Đại biểu Quốc hội truy trách nhiệm Bộ trưởng Trần Hồng Hà

(ĐTCK) Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội hôm nay (5/6), các đại biểu Quốc hội truy trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về nhiều nội dung “nóng”.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 5/6. Ảnh: Vnexpress Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 5/6. Ảnh: Vnexpress

Tạo cơ hội xin - cho gây bức xúc cho nhà đầu tư

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến - Vĩnh Phúc nêu vấn đề: quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh được thẩm định và Chính phủ phê duyệt có danh mục kèm theo trong Điều 58 Luật Đất đai, thì việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất lúa từ 10 hecta trở lên và trên 20 hecta đất rừng phòng hộ phải trình Thủ tướng để có văn bản chấp thuận, làm phát sinh nhiều thủ tục và chậm tiến độ đầu tư, tạo ra cơ hội xin – cho, gây bức xúc cho nhà đầu tư.

“Bộ trưởng cho biết Bộ có giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nêu trên, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư…”, ông Tiến chất vấn.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đúng là chúng ta có quy hoạch sử dụng đất đai toàn quốc, quy hoạch đất đai cấp tỉnh, cấp huyện. Sau đó, chúng ta có xây dựng cụ thể kế hoạch sử dụng đất đai cho đến cấp xã. Làm được điều đó, mọi chuyện lớn hơn 10 ha hay nhỏ hơn 10 hecta thì trong quy hoạch đã đưa ra được chỉ tiêu rồi. Tất nhiên, một tồn tại hiện nay của quy hoạch đất đai, đó là chỉ tiêu đưa ra định lượng chưa xác định được vị trí địa điểm.

“Như vậy, ở địa phương, trên cơ sở quy hoạch và chỉ tiêu Quốc hội và Thủ tướng đã phân bổ, các địa phương làm tốt, kịp thời và làm đúng thì câu chuyện 10 hecta hay bao nhiêu hecta thì rõ ràng. Tôi thấy Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ hoàn toàn có thể ủy quyền cho địa phương…”, Bộ trưởng nói.

Chưa hài lòng với câu trả lời, đại biểu Trần Văn Tiến đặt vấn đề: “Trả lời như vậy, tôi nghĩ Bộ trưởng và Chính phủ chưa mạnh dạn phân cấp và chưa tin tưởng vào cấp dưới. Tôi đề nghị Chính phủ và Bộ trưởng hãy tin tưởng vào cấp dưới và phân cấp mạnh cho cấp dưới. Sau này chúng ta hậu kiểm thì ai sai người đấy chịu trách nhiệm...”.

Tiếp lời đại biểu Tiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc này tiếp thu được vì phân cấp mạnh, nhưng theo quy định của pháp luật, luật cho phân cấp tới đâu thì chúng ta phân cấp tới đó, đề nghị Bộ trưởng tiếp thu.

“Tôi không có quyền nói đồng tình mà Quốc hội sẽ quyết định việc đó, vì trong Luật Đất đai quy định phân cấp như thế nào, nên chúng tôi sẽ tiếp thu để trong điều chỉnh Luật Đất đai sắp tới…”, Bộ trưởng Hà giải trình thêm.

Dân bức xúc vì quy hoạch “treo”

Một vấn đề “nóng” nữa được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn là tình trạng quy hoạch “treo” gây bức xúc cho người dân.

“Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn nhiều bất cập. Đặc biệt, việc xác định giá đất bồi thường cho người dân còn thấp so với thị trường, đây là yếu tố quyết định. Những bất cập này sẽ được giải quyết như thế nào? Những vụ nóng như Thủ Thiêm và tương tự Thủ Thiêm chứng tỏ người dân đã quá thiệt thòi, ai sẽ trả lại những thiệt thòi này cho họ? Bộ trưởng sẽ làm gì để giải quyết vấn đề quyền và lợi ích của người dân liên quan đến đất đai, đặc biệt là những vụ nóng như Thủ Thiêm...”, Đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong - Bến Tre chất vấn.

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh - TP Hà Nội nêu ý kiến: "Sau khi thu hồi đất của người dân, nhiều dự án trong nhiều năm không thấy triển khai hoặc triển khai kém hiệu quả gây bức xúc cho người dân bởi dân thì bị lấy đất, còn đất thì để hoang hóa gây lãng phí, thất thoát cho ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng... Vấn đề này Bộ trưởng đã chỉ đạo thế nào, trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu, Bộ trưởng đã có giải pháp gì, cần bao nhiêu thời gian để giải quyết?".

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, trước Luật Đất đai 2013, vấn đề các dự án “treo” hoàn toàn có thật. Thực tế hiện nay nhiều đô thị lớn vẫn đang còn. Nguyên nhân là do chúng ta chưa quy định về năng lực của nhà đầu tư, các chế tài để khẳng định năng lực, nếu trong trường hợp kiện thì sẽ có chế tài xử lý nào?

Theo Bộ trưởng, Luật Đất đai 2013 đã quy định rất rõ về điều kiện, năng lực và các cơ chế tài chính để ràng buộc trách nhiệm với doanh nghiệp. Vấn đề hiện nay chúng ta chưa xử lý được do liên quan chồng chéo của luật… Với các dự án không thực hiện đúng tiến độ, chúng ta quy định nếu quá 24 tháng thì thu hồi, nếu 24 tháng mà đã triển khai một số việc, thì lại cho kéo dài thêm 24 tháng.

Luật Đất đai 2003 thì nói thu hồi và không phải đền bù gì. Đây là một vấn đề bất cập bởi vì nhiều dự án, chủ dự án đã thế chấp mảnh đất này vào ngân hàng, khi chúng ta thu hồi thì sẽ vướng mắc giữa Luật Các tổ chức tín dụng với Luật Đất đai.

“Chúng ta cần phải giải quyết thực tế trên để tạo điều kiện cho các ngân hàng. Các ngân hàng gọi đây là tài sản và nếu họ tiếp tục khai thác, sử dụng đúng mục tiêu thì sẽ tranh thủ khai thác, còn nếu không thì họ có thể bán đấu giá để thu lại nguồn lực của Nhà nước. Ở đây còn có một chút vướng mắc của luật, nên trong thời gian sắp tới chúng tôi sẽ chỉnh sửa…”, ông Hà giải trình.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục