Đại biểu Quốc hội đề nghị cấp "sổ đỏ" cho di tích lịch sử văn hoá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cho rằng vấn đề chủ thể đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho di tích còn thiếu đồng bộ, thống nhất, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) đề xuất cấp sổ đỏ cho di tích lịch sử văn hoá.
Đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) Đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn)

Sáng 26/6, tiếp chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Dự kiến, dự án Luật này sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV vào tháng 10/2024.

Bên cạnh các ý kiến về chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá; đãi ngộ nghệ nhân; quyền sở hữu và các quyền liên quan tới di sản văn hóa; phân cấp, phân quyền trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản...; một số đại biểu có phát biểu đáng chú ý về khai thác giá trị kinh tế của di sản, giải quyết hài hoà mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhưng không cản trở các dự án đầu tư phát triển, không làm mất đi sinh kế của người dân...

Khai thác công viên địa chất vào phát triển du lịch

Đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định có liên quan đến việc quản lý, phát triển, bảo vệ và phát huy giá trị của loại hình công viên địa chất gắn với phát triển du lịch bền vững.

Lý do là hiện nay loại hình này đã và đang trong quá trình phát triển theo xu hướng chung của các nước trên thế giới, trong đó đều liên quan đến việc kết hợp phát huy giá trị của di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và di sản địa chất.

Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khi trả lời tại phiên chất vấn ngày 6/6 ]cũng đã nhấn mạnh phải phát huy các giá trị các công viên địa chất này thông qua việc xem xét các hình thức để phát triển du lịch, khám phá và nghiên cứu, đồng thời phải coi đây như một sản phẩm du lịch đặc biệt, hơn nữa là đề xuất những cơ chế để huy động sự tham gia của người dân, đào tạo cho người dân, đồng thời xây dựng, hình thành các sản phẩm du lịch mang tính chất độc đáo cho nhiều đối tượng tham gia.

Quyết định số 1590 của Thủ tướng Chính phủ năm 2014 đã đề cập đến quy hoạch mạng lưới công viên địa chất Việt Nam đến năm 2030, trong đó bao gồm quy hoạch mạng lưới 36 tỉnh, thành, trong đó có tỉnh Lạng Sơn.

Đại biểu thông tin, tỉnh Lạng Sơn vào cuối năm 2023 vừa qua cũng đã đệ trình UNESCO hồ sơ đề nghị công nhận Công viên địa chất toàn cầu, song đến nay cơ chế, chính sách cũng như khuôn khổ pháp lý vẫn còn đang thiếu.

"Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung một cách phù hợp đối với vấn đề nêu trên và từ đó góp phần phát triển du lịch, khám phá và nghiên cứu, thúc đẩy sự phát triển của mạng lưới công viên địa chất Việt Nam, tạo nguồn thu nhập và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng các địa phương", đại biểu đoàn Lạng Sơn nói.

Bên cạnh đó, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cân nhắc, bổ sung thêm quy định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích. Lý do vì hiện nay, theo đại biểu, vấn đề chủ thể đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích còn thiếu đồng bộ, thống nhất, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt đối với các di tích phân bố trải dài trên địa bàn rộng, liên xã, liên huyện hoặc liên tỉnh.

Quan tâm đến công viên địa chất, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, đây là thời điểm chúng ta cũng đang nghiên cứu để sửa Luật Địa chất và Khoáng sản. Trên thực tế Việt Nam có tài nguyên di sản địa chất vô cùng phong phú, 3 di sản được thế giới công nhận là Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Công viên địa chất non nước Cao Bằng và Công viên địa chất Đắk Nông.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp)
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp)

Ngoài ra, hiện nay Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh đã nộp hồ sơ lên UNESCO và đang trong thời gian để xem xét công nhận.

Bên cạnh đó, chúng ta có quần thể danh thắng Tràng An là di sản hỗn hợp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á và là một trong số ít 38 di sản hỗn hợp được UNESCO công nhận, có 2 di sản thiên nhiên được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới gồm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vịnh Hạ Long. Cả 3 di sản trên đều có giá trị về địa chất; do vậy đại biểu đề nghị quy định rõ hơn về loại hình này.

Bảo vệ di tích nhưng cần quan tâm lợi ích người dân, tránh xung đột pháp lý

Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) thống nhất quan điểm cho rằng cần phải quy định các biện pháp để bảo vệ khu vực 1 vùng lõi của di tích và khu vực 2 vùng đệm của di tích theo như dự thảo Luật. Tuy nhiên, đại biểu lưu ý, quy định các biện pháp bảo vệ nói trên có liên quan đến quy định tại các luật liên quan như Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Bộ luật Dân sự, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Ngân sách nhà nước...

Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam)

Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam)

"Do đó, ở mức độ bảo vệ thẩm quyền quản lý đối với các khu vực bảo vệ nên được quy định theo hướng vừa bảo vệ tối đa giá trị di tích, vừa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhu cầu chính đáng của người dân, nhất là đối với các khu di tích mà hiện nay đã có dân cư sinh sống, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, phù hợp, tránh xung đột pháp lý với các quy định pháp luật chuyên ngành", ông Phước nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) lưu ý, thực tiễn đã có tình trạng đất đai của người dân đã sử dụng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ lâu trước khi cơ quan có chức năng khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích.

Có những di tích được tọa lạc trên đất đai của người dân gắn với các sự kiện lịch sử, văn hóa hoặc gắn với thân thế, sự nghiệp của Anh hùng dân tộc, danh nhân, nhân vật lịch sử được phát lộ, công nhận sau thời gian dài người dân sử dụng đất đai, được công nhận quyền sử dụng đất.

Trong trường hợp này, việc bảo vệ di tích đã ít nhiều làm tác động đến quyền của người dân. Ngược lại, cũng có tình trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân chồng lấn với ranh giới đất của di tích làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ di tích.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát các nội dung có liên quan đến Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Quy hoạch và cân nhắc bổ sung, làm rõ các khoản nêu trên; trong đó, chú ý quy định về việc cập nhật phạm vi ranh giới các khu bảo vệ di tích đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định vào bản đồ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị để đảm bảo thống nhất và đồng bộ.

Đẩy mạnh phân cấp trong xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) cho hay, dự thảo Luật Di sản văn hoá đang quy định thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình (xây mới hoặc điều chỉnh chủ trương dự án chuyển tiếp) trong vùng lõi và vùng đệm của di sản văn hóa thế giới (bao gồm cả những dự án có quy mô nhỏ mang tính chất phục vụ, bảo đảm an sinh xã hội, phát huy các giá trị di sản cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương) đều thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình)

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình)

Bà Thanh cho rằng, nội dung quy định này khi triển khai thực hiện trong thực tiễn sẽ khó khăn, vì phần lớn các dự án đầu tư có quy mô nhỏ, nguồn vốn thấp. Việc quy định Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ làm tăng thủ tục hành chính và kéo dài thủ tục pháp lý.

Từ những vấn đề thực tiễn nêu trên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu để có những quy định phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính khả thi khi triển khai thi hành luật.

"Theo tôi, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng tăng cường phân cấp trong việc quản lý di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt và di sản thế giới nằm trong địa bàn địa phương. Các bộ, ngành trung ương và Chính phủ chỉ thẩm định, phê duyệt quy hoạch tổng thể, bảo quản, tu bổ di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt và di sản thế giới, còn phần nội dung thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án tu bổ phù hợp với quy hoạch thì nên phân cấp lại cho địa phương.

Đối với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh trong các khu vực dân cư tập trung, các dự án phát triển kinh tế - xã hội nằm trong quy hoạch chung, quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt không nằm trong khu vực bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt thì việc lập, điều chỉnh dự án, đề nghị giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được tổ chức thẩm định và phê duyệt nhằm tăng cường tính chủ động và trách nhiệm của địa phương", bà Thanh đề xuất.

Đồng quan điểm về nội dung này, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hoá) cũng đề nghị cần quy định đẩy mạnh việc phân cấp và giảm bớt các thủ tục hành chính theo hướng chỉ nên quy định việc lấy ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ 1 trước khi cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, còn khu vực bảo vệ 2 thì giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định, không phải xin ý kiến.

Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hoá)

Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hoá)

"Việc xây dựng các công trình kinh tế - xã hội ở khu vực bảo vệ 2 cũng nên giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định, không làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ và phát huy giá trị các di tích hay các công trình xây dựng nhà ở khu vực bảo vệ 2 để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với di tích cấp tỉnh cũng nên phân cấp giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định mà không phải xin ý kiến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch", ông Hải nói.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục