Trong nhiều năm qua, nhà đầu tư vui vẻ mua trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc, tin tưởng rằng những công ty lớn nhất sẽ ngày càng trở nên khổng lồ.
Ngay cả trong đợt bán tháo trên toàn cầu vào tháng 3/2020, khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, các ngân hàng đầu tư vẫn nhắn nhủ khách hàng không cần lo lắng. Trong trường hợp xấu nhất, nhà đầu tư chỉ cần nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp tới ngày đáo hạn và hưởng lợi suất hấp dẫn.
Tuy nhiên, đà suy giảm gần đây của China Evergrande Group, một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Trung Quốc trở thành tiếng chuông cảnh tỉnh.
Những chính sách mới của chính quyền Trung Quốc nhằm kiểm soát thị trường đang khiến ngay cả những gã khổng lồ cũng khó chống trọi.
Evergrande hiện đang sở hữu khối tài sản trị giá 2,3 nghìn tỷ nhân dân tệ (337 tỷ USD), là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc.
Cuối tuần trước, một đợt bán tháo cổ phiếu và trái phiếu của Evergrande bất ngờ diễn ra, sau khi một báo cáo của Công ty bị rò rỉ.
Cụ thể, Evergrande đã gửi một bức thư tới giới chức tỉnh Quảng Đông với nội dung rằng, Công ty có thể đối diện tình trạng cạn tiền, gây khủng hoảng dây chuyền nếu không thể tiến hành niêm yết cửa sau (backdoor listing) tại Thẩm Quyến.
Evergande lên tiếng cho rằng, thông tin trên là thêu dệt, tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn trở nên lo lắng. Dù tài liệu này là thật hay giả, nó cũng đánh trúng vào trọng tâm: các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang đối diện với nhiều khó khăn, mà những quy định chính sách là thử thách lớn nhất.
Cách đây 1 tháng, chính quyền Trung Quốc đã đề xuất 3 quy định đối với các nhà phát triển bất động sản lớn, bao gồm tỷ lệ trần nợ tính trên tài sản, tỷ lệ nợ tính trên vốn chủ sở hữu và nợ ngắn hạn. Nếu vi phạm 3 điều này, các công ty bất động sản bị cấm vay mượn/huy động thêm vốn.
Evergande là 1 trong những doanh nghiệp vi phạm cả 3 tiêu chuẩn.
Trong bức thư bị rò rỉ kể trên, Evergande cảnh báo rủi ro hệ thống với các khoản nợ trị giá 835,5 tỷ nhân dân tệ, các đối tác lâm vào cảnh phá sản với số lượng doanh nghiệp lên tới con số 8.441 công ty, cùng với đó là 3,1 triệu việc làm mất đi.
Con số này phần nào chứng tỏ, những rủi ro mà Evergrande phải đối diện có thể gây ra sụp đổ có hệ thống và tạo tác động lớn tới các yếu tố kinh tế - xã hội.
Theo số liệu của Gavekal Dragonomics, trong số 334 nhà phát triển bất động sản phải tuân thủ quy định mới, chỉ có 50 doanh nghiệp, chiếm khoảng 36% tổng nợ của cả ngành công nghiệp này vi phạm cả 3 tiêu chuẩn mới.
Tương tự, trong số 18 doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Trung Quốc được Bloomberg Intelligence theo dõi, 11 doanh nghiệp vẫn trong vùng an toàn và có thể vay nợ thêm khoảng 10 – 15% mỗi năm.
Điều này đồng nghĩa với việc, nếu Evergrande lung lay, các nhà phát triển bất động sản lớn khác có thể tham gia vào và mua lại tài sản.
Ví dụ điển hình là gần đây China Vanke Co đã thâu tóm Tahoe Group, nhà phát triển bất động sản đầu tiên tại Trung Quốc vỡ nợ trong 5 năm qua.
Không giống những tập đoàn tài chính khác, doanh nghiệp bất động sản sở hữu nhiều tài sản hấp dẫn, nhất là đất nền. Do đó, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng nhảy vào và nhà nước không cần giải cứu.
Theo Bloomberg, Evergrande đang là hãng bất động sản nợ nhiều nhất thế giới với giá trị hơn 120 tỷ USD. Sau thông tin về sức khoẻ tài chính của Công ty, ít nhất 5 ngân hàng và 2 công ty ủy thác đã họp khẩn cấp thảo luận về tình trạng của Evergrande. Ít nhất 2 ngân hàng đã cấm Evergrande rút thêm tiền từ hạn mức tín dụng chưa sử dụng.