Bất cập trong xử lý tài sản là vật chứng của các vụ án
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, sáng 9/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Thừa Thiên Huế) nhận định, thực tiễn thi hành pháp luật thấy rằng, Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định đầy đủ, cụ thể về trình tự, thủ tục và các hoạt động tố tụng trong từng giai đoạn. Đây là công cụ sắc bén, hiệu quả trong đấu tranh phòng chống tội phạm.
Tuy nhiên, một số quy định hiện nay về xử lý vật chứng còn nhiều vướng mắc, bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Theo đại biểu, nguyên nhân các quy phạm này chưa kịp điều chỉnh là tất yếu khách quan do tốc độ, quy mô phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế.
Đặc biệt, trong thời gian qua, quá trình đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã phát hiện, xử lý nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế có quy mô và tính chất đặc biệt lớn như vụ Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm), vụ FLC, AIC, Việt Á, Tân Hoàng Minh..., đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa nhiều bất động sản và tài sản có giá trị lên đến nhiều nghìn tỷ đồng.
"Trong khi đó, việc xử lý phải chờ thời gian tiến hành tố tụng đối với vụ việc, vụ án hàng năm trời, dẫn đến vật chứng, tài sản bị thu giữ bị đóng băng. Điều này có thể dẫn đến lãng phí nguồn lực, mất cơ hội kinh doanh, tài sản bị mất giá trị", ông Hải nêu.
Thậm chí, trong một số vụ án, quá trình xác minh, điều tra phát hiện có nhiều vụ việc cần thiết phải áp dụng biện pháp ngăn chặn người nắm giữ tài sản liên quan đến hành vi phạm tội có thể tẩu tán, chuyển nhượng tài sản đó, nhưng pháp luật không quy định biện pháp tạm ngừng giao dịch.
Đề nghị thí điểm tất cả các vụ án hình sự
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) cho biết, trong thực tiễn có rất nhiều vụ án lớn có tính chất phức tạp, thời gian điều tra kéo dài, có những vụ kéo dài từ 1-2 năm, thậm chí hơn; nhưng đến khi tòa án giải quyết thì vật chứng là nhà xưởng, thiết bị, máy móc, phương tiện hầu như bị hỏng, không thể sử dụng được và chỉ còn là đống sắt vụn, gây lãng phí và thiệt hại lớn cho các bên đương sự.
Đặc biệt, các vụ án liên quan đến việc cho vay của ngân hàng thương mại như vụ án Tân Hoàng Minh, bị cáo đã nộp và khắc phục số tiền hơn 8.000 tỷ đồng cho bị hại ngay sau khi khởi tố vụ án, đáng lẽ có thể trả ngay cho bị hại nhưng theo quy định thì số tiền trên phải gửi vào kho bạc.
|
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) |
Trong khi đó, thời hạn điều tra là 2 năm tòa án mới giải quyết, nghĩa là phải mất 2 năm nhà đầu tư (các bị hại) mới nhận được tiền bồi thường; điều này là vô lý, gây bức xúc và thiệt hại rất lớn cho bị hại vì đồng tiền không được lưu thông.
Hiện dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản nêu trên quy định áp dụng đối với một số vụ án tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng không nên chỉ gói gọn trong phạm vi như dự thảo, bởi lẽ, trong thực tiễn và thống kê hằng năm, số lượng những vụ án tham nhũng chiếm tỉ lệ rất nhỏ từ 10-15% so với các vụ án thông thường, trong khi đó, tang vật thu giữ, kê biên trong vụ án thông thường rất lớn.
"Nếu chỉ thí điểm trong lĩnh vực án tham nhũng thì chỉ đúng phần nào, không làm thay đổi thực trạng đã, đang tồn tại", vị đại biểu nói.
Bên cạnh đó, theo đại biểu, hiện nay, các kho chứa tang vật của cơ quan công an các tỉnh, thành phố rất quá tải, gây khó khăn, lãng phí cho việc trông coi, bảo quản.
Mục đích, ý nghĩa của việc thí điểm xử lý tang vật trong vụ án hình sự là giảm tối đa lãng phí và thiệt hại cho các bên đương sự khi tang vật bị kê biên, thu giữ". Do đó, đại biểu Chính đề nghị thí điểm tại tất cả các vụ án hình sự.
Về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) đồng tình với việc ban hành Nghị quyết để xử lý trước một bước đối với những tài sản kê biên, phong tỏa để đảm bảo quyền lợi cho công tác tư pháp cũng như đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Đối với đề xuất nộp tiền bảo đảm để nhận lại tài sản, theo ông Hoà, đây là điều rất cần thiết mà trước giờ không có.
Vị đại biểu cũng cho rằng nên mở rộng thêm đối tượng là người thân thiết, người quen có tiền bảo lãnh để nhận tài sản đem về bán, tiêu thụ hoặc sử dụng, không nhất thiết chỉ những đối tượng trong vụ án.
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa |
Tuy nhiên, theo ông Hoà, việc cho phép chuyển nhượng, mua bán tài sản này cần phải rất thận trọng, có định giá và nghiệm thu.
Thực tế, thời gian qua còn bất cập trong việc tạm ngừng giao dịch, đăng ký quyền chủ sở hữu, quyền tài sản.
Theo đại biểu, có những trường hợp sau khi phát hiện, vụ án mới bước đầu khởi tố, chưa có khởi tố bị can mà tài sản đã tiêu tan hết do người ta đã tẩu tán, mua bán, chuyển qua người này người kia, thậm chí chuyển sang nước ngoài.
"Tôi đề nghị có biện pháp để tài sản của Nhà nước không bị mất mát, tài sản của người dân không bị trôi đi cùng tội phạm", vị đại biểu đề nghị.