Hà Nội phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 25/4, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức hội nghị Hà Nội - Điểm đến du lịch văn hóa, lịch sử. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024.
Ông Bùi Duy Quang, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Linh) Ông Bùi Duy Quang, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Linh)

Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Duy Quang, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội cho biết, Hà Nội là nơi hội tụ và hiện thân của văn hóa Việt Nam với những giá trị đặc sắc không nơi nào có được. Nơi đây có mật độ di tích lịch sử văn hóa hàng đầu cả nước với trên 6000 di tích đã được xếp hạng, trong đó có nhiều di sản đã được UNESCO xếp hạng như di sản văn hóa thế giới Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, di sản văn hóa phi vật thể Lễ Hội Gióng…

Bên cạnh đó, Hà Nội còn có trên 1.200 di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích quốc gia, nhiều di tích quốc gia đặc biệt hứa hẹn là điểm đến du lịch văn hóa lịch sử hàng đầu cả nước và khu vực Châu Á. Với những giá trị văn hóa, con người Hà Nội, Trong những năm qua, Hà Nội luôn được du khách quốc tế bình chọn bậc nhất trong tất cả các điểm đến du lịch của cả nước và có thể xứng tầm cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, sự giàu có về văn hóa của Hà Nội vẫn chưa được khai thác tương xứng, chưa làm hài lòng người Hà Nội cũng như du khách thập phương. Theo định hướng phát triển du lịch văn hóa trong chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam, có thể thấy những cơ hội mở ra đối với Hà Nội trong phát triển du lịch văn hóa là trọng tâm.

“Chính vì vậy, việc phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trong bối cảnh đất nước đang phát triển mạnh, đặc biệt là các giá trị di sản văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch ở các địa phương trong cả nước được coi là nhiệm vụ trọng tâm, vừa khai thác giá trị văn hóa đồng thời bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững ở các đại phương trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay", ông Bùi Duy Quang nhấn mạnh.

Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội nhận định, với những giá trị tinh túy và đặc sắc hội tụ văn hóa Việt, Hà Nội đang đón nhận những cơ hội trở thành điểm đến ưa chuộng của du khách trên phạm vi toàn cầu với những giá trị thăng hoa về văn hóa.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ về các phương hướng để xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử trên địa bàn TP. Hà Nội, áp dụng đổi mới sáng tạo nhằm phát triển tiềm năng du lịch, đồng thời thu hút sự quan tâm của thế hệ trẻ hiện nay đối với di sản văn hóa truyền thống…

Bàn về những giải pháp đổi mới, sáng tạo cho các sản phẩm du lịch Hà Nội nói chung, Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói riêng, ông Nguyễn Văn Tú, Phó giám đốc Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đưa ra các định hướng để xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám thành trung tâm, không gian văn hóa giáo dục, không gian văn hóa khoa học, điểm du lịch nổi tiếng, cao cấp của quốc gia, quốc tế qua việc tăng cường số lượng, chất lượng, đa dạng hoạt động, dịch vụ phục vụ du lịch.

Đồng thời, nghiên cứu sản phẩm mới để khai thác không gian di tích về đêm, áp dụng khoa học công nghệ để tạo sản phẩm, phục dựng các hoạt cảnh liên quan đến học hành, thi cử đỗ đạt xưa, như phục dựng lễ vinh quy bái tổ, lễ xướng danh, hay lớp học xưa…

Bên cạnh đó, để tập trung vào sự trải nghiệm của du khách, ông Nguyễn Trung Thành, Phó chủ tịch Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt sẽ ứng dụng công nghệ thực tế ảo để hỗ trợ xây dựng nên những tour du lịch thông minh, xây dựng kế hoạch truyền thông, không gian thực tế ảo để du khách được hòa mình vào điểm đến, được trực tiếp tương tác bằng mọi giác quan.

Ông Nguyễn Trung Thành, Phó chủ tịch Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt. (Ảnh: Nguyễn Linh)

Ông Nguyễn Trung Thành, Phó chủ tịch Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt. (Ảnh: Nguyễn Linh)

Tương tự, ông Lê Hồng Thái, Giám đốc Công ty lữ hành Hà Nội Tourist, Tổng công ty Du lịch Hà Nội đưa ra những ý tưởng trong việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khai thác những giá trị văn hóa lịch sử, các nghiên cứu về sản phẩm tham quan gắn với làng nghề truyền thống…

Cũng tại hội nghị, bà Phạm Diễm Hảo, Phó trưởng phòng Quy hoạch, Phát triển Tài nguyên Du lịch (Sở Du lịch Hà Nội) đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển du lịch văn hoá trong thời gian tới.

“Với những giá trị nổi trội và cơ bản về tài nguyên du lịch văn hoá trên nền 1.000 năm lịch sử của Thủ đô văn hiến, Hà Nội có đầy đủ điều kiện để phát triển hoạt động du lịch văn hoá chuyên nghiệp, hiện đại, nâng tầm thương hiệu trong nước và trên toàn thế giới.”, bà Hảo nhấn mạnh.

Du lịch văn hóa, lịch sử được xem là thế mạnh và cốt lõi của du lịch Hà Nội. Phát triển du lịch văn hóa cũng là một trong những nội dung quan trọng trong Kế hoạch của UBND Thành phố Hà Nội về đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc, phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.

Lễ khai mạc Chương trình Lễ hội Du Lịch Hà Nội 2024 sẽ bắt đầu từ 19 giờ ngày 26/4 tại Công viên Thống Nhất (Hai Bà Trưng, Hà Nội) với điểm nhấn là chương trình nghệ thuật được xây dựng công phu, hoành tráng, thể hiện sức sống mãnh liệt của Thủ đô ngàn năm tuổi.

Linh Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục