Từ câu chuyện của An Giang…
Trước đây, An Giang chỉ được biến đến với thế mạnh về nông nghiệp, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản. Tuy nhiên, từ 2 năm trở lại đây, An Giang đã xuất hiện trên bản đồ bất động sản Việt Nam với sự xuất hiện của nhiều tên tuổi lớn rót vốn vào đây.
Chẳng hạn, ngày 16/9/2016, Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Đông Á (thuộc Tập đoàn Alphanam) đã công bố ra mắt dự án Golden City An Giang tại TP.Long Xuyên. Tại buổi lễ, đại diện Tập đoàn Alphanam cho biết, Long Xuyên là một thị trường mới nổi của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, nên việc đầu tư trong dài hạn không chỉ mang lại giá trị cho địa phương, mà còn là cơ hội gặt hái cho nhà đầu tư nếu biết cách tận dụng tốt.
Alphanam không phải là doanh nghiệp duy nhất nhìn ra được tiềm năng của Long Xuyên. Trước đó, trong năm 2015, Vingroup đã khai trương Trung tâm thương mại Vincom An Giang tại số 1242 Trần Hưng Đạo, phường Mỹ Bình, TP.Long Xuyên. Ngoài ra, nhiều dự án quy mô lớn cũng đã được các doanh nghiệp triển khai tại thành phố này, như dự án Khu đô thị mới Tây Sông Hậu - Smart City An Giang có quy mô hơn 51 ha, do liên doanh N.H.O-TBP phát triển, hay Khu đô thị cao cấp Sao Mai do Sao Mai Group làm chủ đầu tư với diên tích gần 300 ha.
An Giang đang thu hút nhiều doanh nghiệp rót vốn vào thị trường bất động sản như Golden City An Giang của Alphanam
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, UBND tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư cho 29 dự án bất động sản với tổng vốn đăng ký hơn 7.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi về số lượng dự án và hơn 5 lần về vốn đăng ký so cùng kỳ năm 2015. Đồng thời, trong 9 tháng của năm 2016, tỉnh cũng đã đón khoảng 6,3 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước, tăng 5,6% so cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khách quốc tế ước đạt trên 50.000 lượt, tăng 31% so cùng kỳ năm trước; khách lưu trú và lữ hành ước đạt trên 390.000 lượt, tăng 20% so cùng kỳ. Đây là tín hiệu cho thấy tiềm năng phát triển của thị trường bất động sản An Giang và là cơ sở để các doanh nghiệp đầu tư bất động sản rót vốn vào địa phương này.
…đến xu hướng đầu tư về tỉnh lẻ
Khi thị trường bất động sản ở các thành phố lớn đang có dấu hiệu bão hòa, các doanh nghiệp bất động sản tìm đường đầu tư vào các tỉnh lẻ. An Giang chỉ là một trong nhiều địa phương lọt vào tầm ngắm của các doanh nghiệp địa ốc. Thực tế, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Bình Định, Bình Thuận, Kiên Giang, Khánh Hòa, Yên Bái, Lào Cai…. là những tỉnh đang có sự quan tâm rất lớn của các tập đoàn bất động sản lớn như Sungroup, FLC, Geleximco, BIM Group… Đặc biệt, Thanh Hóa, Kiên Giang và Khánh Hòa là 3 địa phương thu hút được nhiều nhà đầu tư bất động sản nhất trong 3 năm trở lại đây.
Trong đó, tại Thanh Hóa, Tập đoàn FLC đã đầu tư tới 5.500 tỷ đồng cho dự án FLC Samson Beach & Golf Resort. Ngoài ra, FLC cũng đang đầu tư hàng loạt dự án khác tại địa phương này như khu nhà ở FLC Complex, dự án phát triển nông nghiệp ở nông trường Lam Sơn với tổng mức đầu tư hiện xấp xỉ 15.000 tỷ đồng.
Dự án Mon Bay tại Quảng Ninh được nhiều khách hàng Hà Nội quan tâm. Ảnh: Trọng Hiếu
Còn tại Phú Quốc, số liệu thống kê từ Ban Quản lý khu Kinh tế Phú Quốc cho thấy, tính đến tháng 9/2016 có khoảng 250 dự án đăng ký đầu tư tại huyện đảo Phú Quốc, tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới gần 200.000 tỷ đồng. Trong đó, với khoảng 9.000 tỷ đồng đầu tư, Vingroup đang dẫn đầu danh sách các “ông lớn” tìm đến Phú Quốc.
Các dự án của Vingroup tại đảo ngọc như Vinpearl Phú Quốc, Vinpearl Villas Phú Quốc, Khu vườn bách thú hoang dã Safari, sân golf… Tiếp theo là Sun Group với số vốn đăng ký 8.627 tỷ đồng, bao gồm các dự án J.W Mariott, Ritz-Carlton Resort & Spa, Premier Village Phú Quốc Resort, The Sebel, Dự án cáp treo dài nhất thế giới và quần thể Khu vui chơi giải trí biển Hòn Thơm…
Trong khi đó, Khánh Hòa, TP. Nha Trang, từ lâu đã được coi là thiên đường nghỉ dưỡng, nên không quá khó để nhận thấy sự xuất hiện của các ông lớn bất động sản tại thị trường này. Trong đó, tại Bãi Dài hiện tại có 31 dự án được UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép đầu tư với số vốn đăng ký lên đến gần 14.000 tỷ đồng. Phân khúc hấp dẫn nhiều vốn đầu tư nhất hiện nay ở Nha Trang là căn hộ nghỉ dưỡng, khách sạn tiêu chuẩn từ 4 - 5 sao như Vinpearland, Novotel, Sheraton, Evasion Six Senses Hideway… Ngoài Nha Trang, hiện Cam Ranh cũng là địa điểm được nhiều nhà đầu tư bất động sản lựa chọn để rót vốn đầu tư vào các dự án bất động sản du lịch.
Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE cho biết, với các tỉnh lẻ, những khu trung tâm hành chính, có nhu cầu cao về bất động sản đang lọt vào “mắt xanh” của các đại gia địa ốc. Những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đều được nhắm tới như Thanh Hóa, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương, Long An…
Những nhà phát triển bất động sản tên tuổi tiếp tục tiên phong trong mảng đầu tư này. Lý giải nguyên nhân các doanh nghiệp địa ốc lớn tìm về tỉnh lẻ, ông Marc Townsend cho rằng, một mặt, các doanh nghiệp muốn ăn theo các chính sách quy hoạch đô thị, cảng biển, nhà ga, nhà máy… Mặt khác, doanh nghiệp phân tán các vùng đầu tư và tận dụng những lợi thế có sẵn của địa phương để phát triển dự án.
Chia sẻ với Đầu tư Bất động sản, ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRea) cho biết, lý do khiến thị trường bất động sản tại nhiều địa phương ngoài TP.HCM và Hà Nội tăng trưởng mạnh thời gian qua là do các địa phương này sở hữu quỹ đất “sạch” rất lớn, đồng thời nhà đầu tư nhận được sự hỗ trợ lớn từ chính quyền địa phương, đặc biệt là những khu vực đang trên đà phát triển và bắt đầu có nhu cầu cao về nhà ở.
"Hầu hết các ông lớn khi đầu tư về tỉnh đều có kinh nghiệm trong vấn đề quản lý và đầu tư bất động sản", ông Quang nói và cho biết thêm, nếu tận dụng tốt cơ hội, doanh nghiệp sẽ khiến thị trường tỉnh lẻ bứt phá nhanh.
Chưa kể, sự tham gia của họ kéo theo sự nhập cuộc của nhiều nhà đầu tư đơn lẻ khác. Tuy nhiên, ông Quang cũng lưu ý rằng, đầu tư vào tỉnh lẻ không phải dễ, mà đòi hỏi các chủ đầu tư phải có tiềm lực về tài chính đủ mạnh, bởi thị trường tỉnh lẻ khác xa so với các thành phố lớn, đặc biệt là mặt bằng thu nhập của người dân.
Vì vậy, cần phải có sự tính toán rất kỹ càng về phân khúc theo đuổi. Ngoại trừ các dự án nghỉ dưỡng, du lịch, vì đối tượng mua thường không phải người địa phương, còn những dự án khu dân cư, phải đặc biệt phải lưu ý điều này.
Ngoài ra, dù nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương, song việc thi công dự án tại các tỉnh lẻ cũng không thực sự dễ dàng, đặc biệt là tại các cùng đất mà điều kiện tự nhiên khắc nghiệt như Ninh Thuận, Bình Thuận..., có thể sẽ ảnh hưởng khá lớn đến tiến độ các hạng mục. Hơn nữa, do khoảng cách địa lý, chủ đầu tư thường phải tổ chức chương trình tham quan giới thiệu dự án, tiền di chuyển khá tốn kém, làm gia tăng các chi phí truyền thông, bán hàng.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com