Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 vừa được NCB công bố cho thấy, hầu hết các chỉ tiêu tài chính đều khả quan hơn so với năm trước.
Cụ thể, huy động vốn đến thời điểm 31/12/2017 của NCB đạt 51.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ 2016; cho vay đạt 32.000 tỷ đồng, tăng hơn 20%.
Thu nhập lãi thuần đạt 1.117,5 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Đặc biệt, việc lựa chọn thời điểm cơ cấu lại danh mục đầu tư chứng khoán phù hợp đã mang lại lợi nhuận hơn 110 tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt gần 265 tỷ đồng, tăng 26% và lợi nhuận trước thuế tăng gấp 2 lần năm 2016.
Hầu hết các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh của Kienlongbank cũng tăng trưởng so với năm 2016. Kienlongbank cho biết, tính đến cuối năm 2017, tổng tài sản Ngân hàng đạt 37.353 tỷ đồng, hoàn thành 102,34% kế hoạch năm và tăng 22,67% so với năm 2016; tổng dư nợ tín dụng đạt 24.686 tỷ đồng, hoàn thành 99,94% kế hoạch và tăng 24,89%.
Tổng nguồn vốn huy động đạt 33.152 tỷ đồng, hoàn thành 102,01% kế hoạch và tăng 25,74% so với năm 2016; nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 0,83%. Lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 259,51 tỷ đồng, hoàn thành 103,80% kế hoạch và tăng 71,2% so với năm 2016, trong đó lãi hoạt động dịch vụ tăng gấp 1,36 lần.
Ông Võ Văn Châu, Tổng giám đốc Kienlongbank cho biết, bước sang năm 2018, Ngân hàng bám sát mục tiêu hoạt động an toàn, bền vững và lợi nhuận hợp lý. Theo đó, Kienlongbank tiếp tục tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Năm qua, BAC A BANK có bước tăng trưởng lợi nhuận tới 14,5%, với 731 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Thu nhập trên mỗi cổ phần đạt 1.176 đồng. Tính đến 31/12/2017, tổng tài sản của Ngân hàng tăng thêm 15.910 tỷ đồng so với cuối năm trước, lên 91.862 tỷ đồng.
Nguồn vốn tăng lên trong năm qua của BAC A BANK chủ yếu đến từ đi vay trên thị trường liên ngân hàng với tiền gửi, vay các tổ chức tín dụng khác tăng 11.700 tỷ đồng, lên 18.837 tỷ đồng. BAC A BANK cũng tăng cho vay lại trên liên ngân hàng thêm hơn 7.000 tỷ đồng.
Đồng thời, ngân hàng này cũng đầu tư thêm vào chứng khoán nợ do các tổ chức tín dụng khác phát hành với tổng cộng 2.800 tỷ đồng đầu tư thêm trong năm qua.
Tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng và huy động vốn của BAC A BANK trong năm 2017 đạt lần lượt 15,14% và 7,37%. Tín dụng trên thị trường dân cư đạt 54.874 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu từ mức 0,81% cuối năm 2016 giảm xuống còn 0,63% vào cuối 2017.
Vẫn nên chúc mừng
Nếu so sánh với các gương mặt dẫn đầu như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, VPBank, Techcombank… với những khoản lợi nhuận quanh mức 10.000 tỷ đồng năm 2017, thì con số lợi nhuận tại các ngân hàng đề cập ở trên là rất khiêm tốn.
Tuy nhiên, theo tổng giám đốc một ngân hàng, nhiều ngân hàng nhỏ mới qua giai đoạn tái cấu trúc và chưa hẳn đã xử lý xong toàn bộ những vấn đề cũ, nên việc đạt được mức tăng trưởng tính hàng lần về lợi nhuận là chỉ báo đáng mừng.
“Điều quan trọng là các nhà băng này đã kiểm soát được chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu gia tăng”, vị lãnh đạo trên nói và cho biết, lợi nhuận ngân hàng phụ thuộc nhiều vào chất lượng tín dụng.
“Nếu kiểm soát được chất lượng khoản vay, nợ xấu giảm thì mới bớt được dự phòng. Mặt khác, kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 42/2017, tiến trình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh, nên nhiều khoản dự phòng cũng được hoàn nhập vào lợi nhuận”, vị tổng giám đốc trên nói.
Đánh giá được đưa ra từ TS. Alan Phạm, Kinh tế trưởng của Tập đoàn VinaCapital cho rằng, nếu tiến trình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh và tình hình kinh tế dần hồi phục, quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng đạt được kết quả nhất định, sức khỏe các nhà băng tốt lên, thì chắc chắn bức tranh của ngành ngân hàng từ nay đến năm 2020 sẽ sáng lên rất nhiều so với hiện nay.
Lợi nhuận của các ngân hàng trong năm qua đã có cải thiện nhất định khi hoạt động tín dụng dần hồi phục và tăng trưởng, thị trường bất động sản ấm lên là cơ hội để các nhà băng đẩy mạnh cho vay, song cũng thận trọng hơn trước…
Theo đó, cổ phiếu của ngành ngân hàng bắt đầu có sự tăng trưởng trở lại, tập trung ở những ngân hàng có hoạt động kinh doanh hiệu quả.