Đại biểu Quốc hội: Tránh phải điều chỉnh dự án vì lỗi thẩm định phòng cháy chữa cháy

(ĐTCK) Dự thảo Luật Phòng cháy chữa và Cứu nạn cứu hộ (PCCC &CNCH) đang trình Quốc hội và dự kiến được thông qua ngày 27/11 tới có quy định cơ quan công an thẩm định phương án thiết kế PCCC sau thiết kế của công trình, phương tiện giao thông thuộc diện phải bố trí thiết kế PCCC.
Đại biểu Hà Sỹ Huân (đoàn Bắc Kạn) phát biểu tại buổi thảo luận sáng 1/11

Đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định trên sẽ dẫn đến tình trạng nhiều công trình, phương tiện phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư, gây thêm hệ luỵ cho doanh nghiệp.

Nên thẩm định thiết kế PCCC từ khâu chuẩn bị dự án

Tại buổi thảo luận hội trường sáng 1/11 về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật PCCC &CNCH, đại biểu Hà Sỹ Huân (đoàn Bắc Kạn) phản ánh, dự thảo Luật có nội dung quy định, cơ quan Công an tổ chức thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của công trình, phương tiện giao thông thuộc diện phải thẩm định thiết kế phòng cháy, chữa cháy.

Theo quy định trên, cơ quan công an chỉ thẩm định thiết kế sau thiết kế cơ sở, không có bước cho ý kiến đối với giai đoạn chuẩn bị đầu tư, tức là giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

"Do vậy, sẽ xảy ra trường hợp phải điều chỉnh dự án hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư khi cơ quan công an có ý kiến thẩm định chưa đảm bảo được theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của PCCC", đại biểu Huân nêu vấn đề và nhấn mạnh, điều này sẽ làm ảnh hưởng phát sinh thêm thủ tục điều chỉnh, ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án.

Từ đó, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung thẩm định của cơ quan công an đối với bước chuẩn bị dự án; tức là bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án. Đồng thời, khi thẩm định công trình dự án chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng khi đối tượng thuộc thẩm định về PCCC.

Cũng góp ý cho nội dung thẩm định thiết kế PCCC, đại biểu Vũ Hồng Luyến (đoàn Hưng Yên) phản ánh, dự thảo Luật quy định, đối với các dự án thuộc diện phải thẩm định thiết kế PCCC thì thực hiện thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng theo Luật Xây dựng (sửa đổi) năm 2020.

Đại biểu Vũ Hồng Luyến (đoàn Hưng Yên)

Nội dung thẩm định về PCCC nếu không thuộc nội dung thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng thì cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có ý kiến hoặc thẩm định và duyệt theo quy định của pháp luật liên quan.

Nhằm đảm bảo thống nhất với Luật Xây dựng, hồ sơ thiết kế dự án đồng bộ và giảm thiểu tối đa thời gian, thủ tục cho các tổ chức, cá nhân thực hiện, đại biểu Luyến đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu và xem xét bổ sung trường hợp đối với báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng không thuộc diện phải thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng, chỉ quy định cơ quan công an tổ chức thẩm định nội dung quy định vào công trình thuộc báo cáo kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở để người quyết định đầu tư thẩm định, phê duyệt.

Đề nghị kiểm tra điều kiện PCCC 6 tháng/lần đối với nhà ở kết hợp kinh doanh

Tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội tại kỳ họp trước, dự thảo Luật lần này đã tách quy định về điều kiện PCCC đối với nhà ở riêng lẻ có kết hợp sản xuất kinh doanh, theo hướng yêu cầu cao hơn về điều kiện PCCC so với nhà ở riêng lẻ chỉ dùng để ở.

Theo đó, Điều 20 dự thảo Luật quy định: "Nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải bảo đảm không bố trí gian phòng ngủ trong khu vực sản xuất, kinh doanh".

Quy định này được cho là để siết quản lý loại hình nhà ở này, sau hàng loạt vụ cháy vừa rồi xảy ra tại các nhà ở có kinh doanh xe máy điện, kinh doanh thiết bị điện nước... như vụ cháy Trung Kính, Định Công Hạ hồi đầu năm 2024.

Tuy vậy, theo đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông), cần xem xét lại quy định này theo hướng khuyến khích hoặc nếu thực hiện phải có lộ trình phù hợp, vì chưa thực sự phù hợp với thực tiễn.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông)

Đại biểu cho rằng, điều kiện kinh tế của hộ kinh doanh không bố trí được nơi ở khác và thực tiễn các gian hàng, ki ốt ở chợ hiện nay không đủ diện tích để bố trí nơi mua bán và phân cách rõ ràng.

Ngoài ra, cần tính toán đến vấn đề trong thực tế để quy định cho phù hợp bởi nhiều cơ sở kinh doanh, đồng thời bố trí phòng ngủ, sinh hoạt của gia đình, người làm, công tác bảo vệ thường nghỉ trưa, nghỉ lại qua đêm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh...

"Cần đánh giá thêm về số lượng nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh trong cả nước không đáp ứng được quy định này để có hướng xử lý cho phù hợp", ông Mai đề nghị.

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Văn Yên (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) phản ánh, hiện nay, nhiều cơ sở không đáp ứng được tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy nhưng vẫn hoạt động hoặc chỉ khi có sự cố mới phát hiện ra các vi phạm.

Đại biểu Đỗ Văn Yên (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu)

"Tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung thêm quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải công khai kết quả kiểm tra PCCC hằng năm trên trang thông tin điện tử của cơ quan chức năng và tại cơ sở. Ngoài ra, bổ sung thêm điều khoản các cơ sở phải kiểm tra định kỳ 6 tháng/lần về tình trạng hoạt động của các hệ thống PCCC", đại biểu Yên nói.

Cũng góp ý cho nội dung này, đại biểu Vũ Hồng Luyến (đoàn Hưng Yên) đề nghị bổ sung quy định về phòng cháy đối với chung cư cao tầng. Do đây là những khu vực tập trung đông dân cư sinh sống, nguy cơ cháy nổ cao, nhiều chung cư cao tầng xây dựng từ lâu, trong quá trình sử dụng gây hư hỏng hoặc sửa chữa hệ thống kỹ thuật dẫn đến công tác ngăn cháy, chống cháy, cứu nạn, cứu hộ không còn đảm bảo.

Đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng)

Ở một góc tiếp cận khác, đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) đề nghị bổ sung quy định về trường hợp công trình nhà ở đã chuyển đổi công năng sang kết hợp kinh doanh, tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra, điển hình là các vụ cháy ở tại quán karaoke, dịch vụ vũ trường vào những năm trước.

Kiến nghị mỗi gia đình chủ động nguồn nước chữa cháy

Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên), các vụ cháy hiện nay hầu hết xảy ra tại các nhà trong ngõ nhỏ và các chung cư cao tầng (trong khi trang thiết bị xử lý cháy hiện nay chỉ lên được đến tầng 17).

Đại biểu thấy rằng chúng ta mới đang tiếp cận một nguồn nước chữa cháy từ các cụm chữa cháy và các ao, sông, hồ, tức là đang tiếp cận chữa cháy từ từ một phía từ dưới lên, trong khi đó lại chưa tiếp cận một nguồn rất quan trọng hầu hết các gia đình, các nhà chung cư đều có nguồn nước từ trên xuống.

Từ đó, ông Thành đề nghị có quy định tất cả các gia đình phải bố trí một trụ nước hoặc vị trí vòi nước thuận lợi để chữa cháy.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên)

Đồng quan điểm, đại biểu Đỗ Văn Yên (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) phản ánh, thực tế nhiều khu dân cư và khu công nghiệp còn thiếu các phương tiện chữa cháy cơ bản như trụ nước chữa cháy, thiết bị thoát hiểm hoặc thiết bị chữa cháy tự động.

Từ đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, làm rõ thêm các yêu cầu bắt buộc về bố trí các thiết bị, phương tiện chữa cháy, đặc biệt ở các khu dân cư và khu công nghiệp. Đề nghị bổ sung thêm một khoản quy định rõ ràng hơn về việc bắt buộc bố trí các phương tiện chữa cháy, xây dựng hạ tầng đồng bộ về phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư, khu công nghiệp ngay trong giai đoạn quy hoạch.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục