Đại dự án xoay xở tìm cách thoát lầy

(ĐTCK) Hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư đang nằm phơi nắng, phơi mưa, tạo ra sự lãng phí lớn ở 12 đại dự án ngành công thương. Bởi thế, hành trình đưa các dự án này thoát lỗ hoặc tái khởi động trở lại luôn được dư luận quan tâm. 
Đại dự án xoay xở tìm cách thoát lầy

Khó chồng khó

Nói về các giải pháp đưa Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 thoát lầy, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, giải pháp thoái vốn sẽ giúp doanh nghiệp tìm kiếm được nguồn đầu tư, thay đổi phương thức quản trị, ra quyết định, từ đó có thể giải quyết những vấn đề tồn đọng tại Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.

Hiện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã giao các vụ chức năng, phối hợp với SCIC, VNSteel và TISCO hoàn thiện báo cáo đề xuất, tính toán những phương án tái cơ cấu, trình lên các cơ quan liên quan.

Việc thoái vốn của TISCO tại Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, hay xa hơn là Nhà nước thoái toàn bộ vốn tại TISCO cũng không hề đơn giản. Còn nhớ, trong một cuộc gặp với giới phân tích, đầu tư, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát nhận xét, Gang thép Thái Nguyên hiện nay không có gì hấp dẫn do vị trí địa lý xa cảng biển, lợi thế về quặng và than không còn lớn…

Trong khi đó, Dự án vẫn chưa giải quyết được tranh chấp Hợp đồng EPC với nhà thầu MCC và các nhà thầu phụ.

Nhiều dự án khác nằm trong danh sách các đại dự án thua lỗ cũng đang ở thế cầm cự. Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi đã tiến hành sản xuất theo hợp đồng hợp tác gia công với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tạp phẩm (Tocontap) từ tháng 10/2018 đến tháng 4/2019 sản xuất ra 2.000 m3 ethanol đạt chất lượng.

Tuy nhiên, do việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn, giá sắn cao (5.500 - 5.700 đồng/kg) nên đối tác đã không thực hiện được kế hoạch sản xuất - kinh doanh trong năm 2019 và đã dừng hợp tác. Hiện nay, BSR-BF đang triển khai tìm kiếm đối tác khác theo quy định.

Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước đã hoàn thành công tác bảo dưỡng sửa chữa, sẵn sàng khởi động lại, tuy nhiên do diễn biến thị trường không thuận lợi nên các bên quyết định chưa vận hành lại nhà máy.

Với các dự án xây dựng dở dang, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã trình Bộ Công Thương phê duyệt kết quả để tiếp tục xây dựng phương án và tổ chức thực hiện bán đấu giá Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam theo quy định;

Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn do PV Oil không phải là cổ đông chính (chiếm 39,76%), các cổ đông ngoài ngành (chiếm 60,24%) không góp thêm vốn để tiếp tục triển khai Dự án.

Lần tìm lối ra

Với nhiều nỗ lực của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhằm tìm giải pháp gỡ khó cho các dự án, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất - kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến năm 2018 và 8 tháng 2019, đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi (Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng đã có lợi nhuận sau thuế đạt 7,2 tỷ đồng và Nhà máy Thép Việt - Trung có lợi nhuận sau thuế đạt 270,7 tỷ đồng.

Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng đang được xem xét để đưa ra khỏi danh sách các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương.

Tuy nhiên, do khó khăn của thị trường, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh giảm so với cùng kỳ năm 2018. 

Ba dự án còn đang thua lỗ đã từng bước khắc phục khó khăn, tiếp tục giảm được lỗ, nhưng do tình hình thị trường diễn biến khó khăn nên kết quả chưa bền vững.

So với năm 2017, năm 2018, Nhà máy Đạm Hà Bắc giảm lỗ 342 tỷ đồng; Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai giảm lỗ 208,8 tỷ đồng và Nhà máy Đạm Ninh Bình giảm lỗ 417,2 tỷ đồng.

So với cùng kỳ năm 2018, trong 8 tháng đầu năm 2019, Nhà máy Đạm Ninh Bình giảm lỗ 284,6 tỷ đồng nhưng Nhà máy Đạm Hà Bắc tăng lỗ 138,9 tỷ đồng, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai tăng lỗ 94,2 tỷ đồng, Công ty DQS lỗ 15,2 tỷ đồng (giảm lỗ 46,4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018).

Đối với 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất - kinh doanh, đến nay, đã có 1 dự án vận hành sản xuất trở lại, 2 dự án đã đủ điều kiện vận hành trở lại nhưng do thị trường khó khăn nên vẫn dừng sản xuất.

Cụ thể, Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ đã vận hành sản xuất 3 dây chuyền DTY từ ngày 20/4/2018 đến ngày 31/10/2018. Từ ngày 1/11/2018, Nhà máy chuyển sang thực hiện hợp đồng gia công sợi cho AST.

Tổng lượng sản phẩm Nhà máy sản xuất ra từ ngày 20/4/2018 đến ngày 31/8/2019 là 6.917 tấn sợi DTY; trong đó, lượng sản phẩm gia công cho AST là 5.409 tấn sợi DTY.

Từ ngày 8/5/2019, PVTEX đưa thêm 2 dây chuyền DTY vào hoạt động, nâng tổng số dây chuyền hoạt động lên 12 dây chuyền. Tuy nhiên, theo yêu cầu của đối tác, hiện nay, Nhà máy đã giảm xuống 7 dây chuyền sản xuất.

Tính đến nay, có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cung cấp tín dụng để thực hiện 12 dự án với tổng số dư cấp tín dụng đến thời điểm 30/6/2019 là 20.063 tỷ đồng (giảm 373 tỷ đồng so với thời điểm 31/3/2019).

Một số ngân hàng đã thu hồi nợ trung hạn đối với các khoản cho vay dự án Nhà máy Thép Lào Cai và mỏ sắt Quý Xa, Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc và DAP Lào Cai.

Trong đó, dư nợ cấp tín dụng trung dài hạn là 16.416 tỷ đồng (chiếm 82%, giảm 402 tỷ đồng so với thời điểm 31/3/2019), còn lại 3.650 tỷ đồng là cấp tín dụng ngắn hạn (chiếm 18%, tăng 29 tỷ đồng so với thời điểm ngày 31/3/2019).

Dù việc tái cơ cấu các dự án thua lỗ, dở dang khó khăn và phức tạp đến mức nào, theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, việc xử lý các dự án vẫn phải bảo đảm thực hiện theo đúng nguyên tắc của cơ chế thị trường; tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án.                       

Hoàng Hải

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục