hỏi liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại và tổ chức ĐHCĐ trực tuyến trong các cuộc bình chọn đánh giá nhà đầu tư và nghiệp vụ doanh nghiệp niêm yết.

HOSE, với vai trò giám sát, thường xuyên gửi công văn lưu ý và nhắc nhở các doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt là trong việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong tổ chức ĐHCĐ, giúp cổ đông có thể biểu quyết điện tử. Những yêu cầu này như một cách để thông báo rằng, đây là một vấn đề cần được doanh nghiệp quan tâm.

“Chúng tôi nhận thấy, gần đây, việc số lượng cổ đông quá nhiều có thể tạo ra khó khăn trong việc đảm bảo tỷ lệ cổ đông tham dự ĐHCĐ trực tiếp, dẫn đến việc doanh nghiệp phải tổ chức lần thứ 2 hoặc thứ 3. Những thách thức này gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng quản trị công ty. Chúng tôi mong đợi rằng, với những lợi ích của việc tổ chức ĐHCĐ trực tuyến, các công ty sẽ ngày càng áp dụng nhiều hơn”, bà Linh chia sẻ.

Chưa thực sự sẵn sàng

Năm 2024, CEO Group sẽ tổ chức ĐHCĐ trực tuyến hoặc kết hợp “on và off” để tránh nguy cơ tổ chức lần 1 bất thành như năm ngoái? Câu trả lời là doanh nghiệp chưa thực hiện năm 2024.

Có một số doanh nghiệp từng tổ chức đại hội trực tuyến trong giai đoạn dịch Covid-19, nhưng sau đó lại trở về cách làm truyền thống, vì chưa quen.

Thực tế, không ít doanh nghiệp thắc mắc, có quy định nào hướng dẫn chi tiết về quy trình và trách nhiệm liên quan, nhất là trong việc bỏ phiếu trực tuyến, lưu giữ dữ liệu, cũng như vấn đề biểu quyết và việc lưu giữ chữ ký?

Về vấn đề này, bà Hồ Phương Tú cho hay, Luật Doanh nghiệp 2020 chỉ đề cập đến việc họp ĐHCĐ trực tuyến, mà không cung cấp chi tiết cách tổ chức. Điều này dẫn đến 4 phương thức tổ chức mà doanh nghiệp có thể lựa chọn để họp ĐHCĐ: tổ chức trực tiếp, trực tuyến, kết hợp cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, hoặc thu thập ý kiến bằng văn bản. Luật cung cấp cơ hội cho doanh nghiệp chọn lựa giữa các hình thức trên, nhưng khuyến khích việc sử dụng yếu tố trực tuyến như tổ chức họp trực tuyến hoặc kết hợp, nhằm tăng cường tính công bằng trong đối xử với các cổ đông.

Khoản 3 Điều 144 Luật Doanh nghiệp 2020 đề cập đến việc doanh nghiệp phải gửi phiếu biểu quyết bằng phương tiện khác theo quy định trong điều lệ, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh điều lệ để thích nghi với hình thức bỏ phiếu trực tuyến. Khoản 3 Điều 273 Nghị định 155/2020/NĐ-CP yêu cầu công ty đại chúng phải có quy định về họp trực tuyến trong quy chế nội bộ về quản trị công ty.

Vậy nên, từ phía pháp lý, điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp sửa đổi điều lệ và xây dựng quy chế mới về quản trị công ty để điều chỉnh các quy định về tổ chức họp ĐHCĐ trực tuyến trước khi áp dụng.

Là một trong những doanh nghiệp tiên phong với hình thức đại hội trực tuyến, ông Trần Chí Sơn, phụ trách IR của Vinamilk cho biết, năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát. Điều kiện khách quan khi đó kết hợp với sự lúng túng của doanh nghiệp khiến việc tổ chức đại hội trực tiếp trở nên không khả thi. Các phòng ban chức năng như Ban pháp chế, Ban thư ký, Ban điều hành kiểm soát nội bộ đã phải đánh giá lại các quy định và trong quá trình soạn thảo, Vinamilk phát hiện ra rằng, quy định trước đây không có sẵn để ứng phó với tình huống này.

Vào thời điểm đó, Vinamilk đã tham khảo ý kiến từ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán để có sự hỗ trợ và sau cùng, Công ty quyết định tổ chức họp trực tuyến. Đồng thời, để chuẩn bị cho đại hội, doanh nghiệp cũng tham khảo ý kiến của cổ đông bằng văn bản về việc điều chỉnh quy chế nội bộ quản trị công ty. Cụ thể, điều chỉnh hai nội dung quan trọng: cho phép tổ chức họp ĐHCĐ trực tuyến và cho phép biểu quyết, bầu cử trực tuyến.

Lần đầu tiên tổ chức họp trực tuyến, Vinamilk gặp không ít khó khăn và áp lực, từ việc chọn đơn vị cung cấp phần mềm nền tảng đến chuẩn bị kỹ thuật, nhưng sau những nỗ lực, Công ty đã thành công. Đến nay, Vinamilk đã tổ chức thành công 4 mùa ĐCHĐ trực tuyến và có kế hoạch sẽ tiếp tục triển khai.

“Trước đó, cổ đông nước ngoài thắc mắc, có cách nào để họ tham gia đại hội. Lúc đó, Công ty chỉ có thể trả lời rằng, hiện tại chỉ tổ chức họp trực tiếp. Mặc dù có một số cổ đông từ Singapore, Thái Lan bay đến tham dự, nhưng đa số là đại diện công ty và không có cổ đông cá nhân nước ngoài tham dự, vì họ phải mua vé máy bay để đến. Qua các kỳ đại hội trực tuyến, Công ty nhận thấy đây là một hình thức rất hiệu quả, giúp tất cả các cổ đông trong nước và quốc tế có thể tham gia. Những thay đổi này đã tạo ra một thực hành tích cực, được ủng hộ mạnh mẽ từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Sở giao dịch”, ông Sơn chia sẻ.

Bùi Thư - Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục