Chiều 5/6, tiếp chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV, Quốc hội bước vào phiên chất vấn đối với vị trưởng ngành cuối cùng của hoạt động chất vấn là Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng.
300 tỷ đồng hỗ trợ phát triển du lịch sau Covid vẫn nằm trong ngân hàng
Chất vấn tại hội trường, đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) nêu vấn đề: Sau đại dịch Covid-19, Quốc hội và Chính phủ rất quan tâm hỗ trợ ngành du lịch sớm phục hồi và phát triển, bằng chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, Chương trình phục hồi đã bố trí 300 tỷ đồng cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Tuy nhiên, cho đến nay số kinh phí này vẫn chỉ nằm trong tài khoản tiền gửi ngân hàng và số tiền lãi được dùng chi cho hoạt động thường xuyên và bộ máy hành chính quản lý quỹ.
"Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân chưa triển khai được nguồn kinh phí này và Bộ trưởng có biện pháp gì để khắc phục tình trạng trên?", đại biểu chất vấn.
Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) |
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, 300 tỷ đồng này không phải là quỹ để hỗ trợ phát triển du lịch mà theo Luật Du lịch, 300 tỷ này gọi là vốn điều lệ, được áp dụng theo Quyết định số 49.
Tại khoản 7 Điều 9 của Quyết định 49 do Thủ tướng ban hành, vốn điều lệ được bảo tồn, phát triển bằng cách gửi ngân hàng và bảo tồn nguồn vốn đó, phần lãi sẽ được chi dùng cho tổ chức bộ máy. Còn phần xúc tiến hoạt động du lịch do Chính phủ cấp thông qua các hoạt động, tỷ lệ phần trăm trong đóng góp của ngành du lịch qua phí, vé và được Nhà nước thu lại.
Số tiền 300 tỷ đồng đó, Bộ VHTTDL được nhận 2 lần, mỗi lần 150 tỷ đồng. Số tiền 150 tỷ nhận lần đầu đã gửi ngân hàng, số lãi chủ yếu chi cho công tác hành chính và bộ máy theo đúng Điều 9 Quyết định 49 của Thủ tướng, dưới sự kiểm soát của Kho bạc Nhà nước.
"Số tiền còn lại đang còn được lưu giữ ở Kho bạc và hiện nay chúng tôi đang chỉ đạo để củng cố, kiện toàn đội ngũ quỹ, tiếp tục đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền phối hợp để hình thành, trích lập các quỹ theo quy định, vì đây là một mô hình mới", ông Hùng cho biết.
Theo Tư lệnh ngành VHTTDL, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập, hai loại hình này rất khó trong hoạt động cho nên cũng có những vướng mắc.
Nhưng tinh thần chung là sẽ quyết liệt hơn, sắp xếp lại bộ máy, vận động lại. Nếu cần thiết sẽ báo cáo đánh giá tác động để xem xét sửa đổi Quyết định 49 của Thủ tướng về chức năng, nhiệm vụ và phê duyệt điều lệ hoạt động của quỹ này để đưa quỹ vào hoạt động, phục vụ tốt hơn nhiệm vụ xúc tiến quảng bá du lịch như trong quy định của điều luật về Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch mà Luật Du lịch Quốc hội đã thông qua.
Bộ máy vận hành của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch là "chưa được"
Tiếp theo ý kiến của đại biểu Trần Chí Cường, đại biểu Hoàng Ngọc Định (đoàn Hà Giang) đề nghị Bộ trưởng đánh giá rõ hơn hiệu quả hoạt động của quỹ và việc sử dụng nguồn vốn ngân sách đã cấp thì nhiệm vụ của quỹ có trùng với nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước hay không trong khi chưa sử dụng nguồn lực của quỹ mà các nhiệm vụ này vẫn được triển khai trên thực tế.
"Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi không triển khai nguồn vốn điều lệ và quan điểm của Bộ trưởng về việc có thu hồi nguồn vốn này hay không khi không đạt mục tiêu theo như Nghị quyết 43 đã đề ra?", ông Định chất vấn.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định (đoàn Hà Giang) |
Một đại biểu nữa cũng quan tâm đến Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch là ông Nguyễn Văn Thân (đại biểu đoàn Thái Bình). Dùng quyền tranh luận, ông Thân nói rằng, nếu giao quỹ này cho Bộ VHTTDL xong Bộ lại gửi vào ngân hàng thì rất lãng phí. Bởi vì như vậy lại phải chi cho ban quản lý quỹ.
"Tôi đề nghị việc này Bộ trưởng cũng đề nghị với Chính phủ là đã tin tưởng thì giao cho Bộ VHTTDL và Bộ thành lập Ban Quản lý quỹ với tinh thần là không được thất thoát tiền của công thì mới được. Nếu gửi vào ngân hàng thì đâu cũng là ngân sách của nhà nước, thà ta tính lãi suất ngân hàng ta chi luôn không cần phải ban quản lý quỹ mà giao luôn cho Văn phòng của Bộ Văn hóa đỡ mất tiền và đỡ phức tạp", đại biểu đề xuất.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) |
Trả lời hai đại biểu trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thông tin, Luật Du lịch có hiệu lực từ năm 2018, nhưng riêng Quỹ du lịch đến năm 2021 bắt đầu mới được xem xét để cấp chứ không phải cấp ngay được từ năm 2018.
Do đó cần phải hình thành tổ chức bộ máy Quỹ du lịch và phải có điều lệ hoạt động được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
"Tổ chức này như tôi báo cáo ban đầu, nó hoạt động theo mô hình vừa doanh nghiệp, vừa là đơn vị sự nghiệp công lập và trong thời gian qua chúng tôi thấy bộc lộ rất nhiều bất cập", Bộ trưởng thừa nhận.
Theo đó, Quỹ có 2 nguồn, nguồn 300 tỷ đồng này là nguồn vốn điều lệ và trong vốn điều lệ thì quy định là không phải đem ra để được chi cho hoạt động xúc tiến, chỉ cho phép gửi ở ngân hàng để lấy tiền lãi bổ sung cho các hoạt động. Tiền này chỉ được chi theo kiểm soát của Kho bạc là chi cho bộ máy, con người và tổ chức hoạt động.
Còn các hoạt động xúc tiến du lịch được trích 5 - 10% từ hoạt động du lịch mà Nhà nước thu được như phí, vé tham quan. Số tiền này Bộ VHTTDL nộp lên Bộ Tài chính để Bộ tài chính cân đối. Tùy theo từng năm, năm nào thu được nhiều Bộ Tài chính cấp nhiều, năm ít Bộ Tài chính cấp ít.
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn của Quốc hội chiều 5/6 (Ảnh: QH) |
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận là bộ máy vận hành của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch là "chưa được". Do đó, Bộ đã thay chủ tịch quỹ, thay giám đốc nhưng vẫn chưa ăn thua cho nên cũng tiếp tục phải thay tiếp.
"Mô hình Quỹ vẫn chưa hoạt động được, có tiền nhưng không tiêu được. Mà tiền cũng không phải nhiều, năm ngoái được khoảng 51 tỷ đồng và thực hiện 25 nhiệm vụ được phê duyệt mà tiêu cũng chưa xong", ông Hùng nói.
Ông Hùng cho biết thêm, năm nay được cấp 130 tỷ đồng nhưng đến giờ này chỉ mới tiêu được 37 tỷ. Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định, tiền không tiêu được cũng không bao giờ mất, vì vẫn nằm trong Bộ Tài chính và Bộ Tài chính không cho chuyển nguồn sang năm sau cho nên không có chuyện đi đâu cả.
Ngoài ra, Tư lệnh ngành VHTTDL cũng nêu một thực trạng, Bộ VHTTDL đang nỗ lực để tập trung xúc tiến quảng bá du lịch, nhưng Thông tư quy định vấn đề này của Bộ Tài chính "rất bó hẹp" về định mức từng khoản chi.
"Nếu đại biểu yêu cầu, chúng tôi sẽ có một báo cáo riêng, bây giờ tôi chỉ nói tổng thể như thế. Nhưng cũng xin báo cáo với đại biểu đến thời điểm này cũng chưa phát hiện ra tham ô, tham nhũng nên đại biểu cũng yên tâm. Còn cách điều hành của anh em có những chỗ này, chỗ khác chưa được thì chúng tôi đang chấn chỉnh để tập trung sử dụng cho tốt. Trước mắt phải tập trung để xúc tiến quảng bá cho có hiệu quả", ông Hùng nhấn mạnh.