Không tăng được vốn
Saigonbank, kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng có từ 4 năm trước, nhưng kết thúc năm 2016 vẫn trong tình trạng “bất động”.
Không tăng được vốn do cổ đông hiện tại không góp thêm và tiềm năng tăng trưởng thấp, nên quá khứ đã từng có những đề xuất về việc sáp nhập Saigonbank vào Vietcombank, nhưng các cổ đông đã từ chối. Tại đại hội đồng cổ đông năm 2015, Saigonbank đưa ra cam kết sẽ tái cấu trúc bằng chính nội lực, nhưng dường như sự cải thiện mới ở mức “bình bình”. Hoạt động kinh doanh thể hiện qua các chỉ tiêu không nổi bật so với mặt bằng chung của ngành.
Từ cuối năm 2011 đến nay, NHNN đã xử lý 9 ngân hàng cổ phần yếu kém. Một số cái tên đã rút khỏi thị trường tài chính bằng biện pháp M&A như: Habubank (sáp nhập vào SHB), Western Bank (hợp nhất với PVFC), TinNghiaBank, Ficombank được hợp nhất cùng SCB thành NHTM hợp nhất SCB, DaiA Bank sáp nhập vào HDBank, SouthernBank sáp nhập vào Sacombank, MekongBank sáp nhập vào MaritimeBank; MHB sáp nhập vào BIDV. Thị trường cũng đang chờ đợi hoàn tất thương vụ sáp nhập PGBank vào Vietinbank.
Vốn điều lệ thấp, gây ảnh hưởng tới hàng loạt chỉ tiêu phát triển khác, từ tổng tài sản đến khả năng cấp tín dụng…, để đảm bảo an toàn hoạt động. Do vậy, 2 vế của vấn đề là tăng năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động luôn là yêu cầu mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra.
Ngoài Saigonbank, thị trường hiện vẫn có đến 5-6 nhà băng vốn điều lệ chỉ mới ngang bằng vốn pháp định, hoặc cao hơn chút đỉnh (Kienlongbank, VietBank, Viet Capital Bank, Nam A Bank, VietA Bank,…).
Cho dù các nhà băng này đã có những nỗ lực và nhiều cam kết, nhưng dường như mới giải quyết được một vế là cải thiện hiệu quả kinh doanh so với giai đoạn khó khăn trước đây, nhưng tăng thêm vốn vẫn chưa có lối đi khả dĩ.
Yêu cầu tăng năng lực tài chính hiện khá cấp bách bởi những chuẩn mực mới của Basel II sắp được áp dụng rộng rãi (hiện đang thử nghiệm ở 10 ngân hàng) và khi NHNN yêu cầu tuân thủ, khả năng nhiều ngân hàng nhỏ khó đáp ứng được.
Thế nhưng, để tăng được vốn trong bối cảnh hiện nay là không dễ đối với nhà băng nhỏ. Thị trường chứng khoán sôi động nhưng chưa trở lại thời “cổ phiếu vua”, khi mà các nhà đầu tư nội bất chấp kết quả kinh doanh, mua ồ ạt, kéo giá cổ phiếu ngân hàng lên hơn 100.000 đồng/CP. Huy động vốn thời đó với các ngân hàng là “chuyện nhỏ”.
Nhà đầu tư hiện hữu, nhà đầu tư nội không mua cổ phiếu phát hành thêm, và cả nhà đầu tư ngoại cũng vậy.
Theo ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital cho rằng, cần thiết phải nới room cho nhà đầu tư ngoại ở lĩnh vực ngân hàng cao hơn mức tối đa 30% hiện nay, bởi giới hạn sở hữu là rào cản lớn cho các ngân hàng thu hút vốn ngoại.
Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, ông Phạm Hồng Hải cũng đưa ra nhận định, nếu chỉ được phép sở hữu một tỷ lệ cổ phần nhỏ, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không mong muốn mua lại các ngân hàng nội địa và không tham gia quá trình tái cấu trúc ngân hàng yếu, bởi họ không có quyền kiểm soát hoạt động của ngân hàng.
Dọn sạch ngân hàng yếu?
Ngân hàng nhỏ không có nghĩa là yếu nếu kết quả kinh doanh tốt, chất lượng tài sản tốt. Nhưng tại Việt Nam, số đông ngân hàng nhỏ thường gắn với “cái đuôi” yếu, kém.
Năm 2016, trong khi ngành ngân hàng đã chứng kiến Vietcombank chủ động rút nợ xấu (đã bán trước đó) khỏi VAMC để tự xử lý, Techcombank tuyên bố cơ bản xử lý dứt điểm nợ xấu và tương tự, khá nhiều ngân hàng có tổng tài sản trên trăm nghìn tỷ đồng cũng khẳng định sẽ xử lý dứt điểm các món nợ này trong năm 2017, thì hầu hết các ngân hàng nhỏ đều “im lặng”.
Khi mà VAMC không giải quyết khối nợ đã mua từ các ngân hàng, thì tối đa là 4 năm nữa, cơ quan này sẽ trả lại các ngân hàng tự xử lý. Những khối nợ xấu hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng sẽ là “con dao treo trên đầu” không ít ngân hàng.
Theo cơ chế hiện tại, các ngân hàng bán nợ cho VAMC để nhận về trái phiếu chỉ là cách thức giúp các ngân hàng thương mại có một lượng tiền để tiếp tục hoạt động, chứ không phải là dứt điểm nợ xấu.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, có những ngân hàng nhỏ phải gánh trên mình số nợ xấu ngang ngửa số vốn tự có, cá biệt có trường hợp còn lớn hơn (tức là âm vào vốn). TS. Nghĩa cho rằng, với ngân hàng nhỏ, vốn còn ở mức khiêm tốn trên dưới 3.000 tỷ đồng hiện nay đang phải đối mặt với yêu cầu M&A, thay vì duy trì chờ cơ hội phát triển.
Thông tin đưa ra đầu năm 2017 từ NHNN cho hay, hiện NHNN đang hoàn thiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 theo chỉ đạo của Chính phủ.
NHNN đã khoanh vùng 5 ngân hàng cổ phần yếu kém, trong đó bao gồm cả 3 ngân hàng “0 đồng” là OceanBank, CBank, GPBank và lên phương án xử lý ngay trong năm 2017, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đầu năm nay đã cho biết, việc nợ xấu và tái cơ cấu ngành tuy còn có những khó khăn nhất định, cho dù trong năm qua đã được đẩy mạnh. Hệ thống vẫn còn tồn tại những vấn đề yếu kém, trong đó có hoạt động của các ngân hàng cần đẩy mạnh tái cơ cấu.
Hiện CBank đang được Vietcombank hỗ trợ. Vietcombank cho biết, đã chủ động xây dựng, hỗ trợ một ngân hàng thương mại yếu kém và đã đăng ký với Thống đốc và trình Chính phủ. Sau khi nhận được phê chuẩn của Chính phủ và NHNN, Vietcombank cam kết sẽ là ngân hàng tiên phong tái cơ cấu thành công một ngân hàng yếu kém do Chính phủ và NHNN giao.
Trước đó, Viecombank được NHNN giao nhiệm vụ hỗ trợ CBank trong các lĩnh vực nguồn vốn và kinh doanh tiền tệ, tín dụng, tài trợ thương mại, quản trị, trao đổi và cung cấp thông tin. Còn OceanBank, GPBank do Vietinbank đảm nhận hỗ trợ, cải tổ…
Hiện Đề án trên của NHNN chưa được công bố chi tiết, nhưng rất có thể số ngân hàng tại Việt Nam năm 2017 tiếp tục giảm đi.