Tại Việt Nam, tiền mặt đã có một lịch sử vận hành lâu đời, nên không dễ để thay đổi thói quen dùng tiền mặt trong người dân. Theo ông, đây có phải là thách thức lớn nhất của thanh toán không tiền mặt? Mastercard có giải pháp gì cho vấn đề này?
Tiền mặt vẫn đang được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới. 85% các giao dịch trên thế giới đang được thực hiện bằng tiền mặt.
Mọi người thường hay nhầm tưởng giao dịch bằng tiền mặt thì miễn phí, còn các hình thức thanh toán khác phải trả phí ngân hàng hoặc phí chuyển tiền. Trên thực tế, tiền mặt mang vô số chi phí ẩn cho các cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ, cả về tài chính và xã hội.
Ví dụ, tiền mặt đang khiến nhiều quốc gia thiệt hại không nhỏ bởi nó cho phép tồn tại nền kinh tế ngầm, bao gồm các hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền, bán thuốc và các hoạt động kinh doanh hợp pháp không báo cáo doanh thu để trốn thuế.
Theo nghiên cứu “Giảm thiểu kinh tế ngầm thông qua thanh toán điện tử” của Mastercard do EY thực hiện năm 2018, ước tính kinh tế ngầm ở Việt Nam chiếm tới 27,4% GDP trong năm 2016. Báo cáo cũng tiết lộ mối liên hệ rõ ràng giữa gia tăng sử dụng thanh toán điện tử và sự sụt giảm các hoạt động kinh tế ngầm.
Tiền mặt cũng tạo ra chi phí xã hội đáng kể, đặc biệt là với những người nghèo, những người không có tài khoản ngân hàng và không có lựa chọn nào khác ngoài việc sống bằng tiền mặt.
Việc không có tài khoản ngân hàng ngăn cản họ tham gia vào nền kinh tế và hệ thống tài chính kỹ thuật số với khả năng giúp tất cả mọi người xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn, hệ lụy là những đối tượng này ngày càng bị thiệt thòi. Điều này giải thích tại sao các chính phủ trên thế giới đang đưa tài chính toàn diện trở thành ưu tiên hàng đầu.
ông Safdar Khan, Chủ tịch phụ trách Các thị trường mới nổi khu vực Đông Nam Á của Mastercard.
Còn rất nhiều lý do khác khiến chính phủ các nước trên thế giới nhận ra sự cần thiết phải thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, việc chuyển dịch xã hội và nền kinh tế theo hướng không tiền mặt đòi hỏi việc thay đổi đồng thời các bộ phận khác của nền kinh tế.
Trở lại câu hỏi ban đầu, thay đổi thói quen của người tiêu dùng chỉ là một trong những thách thức. Chúng ta cần có sự hợp tác mạnh mẽ giữa chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ để cải thiện khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính chính thức, từ đó mang lại sự tăng trưởng toàn diện và trao quyền cho mọi người.
Những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã rất tích cực để thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển các giải pháp thanh toán kỹ thuật số, bao gồm thẻ, ví điện tử, ứng dụng di động và ngân hàng trực tuyến…
Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, nhiều sáng kiến thúc đẩy không dùng tiền mặt đã được thực hiện như trả lương qua thẻ đối với khu vực công và phúc lợi xã hội; thành lập NAPAS - tổ chức chuyển mạch đại diện cho Việt Nam; các sáng kiến nhằm thúc đẩy chính phủ điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt trong các dịch vụ công cộng; đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020…
Theo đó, chúng tôi tin rằng, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách dựa trên khuyến khích nhằm vận động nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp tiếp tục sử dụng và tích hợp thanh toán kỹ thuật số vào cuộc sống hàng ngày.
Đối với nhiều người tiêu dùng và các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, tiền mặt được ưu tiên hơn đơn giản vì họ không hiểu cách thức hoạt động của thanh toán kỹ thuật số, dẫn đến thiếu tự tin và tin tưởng đối với hình thức thanh toán mới.
Để khắc phục điều này, cần phải đẩy mạnh truyền thông tới người tiêu dùng về lý do và cách thức sử dụng thanh toán điện tử.
Mastercard cam kết phát triển song hành và tạo điều kiện cho sự phát triển của các thị trường như Việt Nam nhằm tạo ra một thế giới vượt lên trên tiền mặt. Chúng tôi mong muốn làm sâu sắc và mở rộng các sáng kiến và kinh nghiệm của Mastercard để tăng cường các dịch vụ phát hành, chấp nhận và hỗ trợ đề án không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Không chỉ thói quen sử dụng tiền mặt, mà các nền tảng thanh toán di động của các công ty Fintech cũng đang dần trở thành đối thủ ngày càng lớn của thanh toán qua thẻ và thanh toán trực tuyến. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Trong hơn một thập kỷ qua, Mastercard đã tích cực ủng hộ thế giới không tiền mặt. Để hoàn thành sứ mệnh này, Mastercard đã nỗ lực đổi mới hệ thống thanh toán di động, ví điện tử và giao dịch không tiếp xúc.
Các công ty công nghệ tài chính (Fintech) trên toàn cầu đang góp phần vào công cuộc chuyển đổi kỹ thuật số một cách nhanh chóng, giúp đời sống của con người thuận tiện hơn, từ đó thay đổi ngành thanh toán, mang đến các hình thức thanh toán mới cho người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp.
Do đó, thay vì né tránh, Mastercard tiếp cận và hỗ trợ các công ty Fintech, bởi chúng tôi thấy được bản thân mình khi là người tạo ra sự chuyển đổi này bằng cách cung cấp chuyên môn, công nghệ và sự kết nối, giúp các công ty này phát triển ở một tầm cao mới một cách nhanh chóng.
Vấn đề bảo mật và an toàn thanh toán thẻ là một trong những mối bận tâm hàng đầu của người dùng thẻ Việt Nam.
Mastercard cho biết sẽ mở rộng gắn kết kỹ thuật số với khách hàng hiện tại và các công ty Fintech mới, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về chiến lược này tại Việt Nam?
Các công ty Fintech đã rất nỗ lực trong việc thúc đẩy mục tiêu xã hội không tiền mặt không chỉ ở Việt Nam, mà còn trên toàn thế giới. Họ có những chuyên gia kỹ thuật có thể xác định các vấn đề và đưa ra các giải pháp thanh toán và tiếp cận tài chính. Tuy nhiên, các công ty này còn thiếu khả năng và nguồn lực cần thiết để mở rộng quy mô kinh doanh, phạm vi tiếp cận sản phẩm và giải pháp.
Đây là nơi các công ty như Mastercard thể hiện vai trò quan trọng của mình. Với chuyên môn toàn cầu, các công nghệ hiện có, mạng lưới đối tác rộng lớn và hàng thập kỷ đi tiên phong trong ngành, chúng tôi có các công ty Fintech đa dạng hóa các giải pháp công nghệ, thúc đẩy ranh giới thanh toán, giúp tạo ra một thế giới an toàn, bảo mật, hiệu quả và toàn diện hơn cho mọi người.
Việt Nam đã trở thành trung tâm công nghệ tài chính, với TP.HCM và Hà Nội là nơi sản sinh của các công ty Fintech và công ty công nghệ.
Đó là lý do tại sao chúng tôi đang tìm cách đưa ra các sáng kiến đặc biệt nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các công ty này, đặc biệt là các công ty quy mô nhỏ.
Gần đây, chúng tôi đã giới thiệu Mastercard StartPath với thị trường Việt Nam, một chương trình 6 tháng dành riêng cho các công ty khởi nghiệp thuộc giai đoạn sau, mang lại cơ hội mở rộng và đảm bảo đầu tư chiến lược.
Chúng tôi đang tích cực tìm cách hợp tác với các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech để giúp mở rộng quy mô và đưa công nghệ của các doanh nghiệp đến với kinh tế toàn cầu.
Ví dụ, theo một phần trong cam kết với chương trình Thách thức công nghệ tài chính tại Việt Nam (Fintech Challenge Vietnam) của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi đã đưa 2 công ty thắng cuộc của chương trình tham dự sự kiện Công nghệ tài chính Singapore, nơi họ có cơ hội kết nối với các nhà lãnh đạo và nhà cải cách từ khắp nơi trên thế giới để giới thiệu các giải pháp, công nghệ và kỹ năng của họ.
Vấn đề bảo mật và an toàn thanh toán thẻ là một trong những mối bận tâm hàng đầu của người dùng thẻ Việt Nam, Mastercard có những giải pháp gì để trấn an người dùng?
Việc gia tăng số lượt người mua hàng trực tuyến tại Việt Nam và ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia lĩnh vực thương mại điện tử khiến nhu cầu thanh toán trực quan, liền mạch và an toàn cũng tăng cao.
Các ngân hàng áp dụng cơ sở hạ tầng tiên tiến để đảm bảo an toàn cho thanh toán số có lợi thế cạnh tranh ngay lập tức. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang tích cực làm việc để xây dựng một nền kinh tế số và giảm thiểu rủi ro giao dịch, khuyến khích sự tham gia nhiều hơn vào thương mại điện tử thông qua các hình thức thanh toán đơn giản và an toàn hơn.
Thúc đẩy niềm tin vào thanh toán số là ưu tiên hàng đầu của Mastercard. Chúng tôi luôn đi đầu trong việc phát triển các sáng kiến về biện pháp bảo mật nhằm bảo vệ tất cả các đơn vị liên quan, chính phủ, ngân hàng, doanh nghiệp, người tiêu dùng… khỏi các hoạt động giao dịch gian lận.
Hiện nay, chúng tôi sử dụng một loạt công nghệ đảm bảo thanh toán an toàn ở mọi cấp độ của hệ sinh thái, thông qua cách tiếp cận nhiều lớp: phòng ngừa, xác minh danh tính và phát hiện.
Mastercard là nhà tiên phong triển khai công nghệ mã hóa chíp điện tử tiên tiến (EMV) và mã thông báo (Token). Trên toàn cầu, chúng tôi có 2,2 tỷ thẻ chip EMV không thể bị làm giả (khác với thẻ sọc từ) và 88% giao dịch trên toàn cầu của chúng tôi đã được thực hiện trên thẻ này.
Mới đây, chúng tôi đã ra mắt giải pháp kiểm tra danh tính Mastercard Identity Check, giải pháp xác thực thông tin trực tuyến nhanh hơn, liền mạch hơn, cải thiện hơn so với giải pháp SecureCode trước đây. Trên toàn cầu, chúng tôi đã ghi nhận tỷ lệ duyệt giao dịch tăng 13% - tỷ lệ duyệt của người tiêu dùng tăng đồng nghĩa với nhiều giao dịch thành công cho các đối tác.
Trên thực tế, giai đoạn 2016 - 2019, Mastercard đã ngăn chặn thành công gần 55 tỷ USD từ các cuộc tấn công mạng xảy ra với các đối tác của chúng tôi trên toàn cầu. Chúng tôi cũng đang ứng dụng công nghệ sinh trắc học trên thẻ ngân hàng, với thiết bị quét sinh trắc học ngay trên thẻ nhằm đảm bảo trải nghiệm tiêu dùng tốt nhất.
Mastercard cũng đã tăng cường khả năng an toàn và bảo mật thông qua việc mua lại các công ty công nghệ hàng đầu, bao gồm: NuData (năm 2017) - công ty công nghệ toàn cầu giúp các doanh nghiệp ngăn chặn gian lận trực tuyến và di động bằng cách sử dụng các chỉ số phiên và sinh trắc học; Brighterion (năm 2017) - công ty phần mềm hàng đầu về trí tuệ nhân tạo, mang lại trải nghiệm nâng cao và bảo mật cho khách hàng; Ethoca (năm 2019) - nền tảng hợp tác giữa các tổ chức sử dụng phương thức thanh toán trực tuyến để bán hàng hóa, dịch vụ và tổ chức tài chính cung cấp các loại thẻ thanh toán, giúp họ phát hiện và ngăn chặn gian lận kỹ thuật số siêu nhanh.
Đổi mới là trung tâm ADN của Mastercard. Chúng tôi đang có những bước tiến lớn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, sinh trắc học, Internet vạn vật… để tạo lợi thế cạnh tranh cho tất cả các đối tác của Mastercard.