Đại dịch Covid-19 và tiền lệ chưa từng có

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nền kinh tế chờ đợi Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, đủ lớn, kịp thời để có thể nhanh chóng thay đổi được tình thế và tạo ra một thời cơ phục hồi mạnh mẽ…
Trong quý III/2021, SCB đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi lãi vay, miễn giảm lãi, phí nhằm hỗ trợ các khách hàng ảnh hưởng dịch bệnh Trong quý III/2021, SCB đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi lãi vay, miễn giảm lãi, phí nhằm hỗ trợ các khách hàng ảnh hưởng dịch bệnh

Những con số buồn

Báo cáo “Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam, phát hiện chính từ điều tra doanh nghiệp năm 2020” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện cho biết, qua khảo sát 10.197 doanh nghiệp, trong đó có 8.633 doanh nghiệp tư nhân và 1.564 doanh nghiệp thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI) trong năm 2020, kết quả cho thấy: Có tới 87,2% doanh nghiệp cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực” do dịch, trong đó có 72,6% doanh nghiệp cho biết ảnh hưởng của dịch Covid-19 “phần lớn là tiêu cực” và 14,6% lựa chọn mức “hoàn toàn tiêu cực”, chỉ 11% doanh nghiệp cho biết không bị ảnh hưởng và gần 2% doanh nghiệp cho biết ảnh hưởng của dịch với doanh nghiệp họ ở mức “phần lớn tích cực” (1,3%) hoặc “hoàn toàn tích cực (0,5%).

Mọi việc vẫn chưa dừng lại ở đó, bởi tác động của đại dịch Covid-19 vẫn đang dai dẳng đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam. Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 10 tháng đầu năm 2021 là 97.089 doanh nghiệp, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 48.487 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm 49,9% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 16%; số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 34.994 doanh nghiệp, tăng 15,7% và có hơn 13.600 doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục giải thể, chấm dứt tồn tại, tăng 0,8%.

Một điểm đáng chú ý trong báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh là bên cạnh số doanh nghiệp có quy mô vốn thấp dưới 10 tỷ đồng chiếm đa số (91%), thì đợt rút lui khỏi thị trường này còn có cả những doanh nghiệp có quy mô vốn từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, doanh nghiệp có quy mô vốn từ 50-100 tỷ đồng có 415 doanh nghiệp rút lui (tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020) và quy mô trên 100 tỷ đồng có 261 doanh nghiệp rút lui (tăng 12%).

Cũng trong diễn biến có liên quan, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, có 96% doanh nghiệp gặp ít nhất một trong các vấn đề liên quan đến chuỗi giá trị như khó tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền hay đứt gãy chuỗi cung ứng và trong quá trình khôi phục sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp còn phải đối diện với khó khăn nội tại, đó là thiếu nguồn tài chính. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch Covid-19…

Thống kê cũng cho thấy, có tới 46% doanh nghiệp chỉ còn tiền để sản xuất trong 1-3 tháng tới, trong khi nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được các gói hỗ trợ tài khóa, gói chính sách tiền tệ, tín dụng, gói hỗ trợ an sinh... Qua đây, có thể thấy, đại dịch Covid-19 đặc biệt ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi những doanh nghiệp này thường dễ bị tổn thương do bộ đệm thanh khoản kém và khả năng tiếp cận tín dụng hạn chế.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, khủng hoảng y tế do đại dịch Covid-19 không phải là một cuộc khủng hoảng về cấu trúc (mất cân bằng cơ cấu kinh tế), mà là một tai hoạ bất ngờ nhưng tác động rất sâu rộng lên toàn bộ các hoạt động kinh tế và xã hội, phá vỡ toàn bộ chuỗi cung ứng sẵn có và chưa từng có tiền lệ trong kinh tế cận đại. Tuy nhiên, khủng hoảng kiểu này vì không mang tính cấu trúc nên quá trình phục hồi có thể nhanh hơn và không làm mất lòng tin thị trường trong dài hạn như một cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế.

“Do đó, nền kinh tế chờ đợi Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, đủ lớn, kịp thời để có thể nhanh chóng thay đổi được tình thế và tạo ra một thời cơ phục hồi mạnh mẽ. Trong tình huống lạc quan hơn, thậm chí, chúng ta có thể vượt trước được các nền kinh tế khác, nếu không có thể sẽ rơi vào tình trạng ‘đi trước, về sau’ và để lại những hậu quả không đáng có”, TS. Nghĩa nhấn mạnh.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thu hút hơn 5,6 triệu lao động, đóng góp khoảng 45% tổng sản phẩm trong nước (GDP) và 31% vào tổng thu ngân sách hàng năm.

Đồng hành, chia sẻ cùng vượt qua đại dịch

Trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, việc tập trung nguồn vốn ưu tiên cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa là mối quan tâm hàng đầu của cả nước và hệ thống ngân hàng với vai trò là cầu nối dẫn mạch nguồn vốn cũng không đứng ngoài cuộc. Theo đó, các ngân hàng đã tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, đơn giản hóa quy trình thủ tục, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới phục hồi sản xuất - kinh doanh…

Chẳng hạn, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến căng thẳng nhất, đặc biệt tại TP.HCM và các địa phương phía Nam, bên cạnh việc chủ động xây dựng phương án, đảm bảo cho hoạt động ngân hàng được an toàn, liên tục và thông suốt trong mọi tình huống, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng chung tay góp sức với khách hàng tháo gỡ khó khăn về tài chính, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất - kinh doanh.

Theo đó, trong quý III/2021 SCB tiếp tục triển khai nhiều chương trình ưu đãi lãi vay, miễn giảm lãi, phí nhằm hỗ trợ các khách hàng chịu ảnh hưởng dịch, các gói cho vay mới được triển khai dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức với mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,5 - 6,99%/năm; giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay trong 6 tháng đầu; giảm 50% phí chuyển khoản trong và ngoài hệ thống trên Internet Banking và giảm 10% phí thanh toán quốc tế…

SCB cũng đồng thời triển khai nhiều sản phẩm online nhằm khuyến khích khách hàng giao dịch trực tuyến nhiều hơn, cùng với nhiều tiện ích đi kèm. Khách hàng không cần trực tiếp đến điểm giao dịch vẫn có thể linh hoạt lựa chọn kỳ hạn cũng như hình thức đáo hạn sổ tiết kiệm tùy theo kế hoạch tài chính cá nhân, chủ động theo dõi, tra cứu thông tin tài khoản một cách dễ dàng thông qua các dịch vụ của SCB như “Thanh toán dư nợ thẻ online”, cùng các ưu đãi tăng cường cho sản phẩm “Tiết kiệm online”, “Tài khoản thanh toán S-Free/Lộc Phát”…

Bên cạnh đó, hỗ trợ khách hàng thực hiện các loại giao dịch qua email như tiền gửi (chuyển tiền, tiền gửi có kỳ hạn, chứng chỉ tiền gửi, chi hộ lương…), ngoại hối (bán ngoại tệ cho SCB), thanh toán quốc tế (LC nhập khẩu, nhờ thu nhập khẩu, chuyển tiền đi nước ngoài), tín dụng (bảo lãnh/cam kết tài trợ tín dụng)… Dịch vụ giao dịch qua email của SCB giúp khách hàng giao dịch nhanh chóng, an toàn và chính xác, đảm bảo xác thực, bảo mật, đồng thời tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, rất thuận tiện trong giao dịch đối với khách hàng ở xa.

Ngoài công tác chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, nhân viên Ngân hàng như tiêm phòng vắc-xin, test nhanh định kỳ, khử khuẩn cơ sở hạ tầng…, SCB còn thường xuyên quan tâm tình trạng sức khỏe, động viên thăm hỏi những cán bộ, nhân viên chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hỗ trợ “túi an sinh” cho cán bộ, nhân viên là F0. Cùng với ổn định hoạt động kinh doanh, chăm lo cho người lao động trong Ngân hàng, SCB đã có những đóng góp tích cực trong việc phòng chống dịch bệnh, cũng như hỗ trợ tốt nhất cho các hoàn cảnh gặp khó khăn do dịch.

Cụ thể, SCB đã đóng góp hơn 270 tỷ đồng cho hoạt động phòng chống dịch Covid-19 của các tổ chức, đơn vị, cũng như các hoạt động thiện nguyện ý nghĩa nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người gặp khó khăn do dịch bệnh. Trong đó, SCB ủng hộ số tiền 50 tỷ đồng vào Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM phối hợp tổ chức; trao tặng Bộ Y tế 20 xe xét nghiệm Covid-19 lưu động, TP. Hải Phòng 5 xe tiêm chủng cơ động, tỉnh Bình Thuận 1 xe xét nghiệm lưu động…

Hòa nhịp sống mới, mở đầu cho giai đoạn “bình thường mới”, ngày 6/10/2021 vừa qua, SCB đã chính thức kick-off dự án Đánh giá nội bộ về mức đủ vốn - ICAAP với sự tư vấn của Công ty PwC Việt Nam. Đây là dự án mang tính chiến lược nhằm giúp SCB quản trị tài chính tối ưu thông qua việc đảm bảo hài hòa giữa 3 yếu tố lợi nhuận, rủi ro và quản lý vốn theo thông lệ quốc tế.

“Dự báo trước mắt còn rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, nhiệm vụ trọng tâm của SCB là tiếp tục thực hiện ‘mục tiêu kép’ vừa phòng chống dịch hiệu quả, chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp, khách hàng vượt qua khó khăn, vừa phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh đặt ra”, lãnh đạo SCB chia sẻ.

An Hà

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục