Nhu cầu huy động vốn qua M&A tăng cao

(ĐTCK) Những năm gần đây, mua bán - sáp nhập (M&A) nổi lên như một kênh huy động vốn hiệu quả. Hiện tại, không ít doanh nghiệp đang tính đến phương án M&A để nâng cao năng lực tài chính, mở rộng quy mô.
Nhu cầu huy động vốn qua M&A tăng cao

M&A cả trong và ngoài nước

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán bên lề Diễn đàn M&A 2016 vừa qua, bà Trần Quế Trang, Tổng giám đốc CTCP Đường Biên Hòa (BHS) cho rằng, trong vòng 2 năm tới, ngành đường Việt Nam sẽ bước vào cuộc cạnh tranh quyết liệt với các thương hiệu ngoại nên nhu cầu vốn đầu tư, tái cấu trúc và mở rộng quy mô là rất lớn.

Với BHS, sau khi phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu cho Ngân hàng Phương Đông (OCB) trong tháng 6, Công ty đã lên kế hoạch phát hành gần 170 triệu cổ phiếu nhằm bổ sung nguồn vốn hoạt động, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược đến năm 2020. Tuy nhiên, với mức đầu tư cho vùng nguyên liệu của BHS luôn đạt trên 600 tỷ đồng/năm nên Công ty sẽ chưa dừng lại ở những kế hoạch huy động vốn trong nước, sẽ thu hút cả nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, BHS đã và đang hợp tác với nhiều đối tác ngoại trên các phương diện: quản trị vận hành, kỹ thuật, đào tạo, thương mại…

“M&A được xem là xu hướng tất yếu trong lĩnh vực mía đường”, bà Trang nói.

Trong lĩnh vực bất động sản, diễn biến ấm dần của thị trường này được xem là cơ hội tốt để các chủ đầu tư đẩy mạnh triển khai dự án nên nhiều doanh nghiệp tăng cường thu hút vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Giám đốc Thị trường vốn và Quan hệ nhà đầu tư Tập đoàn Novaland, ông Phan Lê Hòa cho hay, trong năm qua, Tập đoàn đã thu hút được khoảng 50 triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài và đang trong quá trình thu hút thêm vốn, đồng thời sẽ phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), niêm yết trên thị trường chứng khoán vào cuối năm nay.

Thực tế, khi có nhu cầu về vốn để đầu tư, các doanh nghiệp thường tìm kiếm nguồn vốn từ thị trường nội địa như vay ngân hàng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Hòa, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam chưa thực sự phát triển, trong khi lãi suất tín dụng vẫn còn cao. Vì thế, các doanh nghiệp sẽ tìm kiếm thêm nguồn vốn từ thị trường nước ngoài. 

Làm thế nào để thành công?

Phát biểu tại Diễn đàn M&A 2016, ông Ryu Trento, Giám đốc Bộ phận Chăm sóc y tế của Công ty Quản lý quỹ TAEL Partners (Singapore) nhận xét, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu huy động vốn từ phát hành cổ phần, muốn hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài, song vẫn còn e ngại về việc có thể bị mất quyền kiểm soát doanh nghiệp. Vì thế, trong các thương vụ đầu tư tại Việt Nam, TAEL Partners chỉ đầu tư vào doanh nghiệp với tỷ lệ sở hữu khoảng 15 - 20% và không chiếm quyền kiểm soát.

Ông Samaresh Singh, Giám đốc Tư vấn M&A, Ngân hàng Standard Chartered khu vực Đông Nam Á cho biết, không chỉ nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp Việt tăng lên, mà nhu cầu vốn của doanh nghiệp Việt Nam thông qua M&A ngày càng gia tăng. Từ đầu tháng 8 đến nay, Standard Chartered đã tư vấn cho không ít khách hàng đầu tư vào Việt Nam. Xu hướng trên thị trường M&A Việt Nam đang dần thay đổi, hiện có nhiều khách hàng tìm đến Standard Chartered để được tư vấn về việc tạo vốn thông qua M&A cũng như mong muốn nhận được ý kiến đánh giá về thương vụ dự kiến thực hiện.

 “Chúng tôi cho rằng, có nhiều cách để huy động vốn, chứ không nhất thiết phải là IPO. Điều quan trọng nhất là tính thanh khoản của người mua. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất trong các thương vụ đó là vấn đề về định giá”, ông Samaresh Singh nói.

Ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Công ty Deloitte Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài luôn tìm kiếm các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và tăng trưởng tốt. Trong đó, bộ máy quản trị của doanh nghiệp được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước không nên quá lo ngại về việc có thể bị mất quyền kiểm soát.

Theo ông Thinh, thu hút được nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa thực sự sẵn sàng trong việc thu hút nguồn vốn thông qua M&A, dù có nhu cầu lớn về vốn để đầu tư, sản xuất, tái cơ cấu.

Giám đốc điều hành Công ty Chứng khoán Thiên Việt, ông Phạm Ngọc Quỳnh cho rằng, để thành công trong các thương vụ M&A, trước hết doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị và xác định được mình có thế mạnh gì và điểm yếu nào cần khắc phục. Đồng thời, các doanh nghiệp phải minh bạch, cởi mở trong vấn đề cung cấp thông tin. Có như vậy, bên bán và bên mua mới có thể gặp nhau.

“M&A trên quan điểm thân thiện và đồng thuận”

Nhu cầu huy động vốn qua M&A tăng cao ảnh 1

 Ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng giám đốc CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS)

Hoạt động sản xuất - kinh doanh của ngành mía đường Việt Nam hiện đối mặt với nhiều thách thức cũng như chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia trong khu vực và trên thế giới như Thái Lan, Brazil… Trong khi đó, vùng đất canh tác mía đường của nước ta nhỏ lẻ và không tập trung, khó khăn trong việc hình thành được vùng nguyên liệu tập trung. Điều này đòi hỏi ngành mía đường Việt Nam cần có hành động cụ thể, nếu không muốn mất lợi thế trong tiến trình gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nhiều hiệp định thương mại tự do khác. Vì thế, M&A được xem là xu thế tất yếu giúp ngành đường Việt Nam tồn tại và các doanh nghiệp mía đường cộng hưởng, liên kết, phát huy thế mạnh lẫn nhau.

Trong chiến lược kinh doanh, TTCS xác định, ngoài việc tập trung phát triển vùng nguyên liệu, tăng cường áp dụng kỹ thuật cơ giới hóa sản xuất và R&D các sản phẩm trong chuỗi sản phẩm từ cây mía, do đó, việc tìm kiếm các đối tác thích hợp thực hiện M&A là giải pháp tiên quyết để có thể tiếp tục phát triển bền vững.

Mục tiêu của TTCS là tiếp tục khẳng định vị thế của Công ty trong lĩnh vực mía đường Việt Nam và tiến ra khu vực. Với mục tiêu chiến lược như vậy, TTCS xác định M&A là một hoạt động căn cơ để phát triển chiến lược của mình. Trong thời gian qua, TTCS đã tiến hành M&A một số doanh nghiệp trong lĩnh vực mía đường, đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu để mở rộng quy mô hoạt động. Không chỉ thực hiện chiến lược M&A với doanh nghiệp trong nước mà trong thời gian tới, TTCS còn mở rộng M&A ra khu vực.

Đồng thời, TTCS còn huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu. Vào giữa năm 2016, TTCS đã phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu cho TPBank và VIB để huy động thêm vốn mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh…

Tuy nhiên, nhu cầu mở rộng đầu tư vùng nguyên liệu đòi hỏi phải có thêm vốn. Điều thuận lợi là kết quả hoạt động kinh doanh của TTCS nói riêng và các công ty mía đường nói chung trong thời gian gần đây có sự cải thiện mạnh mẽ nhờ giá đường tăng so với cùng kỳ. Dù vậy, chiến lược huy động vốn qua M&A sẽ tiếp tục được TTCS đẩy mạnh.

Xác định hoạt động M&A với các đối tác trong ngành đường là một trong những chiến lược quan trọng, gia tăng khả năng cạnh tranh cũng như góp phần cải thiện hiệu quả kinh doanh, TTCS thực hiện chiến lược M&A trên quan điểm hoàn toàn thân thiện và đồng thuận.

Thành công của các thương vụ M&A của TTCS xuất phát từ việc xác định đúng đối tác, hợp tác trên cơ sở cùng tận dụng ưu điểm, cộng hưởng sức mạnh của hai bên, nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo quan sát của chúng tôi, để thương vụ M&A thành công thì 2 doanh nghiệp cũng phải mất ít nhất 6 tháng để hợp nhất. Còn nếu M&A với các doanh nghiệp nhà nước thì ít nhất cũng phải mất từ 1-2 năm vì quan điểm khác biệt, tư duy khác biệt sẽ có rất nhiều phát sinh, thậm chí xung đột sau M&A, nhưng các bên cần tập trung đồng hóa công tác tổ chức để đạt mục tiêu chung.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục