Khuyến nghị tăng cường chọn bỏ các điều kiện, thủ tục kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nền kinh tế đối diện một số thách thức như khu vực “kinh tế trong nước” vẫn chưa mạnh để hướng ra thị trường quốc tế nhiều hơn, các tỉnh/thành “đầu tàu kinh tế” tiếp tục chạy chậm lại…
Khuyến nghị tăng cường chọn bỏ các điều kiện, thủ tục kinh doanh

Ngày 1/11/2024, các nhà lãnh đạo và chuyên gia đại diện một số bộ, ngành Trung ương, doanh nghiệp và khối nghiên cứu tham gia Diễn đàn nhịp đập kinh tế Việt Nam (VEP) lần thứ tư và thảo luận về những điều chính chiến lược và chính sách của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và công nghệ đang thay đổi nhanh chóng cùng với những tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu.

Chia sẻ về thực trạng kinh tế Việt Nam năm 2024 và dự báo năm 2025, TS. Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng ban Ban Phân tích và dự báo kinh tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, kinh tế Việt Nam đang lấy lại đà tăng trưởng như giai đoạn trước đại dịch Covid-19 và giữ mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực các nước ASEAN.

Việt Nam giữ mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực các nước ASEAN

Việt Nam giữ mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực các nước ASEAN

Tuy nhiên, theo ông Thọ, nền kinh tế đối diện một số thách thức như khu vực “kinh tế trong nước” vẫn chưa mạnh để hướng ra thị trường quốc tế nhiều hơn; cơ cấu chuyển dịch theo hướng hiện đại nhưng chậm so với mong muốn (mục tiêu năm 2030 là nước thu nhập trung bình cao, tỷ trọng nông nghiệp từ 11,5% hiện nay xuống còn 7,1% năm 2060); các tỉnh/thành “đầu tàu kinh tế” tiếp tục chạy chậm lại… Do đó, để năm 2025 có kết quả tốt, cần những tiến bộ vượt bậc.

Các “đầu tàu” kinh tế như TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục “chạy” chậm lại. Đơn cử, với TP.HCM, tỷ lệ đóng góp vào GDP cả nước năm 2023 thấp hơn 2,5% so với năm 2015. Tương tự, Bà Rịa - Vũng Tàu có tỷ lệ đóng góp vào GDP cả nước năm 2023 thấp hơn 2,2% so với năm 2015.

Các tỉnh/thành “đầu tàu kinh tế” tiếp tục chạy chậm lại

Các tỉnh/thành “đầu tàu kinh tế” tiếp tục chạy chậm lại

Nhận định về triển vọng kinh tế năm 2025, ông Thọ cho biết, Việt Nam là nước có nền kinh tế hội nhập sâu rộng với toàn cầu, diễn biến của nền kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế Việt Nam 2025. Xu hướng thế giới năm 2025 sẽ liên quan nhiều đến địa chính trị, có thể vẫn bất ổn, khó lường, có phần phức tạp hơn, dẫn đến việc giao thương kinh tế với 5 đối tác lớn của Việt Nam sẽ có những thuận lợi và khó khăn đan xen.

“Năm 2025 chúng tôi cho rằng địa chính trị trên thế giới có sự bất ổn, nhiều diễn biến khó lường tuy nhiên tăng trưởng kinh tế toàn cầu được đánh giá sẽ khởi sắc hơn nhờ phục hồi của tăng trưởng thương mại và kiểm soát lạm phát tốt hơn”.

Khu vực doanh nghiệp sẽ khởi sắc vì các đơn hàng trong năm 2024 rất tốt so với năm 2023. Tuy nhiên, nếu số lượng doanh nghiệp bổ sung trong năm 2024 nhiều hơn sẽ giúp cho lực lượng doanh nghiệp trong nước mạnh và hùng hậu hơn. Trong năm tới, vốn khu vực nhà nước tiếp tục là điểm tựa nhằm duy trì sức mạnh của nền kinh tế sau Covid và thiên tai.

“Ở giai đoạn trước, cứ 100 doanh nghiệp tham gia vào thị trường thì có 50 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, như vậy còn 50 doanh nghiệp bổ sung cho năm tiếp theo. Năm 2024, cứ 100 doanh nghiệp vào thị trường thì có tới 89 doanh nghiệp rời khỏi, như vậy chỉ còn 11 doanh nghiệp tham gia vào năm tiếp theo”, ông Thọ phân tích.

Nhận định về thể chế, ông Thọ cho rằng, trong năm 2025, thể chế sẽ hoàn thiện, thông thoáng hơn, bởi nhiều luật đã được hoàn thiện. Năm 2024, có 29 luật xây dựng mới, so với con số 9 luật xây dựng mới năm 2023.

13 kiến nghị với Nhà nước

13 kiến nghị với Nhà nước

Kiến nghị một số giải pháp cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025, đại diện CIEM cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hai hướng với trọng tâm là cắt bỏ những điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính không cần thiết. Bên cạnh đó là định vị lại mục tiêu đến năm 2030 - 2040 để hoàn thiện thể chế một cách tốt nhất, hạn chế việc phải sửa đổi nhiều lần. Ngoài ra, cần có thêm các chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.

“Tăng cường tháo gỡ các rào cản khi xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã ban hành trong năm 2023 và 2024, với tinh thần tăng cường chọn bỏ các điều kiện, thủ tục kinh doanh để theo sát, theo đúng tín hiệu thị trường, vai trò của thị trường”, ông Thọ nhấn mạnh.

Nhấn mạnh sự quan trọng của thời điểm, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết: “Giai đoạn 2024 - 2025 là thời gian rất quan trọng, bước vào năm bản lề kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021- 2025. Có những mục tiêu đạt được hay không sẽ nằm ở ‘'điểm rơi’ trong 2 năm này. Và như vậy chắc chắn phải có rất nhiều cố gắng”.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục