Đại dịch thúc đẩy nền kinh tế “không tiếp xúc”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo chuyên gia WB, bên cạnh những tác động tiêu cực, đại dịch Covid-19 cũng đem lại cơ hội đặc thù để hướng tới nền kinh tế “không tiếp xúc”…
Đại dịch thúc đẩy nền kinh tế “không tiếp xúc”

Từ câu chuyện thanh toán tại hiệu sách

8h tối tại quầy thanh toán của cửa hàng sách trên đường Hoàng Ðạo Thuý (Hà Nội), khá đông người đứng đợi thanh toán bởi một cụ già đang nhẫn nại thực hiện các thao tác trên điện thoại. 15 phút vẫn chưa thanh toán xong dù cụ vừa thực hiện các thao tác, vừa điện thoại cho người thân để hỗ trợ các bước.

Cửa hàng sách ngay lập tức mở một quầy thanh toán khác nhằm giải tỏa ách tắc để cô thu ngân tiếp tục chờ đợi vị khách hàng đặc biệt và sau 15 phút tiếp theo, việc thanh toán cũng đã hoàn tất.

Trong câu chuyện có ý phân trần, cụ kể: “Không phải tôi ham thanh toán qua ứng dụng để được giảm giá 10%, mà hôm rồi đi siêu thị, rõ ràng là ví cầm trong tay mà lúc ra thanh toán không thấy ví đâu. Siêu thị thì rộng và thời điểm đó cũng đông khách nên việc tìm kiếm sẽ khó khăn, với lại trong ví cũng không có quá nhiều tiền nên thôi, điện thoại cho người nhà ra thanh toán. Ðây cũng không phải là lần đầu bị mất nên tôi quyết định không mang tiền mặt trong người và sử dụng thanh toán qua điện thoại”.

Cụ nói chuyện tiếp: “Việc sử dụng các ứng dụng trong điện thoại quả là không dễ dàng đối với những người ‘cũ’ như tôi, dù được hướng dẫn cẩn thận và thao tác nhiều lần. Nhưng tôi quyết định sẽ tập dần cho quen, để việc gọi xe công nghệ hay thanh toán bằng điện thoại không còn là trở ngại nữa”.

Cách xử lý của khách hàng trên dù có thể vẫn là thiểu số, nhưng thực tế cho thấy, người tiêu dùng đã dần thay đổi trong hành vi thanh toán.

Có lẽ nắm bắt xu thế này nên số công ty công nghệ tài chính tại Việt Nam đã tăng từ 40 lên 150 trong 4 năm qua, theo Báo cáo về công nghệ tài chính và ngân hàng số đến năm 2025 tại châu Á-Thái Bình Dương của Công ty Công nghệ Backbase.

Số liệu được công bố bởi Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) tại hội thảo “Xã hội không tiền mặt, triển khai chính sách, hướng tới tương lai” được tổ chức vào giữa tháng 6 vừa qua cho biết, trong 4 tháng đầu năm, thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 189% về số lượng và 166,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

“Xu hướng thanh toán trong nền kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn”, một lãnh đạo cao cấp của Vụ Thanh toán nói.

Cũng tại hội thảo, ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank nói: “Cần làm sao để người dùng thấy được sự thuận tiện, lợi ích, an toàn… Chỉ khi người dân thấy được lợi ích, an toàn khi dùng thanh toán không tiền mặt thì sẽ hạn chế sử dụng phương thức cũ”.

Ðến thúc đẩy thanh toán không tiền mặt trong dân

Tuần qua, một sự kiện đáng chú ý trong làng tài chính công nghệ đó là Ví MoMo hợp tác với ứng dụng gọi xe công nghệ Be. Theo đó, các khách hàng của Be đã có thể chọn Ví MoMo làm phương thức thanh toán. 

Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch - đồng sáng lập Ví MoMo cho biết: “Chúng tôi đánh giá thị trường thanh toán lĩnh vực xe công nghệ rất rộng lớn, phục vụ được đông đảo khách hàng. Vì vậy, Ví MoMo nỗ lực tạo mọi điều kiện để người dùng có thể thanh toán trực tuyến mọi hoạt động 24/7, điển hình là việc đi lại hàng ngày, vốn là nhu cầu thuộc nhóm thường xuyên nhất của hầu hết người dùng”.

Sự hợp tác này bên cạnh mang lại những trải nghiệm dịch vụ tốt nhất cho người tiêu dùng, còn được nhìn nhận là một trong những dấu gạch nối cho hành trình thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân ở những lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội vốn đang thay đổi mạnh mẽ.

Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam Jacques Morisset nhận định, hai yếu tố căn bản giúp Việt Nam hướng tới nền kinh tế số đó là phần lớn người dân Việt Nam hiện nay (khoảng 90%, trong đó bao gồm cả người nghèo) đang sử dụng các thiết bị điện tử thông minh, tiếp cận Internet và Chính phủ đã làm rất tốt việc nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ viễn thông.

Nhìn vào lợi ích, chuyên gia WB cho biết, đó là thanh toán điện tử, thanh toán trực tuyến được đẩy mạnh. Ðặc biệt, với 2/3 người Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng, người dân giờ đây có thể “tự nhiên” dùng điện thoại để giao dịch tài chính hay tiết kiệm…

“Chính phủ đang tiến sát tới mục tiêu phát triển công nghệ số, tác động lớn đến tầng lớp người nghèo, mở cửa cho những giao dịch tài chính mới. Ví dụ, những người ở miền núi không cần phải đi đâu xa, có thể ngồi ngay tại chỗ để vay vốn. Ðây là bước chuyển lớn, tác động đến sự bất bình đẳng và số hóa có thể giúp giải quyết được tình trạng này”, chuyên gia WB nói.

Bên cạnh những tác động tiêu cực, ông Jacques Morisset cho biết thêm, đại dịch Covid-19 cũng đem lại cơ hội đặc thù để hướng tới nền kinh tế “không tiếp xúc” thông qua đẩy mạnh thanh toán công nghệ số, giáo dục trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa, chia sẻ dữ liệu số hóa, qua đó giúp đáp ứng nhu cầu đang tăng nhanh về dịch vụ có chất lượng của tầng lớp trung lưu trong nước.

Ðồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định, dịch vụ ngân hàng số và thanh toán không dùng tiền mặt đang và sẽ tăng nhanh trong bối cảnh đại dịch còn diễn biến phức tạp như hiện nay.

Báo cáo của Backbase cho biết, hoạt động thanh toán qua di động tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 400% vào năm 2025 và 25% số ngân hàng tại Việt Nam sẽ theo đuổi các nền tảng cốt lõi số hoá hiện đại.

Trong đó, 8 ngân hàng hàng đầu của Việt Nam sẽ tập trung hiện đại hoá cơ cấu hoạt động cốt lõi cùng các hệ thống thanh toán. Việc tự động hóa trong việc khởi tạo tài khoản được kỳ vọng sẽ giúp tăng 50% lượng tài khoản mới.

Do vậy, cũng dễ hiểu khi ông Nguyễn Bá Diệp tự tin Ví MoMo sẽ còn vươn xa hơn: “Việc có thêm Be trong hệ sinh thái góp phần hoàn thiện mảng vận tải công nghệ, du lịch - đi lại nhiều tiềm năng và sẽ được Ví MoMo tập trung khai thác trong những năm tới”.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục