Dốc sức để thoát danh sách đen
Trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhưng thua lỗ, thì hết năm 2018 đã có 2 nhà máy hoạt động bước đầu có lãi là Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng đã có lợi nhuận 195,55 tỷ đồng và Nhà máy Thép Việt - Trung có lợi nhuận 469 tỷ đồng.
Trong 2 tháng đầu năm 2019, Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng tiếp tục có lợi nhuận ước đạt 12,047 tỷ đồng đã giúp họ chính thức được đề nghị ra khỏi danh sách các dự án yếu kém, thua lỗ.
Cũng từng được hy vọng ra khỏi “danh sách đen”, nhưng do thị trường phôi thép diễn biến xấu từ năm 2019 trở lại đây, giá phôi thép giảm mạnh, các công trình xây dựng đình trệ trong thời gian nghỉ Tết, trong khi giá nguyên vật liệu vẫn duy trì ở mức rất cao, nên Công ty Thép Việt - Trung bị ảnh hưởng lớn.
Với các dự án khác, trong 2 tháng đầu năm 2019, Nhà máy Đạm Hà Bắc giảm lỗ 30,68 tỷ đồng; Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai giảm lỗ 10,135 tỷ đồng; Nhà máy Đạm Ninh Bình giảm lỗ 44,568 tỷ đồng so với cùng kỳ 2018.
Một điểm sáng nữa là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã xử lý dứt điểm tranh chấp pháp lý với nhà thầu EPC tại Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (PVTex) mà PVN không phải thanh toán các chi phí lên tới 23 triệu USD, tạo cơ sở để thực hiện định giá để tái cơ cấu.
Một dự án khác cũng của PVN là Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi đã vận hành lại từ ngày 14/10/2018 theo Hợp đồng hợp tác gia công với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tạp phẩm (Tocontap) và hiện đang lập hồ sơ nghiệm thu toàn bộ nhà máy.
Doanh nghiệp tìm trợ giúp
Chia sẻ thực tế tháo gỡ khó khăn của các nhà máy phân bón, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) cho hay, các doanh nghiệp trong danh sách đã tiết kiệm tối đa chi phí để dự án có hiệu quả hơn.
Đơn cử năm 2018, Dự án DAP số 1 đã tiết kiệm chi phí lên tới 98 tỷ đồng. Nếu đặt con số tiết kiệm đó bên cạnh lợi nhuận (195,55 tỷ đồng) có thể nhận thấy rõ những nỗ lực tự thân của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là tái cơ cấu các khoản vay.
Đơn cử tại Nhà máy Đạm Hà Bắc, chi phí tài chính gồm lãi vay đầu tư, vay ngắn hạn phải trả của năm 2018 là 820 tỷ đồng trong tổng doanh thu 3.078 tỷ đồng, nghĩa là chiếm tới gần 28%. Năm 2019, chi phí các khoản vay này là 870 tỷ đồng trên kế hoạch doanh thu là 3.100 tỷ đồng cũng khiến doanh nghiệp oằn lưng gánh.
“Nhà máy đã chạy tới 80 - 90% công suất thiết kế, định biên lao động chỉ bằng 70 - 80% thiết kế, lương dưới 7,5 triệu đồng/người/tháng, nhưng các khoản chi phí tài chính phải trả quá lớn nên rất khó khăn. Tính ra có những khoản vay của doanh nghiệp lãi suất là 10,78% cho vay đầu tư, chưa kể khi bị phạt thì lãi phạt nhân lên 150%, tức là chạm mức 15%/năm”, ông Cường nói và tha thiết đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét câu chuyện chi phí tài chính này để doanh nghiệp được tiếp thêm sức sống khi sản phẩm tốt và có sức cạnh tranh trên thị trường.
Câu chuyện Nhà máy Đạm Ninh Bình hiện đang hoạt động được là do khách hàng ứng trước tiền, còn ngân hàng đang cho vay theo kiểu doanh nghiệp “giả được 10 thì cho vay lại 9” - mà thực chất là đòi nợ cũng được Vinachem kêu cứu.
Cũng như Đạm Ninh Bình và Dự án Mở rộng Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, câu chuyện xử lý hợp đồng EPC với nhà thầu cũng đang khiến doanh nghiệp loay hoay.
“Không thể đàm phán được với nhà thầu MCC vì điều kiện tiên quyết của nhà thầu là phải tăng vốn đầu tư thêm 100 triệu USD để hoàn thành dứt điểm Dự án. Hiện nay, Tổng công ty Thép đang chờ ý kiến của Bộ Tư pháp về xử lý pháp lý”, ông Phúc nói.
Chia sẻ câu chuyện này, ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng cho rằng, phía Tổng công ty Thép phải tiếp tục làm rõ các vướng mắc với nhà thầu, cáo bạch rõ thực trạng của dự án để xử lý theo hướng có lợi hơn cho Tổng công ty.
Đối với Nhà máy Đạm Ninh Bình, hiện tư vấn luật đề xuất chưa khởi kiện nhà thầu EPC, mà tiếp tục đàm phán, tuy vậy, đại diện Bộ Tư pháp lại cho rằng, nhà thầu có nhiều vi phạm nên dù Vinachem có gặp hạn chế về nghĩa vụ tài chính nhưng không nhiều, nên có thể xem xét khởi kiện, nhất là khi Vinachem chưa trả hết tiền cho nhà thầu.
Liên quan đến Nhà máy Bột giấy Phương Nam đã 3 lần thông báo bán đấu giá mà vẫn không tìm được người mua, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã đề nghị xem xét phương án “bán bia kèm lạc” với cách thức cổ phần hoá cả Tổng công ty kèm Nhà máy. Theo hướng này, sẽ có thêm Nhà máy sản xuất giấy, đồng thời cải tạo sản xuất bột từ cây đay sang nguyên liệu đầu vào là keo và bạch đàn để nhà đầu tư có được dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh.
Căn cứ pháp luật hiện hành quy định về đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, xây dựng 5 nhóm tiêu chí cụ thể gồm:
- Về đầu tư: Dự án, doanh nghiệp đã hoàn thiện nhiệm vụ giải quyết dứt điểm các thủ tục quyết toán dự án hoàn thành, các vướng mắc, tranh chấp với nhà thầu trong hợp đồng EPC
- Về sản xuất - kinh doanh: Dự án, doanh nghiệp có kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định, có lãi từ 1 năm trở lên đồng thời phải có phương án sản xuất - kinh doanh ổn định và có lãi trong các năm tiếp theo
- Về tình hình tài chính: Dự án, doanh nghiệp không có nợ quá hạn (gồm gốc và lãi) liên tục trong thời gian tối thiểu 3 tháng tại các tổ chức tín dụng có quan hệ cho vay vốn đối với dự án, doanh nghiệp
- Chấp hành đầy đủ pháp luật về nghĩa vụ thuế và các khoản thu nộp ngân sách có liên quan khác
- Đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao trực tiếp trong kế hoạch hành động thực hiện Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương.