Đại hội ngân hàng: Chờ đợi thông tin tốt

(ĐTCK) 2017 là một năm thuận lợi với ngành ngân hàng khi quá trình xử lý nợ xấu được đẩy mạnh, tín dụng cải thiện, kết quả hoạt động kinh doanh khởi sắc. Trong bối cảnh này, cổ đông của các nhà băng đang kỳ vọng, mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) năm nay sẽ có thêm nhiều thông tin tích cực, tác động tới hoạt động và giá cổ phiếu của các ngân hàng.
Đại hội ngân hàng: Chờ đợi thông tin tốt

Trong tháng 3 và tháng 4 tới đây, hàng loạt các ngân hàng sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên, công bố chính thức kế hoạch, chỉ tiêu hoạt động năm 2018, cùng với các thông tin quan trọng liên quan tới nhân sự, điều hành, quá trình xử lý nợ xấu, cổ tức…

Theo đánh giá của các chuyên gia, vấn đề được giới đầu tư quan tâm nhiều nhất trong mùa ĐHCĐ năm nay chính là kế hoạch tăng vốn và niêm yết của các nhà băng. Bởi đây là những thông tin có tác động mạnh lên giá cổ phiếu vua, nhất là khi nhóm cổ phiếu này đã có một năm 2017 tăng trưởng ấn tượng.

Theo đó, trong năm qua, cổ phiếu của các ngân hàng đang niếm yết có mức tăng giá trên dưới 40%, ngoại trừ EIB, STB leo dốc chậm hơn. Một số nhà băng đã đón đầu làn sóng trên nên sớm đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn vào cuối năm 2017, đầu năm 2018 như: HDBank, VPBank và giá cổ phiếu của hai nhà băng này đã có mức tăng trưởng ngoạn mục trên 40%.

Hiện tại, TPBank đã nộp hồ sơ và dự kiến sẽ niêm yết trong quý II/2018. Trước đó, cổ đông TPBank đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng phương thức phát hành riêng lẻ hơn 87,6 triệu cổ phần và niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE).

Với OCB, dù không chia sẻ nhiều, song lãnh đạo ngân hàng này cho hay, OCB sẽ xúc tiến kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE khi điều kiện thị trường thích hợp, có thể vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019.

Ngoài các ngân hàng trên, trong thời gian tới, nhiều nhà băng khác cũng có kế hoạch niêm yết trên sàn chính thức như VIB, Techcombank..., hay đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn UPCoM như BacA Bank, VietBank… Hiện giá cổ phiếu của một số nhà băng đang giữ mức cao trên sàn OCT như Techcombank trên dưới 50.000 đồng/cổ phiếu.

Trong bối cảnh này, một số ý kiến lo ngại giá cổ phiếu sẽ chịu áp lực khi nguồn cung tăng vọt, chưa kể áp lực tăng vốn đáp ứng việc thực hiện các tiêu chuẩn Basel II. Về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Thuận cho rằng, lượng cung cổ phiếu ngân hàng lớn trong năm nay có nguy cơ áp đảo cầu, do đó tác động lên giá là điều khó tránh.

Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là theo kết quả khảo sát vừa được thực hiện mới đây của Vietnam Report, không phải bất động sản - xây dựng hay hàng tiêu dùng, mà tài chính - ngân hàng mới là nhóm cổ phiếu đáng để đầu tư nhất trong năm 2018.

Cụ thể, có hơn 45% số người được hỏi chọn cổ phiếu tài chính - ngân hàng với kỳ vọng cao vào khả năng tăng trưởng và sinh lời của nhóm này, trong khi tỷ lệ tại nhóm bất động sản - xây dựng và hàng tiêu dùng lần lượt là 29,2% và 20,8%.

Theo giới chuyên gia tài chính, bên cạnh nền kinh tế được dự báo tiếp tục duy trì ổn định, thì yếu tố khiến nhà đầu tư nhắm cổ phiếu “vua” để “chọn mặt gửi vàng” là bởi sức khỏe nội tại của các ngân hàng đang dần cải thiện theo hướng tích cực, nhất là sau khi Nghị quyết 42/2017 về xử lý nợ xấu của Quốc hội được ban hành.

Đây chính là yếu tố giúp giá cổ phiếu ngân hàng tăng ổn định, góp phần vào đà tăng mạnh của thị trường chứng khoán trong thời gian qua.

Bên cạnh lên sàn, cổ tức luôn là vấn đề được nhà đầu tư quan tâm. Đặc biệt khi năm vừa qua, lợi nhuận của hầu hết các nhà băng đều tăng, trong đó có ngân hàng dự kiến chia cổ tức 25 - 30% bằng cổ phiếu và tiền mặt như HDBank.

Đáng chú ý, mùa đại hội ngân hàng năm nay được dự báo sẽ có biến động đáng kể về nhân sự cấp cao của các nhà băng. Cụ thể, Kienlongbank sẽ bổ nhiệm quyền Tổng giám đốc; Sacombank sẽ bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2021, trong đó có một thành viên HĐQT độc lập; Eximbank cũng dự kiến bầu thêm hai thành viên HĐQT trong kỳ họp ĐHCĐ vào ngày 27/4.

Ngoài ra, chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay của các nhà băng cũng được giới kinh doanh cổ phiếu quan tâm. Dù chưa có con số chính thức, nhưng bước đầu nhiều nhà băng đã xác định kế hoạch lạc quan năm 2018.

Tại Vietcombank (VCB), sau khi lập kỷ lục về tổng tài sản và lợi nhuận trong năm 2017, nhà băng này đặt các chỉ tiêu tăng trưởng khiêm tốn với tín dụng tăng khoảng 16%, huy động tăng 17%, tổng tài sản tăng khoảng 14% và chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 12.000 tỷ đồng so với mức hơn 11.000 tỷ đồng năm qua.

Trong khi đó, VietinBank đặt mục tiêu tổng tài sản dự kiến tăng khoảng 15 - 17%; huy động vốn tăng khoảng 18 - 20%; tín dụng tăng 16 - 17%. BIDV định hướng kế hoạch tăng trưởng tín dụng tối đa năm 2018 vào khoảng 17%; huy động vốn tăng trưởng 17%.

Điểm chung ở 3 nhà băng này là mức tăng vốn điều lệ trong 3 năm qua hạn chế, khiến tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đang ở sát mức tối thiểu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước nên các chỉ tiêu tăng trưởng hầu hết đều dưới mốc 20%.          

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục