Nhiều ngân hàng lên kế hoạch ĐHCĐ sớm
Sacombank vừa công bố chốt danh sách cổ đông vào ngày 9/2 tới, để đến ngày 20/4 sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên 2018. Trước đó, LienvietpostBank thông báo sẽ tổ chức ĐHCĐ vào ngày 28/3 và ngày đăng ký cuối cùng tham dự đại hội là ngày 2/2.
Trong thông báo mới nhất, Eximbank cho biết sẽ chốt danh sách vào ngày 29/1 để cổ đông thực hiện các quyền đề cử, ứng cử. Dự kiến ngày 5/2, Eximbank sẽ gửi thư mời cho cổ đông để thông báo về số lượng thành viên dự kiến được bầu bổ sung vào HĐQT. Sau khi kiểm tra hồ sơ, ngày 22/3, Eximbank sẽ nộp hồ sơ lên Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận nhân sự dự kiến.
Nhân sự cấp cao là một trong những lý do khiến các kỳ ĐHCĐ của Eximbank thu hút sự chú ý của thị trường những năm gần đây. Hiện tại, HĐQT Eximbank có 9 thành viên, bao gồm ông Lê Minh Quốc - Chủ tịch HĐQT, hai Phó chủ tịch HĐQT là ông Đặng Anh Mai và ông Yasuhiro Saitoh, 6 thành viên khác là các ông Lê Văn Quyết, Nguyễn Quang Thông, Hoàng Tuấn Khải, Ngô Thanh Tùng, Cao Xuân Ninh và Yutaka Moriwaki. Tổng giám đốc hiện tại của Eximbank là ông Lê Văn Quyết. Theo kế hoạch, ĐHCĐ Eximbank sẽ tổ chức vào ngày 27/4.
Thực tế những năm qua cho thấy, ngành ngân hàng thường tổ chức ĐHCĐ khá muộn, thậm chí không ít ngân hàng liên tục xin dời ngày họp ĐHCĐ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do kết quả kinh doanh không khả quan, ghế lãnh đạo không ổn định... Bởi vậy, việc các ngân hàng muốn lên kế hoạch tổ chức ĐHCĐ thường niên 2018 sớm hơn mọi năm được cho là xuất phát từ sự khởi sắc về nhiều mặt của ngành ngân hàng trong năm qua.
Sacombank cho biết, kết thúc năm 2017, Ngân hàng đạt hơn 1.488 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 9,5 lần so với thực hiện năm 2016. Dù vậy, mục tiêu lợi nhuận đề ra cho năm 2018 của
Sacombank vẫn khá thận trọng, ở mức 1.640 tỷ đồng trước thuế.
Eximbank cho hay, Ngân hàng đạt hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2017, gấp hơn 2,5 lần năm 2016 và đạt 169% kế hoạch đề ra. Hiện Eximbank chưa tiết lộ chỉ tiêu lợi nhuận 2018, nhưng theo ngân hàng này, với kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2017, cùng với dự kiến sẽ thoái hết hơn 8% vốn tại Sacombank trong quý I/2018, ngân hàng này kỳ vọng sẽ xóa được lỗ lũy kế, cũng như đưa cổ phiếu EIB ra khỏi diện kiểm soát đặc biệt suốt 2 năm qua.
Hứa hẹn cổ tức cao?
Tại mỗi kỳ ĐHCĐ, bên cạnh các nội dung về kế hoạch kinh doanh, thay đổi nhân sự cấp cao..., thì chia cổ tức luôn là điều mà cổ đông chờ đợi, nhất là khi các ngân hàng đã có năm gặt hái nhiều thành công như năm 2017.
LienVietPostBank cho biết, Ngân hàng dự kiến tăng tỷ lệ trả cổ tức năm 2017 từ 12% lên 15% nhờ kết quả kinh doanh tích cực, khi trong 11 tháng đầu năm 2017, ngân hàng này đã đạt 1.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra cho cả năm.
Năm 2017, HDBank đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.420 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 2.040 tỷ đồng, gấp 2,1 lần năm 2016. Nhờ đó, Ban lãnh đạo HDBank dự định sẽ chia cổ tức, cổ phiếu thưởng bằng tiền mặt và cổ phiếu cho cổ đông theo tỷ lệ 25-30%, mức gần như cao nhất trong ngành ngân hàng hiện nay. Phương án này sẽ được HĐQT HDBank trình ĐHCĐ thông qua trong thời gian tới.
Thực tế, trong những năm qua, thời điểm ngành ngân hàng còn nhiều khó khăn, HDBank vẫn thường duy trì việc trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ khoảng 10%. Do đó, trong bối cảnh hoạt động ngân hàng đang tích cực trở lại và cổ phiếu ngân hàng nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư như hiện nay, mức cổ tức “khủng” mà HDBank đưa ra được nhìn nhận sẽ là cú huých cho cổ phiếu của ngân hàng này. Được biết, năm 2018, HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 65,3% so với năm 2017, đạt 3.921 tỷ đồng.
Tiếp đà tăng trưởng của năm 2017, thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm 2018 đến nay liên tục tăng điểm mạnh, trong đó có đóng góp lớn của các cổ phiếu ngân hàng. Cổ phiếu ngân hàng ngày càng thể hiện rõ vai trò dẫn dắt thị trường, được các chuyên gia chứng khoán nhìn nhận sẽ có thêm một năm tươi sáng. Có lẽ cũng vì lý do này mà tại không ít ngân hàng hiện nay, điều mà các cổ đông mong mỏi là được chia cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì muốn được nhận tiền mặt như ở các năm trước khi cổ phiếu ngân hàng rớt giá.
Theo các chuyên gia chứng khoán, sự lạc quan không chỉ đến từ thị trường chung, mà còn xuất phát từ chính nội tại ngành ngân hàng khi đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên con đường trở lại thời hoàng kim. Đây cũng là lý do mà cổ phiếu ngân hàng nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư chứng khoán thời gian qua.
Đánh giá được đưa ra từ các chuyên gia gia tài chính, lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ còn gia tăng trong năm 2018 nhờ tín dụng cải thiện, nợ xấu được đẩy lùi khi Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về xử lý nợ xấu phát huy tác dụng và thị trường bất động sản tiếp tục ổn định.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, cạnh tranh trong việc giữ và mở rộng thị phần huy động tín dụng sẽ ngày càng gay gắt, theo đó lãi suất cho vay từng bước giảm dần, trong khi chi phí huy động vốn khó giảm bởi lãi suất đầu vào tăng, nên các ngân hàng sẽ thận trọng khi xây dựng chỉ tiêu kinh doanh. Mặt khác, sự phân hóa giữa các ngân hàng cũng sẽ rõ ràng hơn sau quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu, xử lý nợ xấu..., nên việc chọn được cổ phiếu tốt là không đơn giản.