Đại biểu Lê Quân: Phải đẩy mạnh thoái vốn, ưu tiên dùng tiền cho đầu tư hạ tầng

Các ý kiến đóng góp của đại biểu quốc hội cho Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 cho rằng cần sử dụng nguồn lực cổ phần hóa, thoái vốn phục vụ kế hoạch tái cơ cấu.
Đại biểu góp ý kiến cho Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Đại biểu góp ý kiến cho Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Góp ý cho Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, Đại biểu Lê Quân (Hà Nội) nhận xét, Kế hoạch được chuẩn bị rất công phu, có sự tham gia của nhiều chuyên gia, có tính khoa học và thực tiễn cao, với nhiều điểm mới về tư duy, cách tiếp cận cũng như định hướng chính sách.

Đáng chú ý, trong Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế trình Quốc hội lần này, Chính phủ đã chú trọng phân định vai trò rõ ràng, đó là vai trò của chính sách ở nhà nước kiến tạo; vai trò của doanh nghiệp bao gồm các ngân hàng và thị trường tài chính, thị trường lao động chịu trách nhiệm tái cơ cấu. Kế hoạch cũng tập trung điều chỉnh phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực, bảo đảm nguồn lực cho nền kinh tế “chảy” theo tín hiệu thị trường; qua đó, tạo sự cạnh tranh công bằng và minh bạch.

"Để bảo đảm hiệu quả đồng vốn thu được, một mặt phải đẩy mạnh thoái vốn để tạo điều kiện cho vốn tư nhân thay thế, mặt khác Chính phủ nên ưu tiên dùng tiền đó cho đầu tư hạ tầng và phát triển nhân lực - một trong hai khâu trọng tâm đột phá trong nhiệm kỳ"

- Đại biểu Lê Quân (Đoàn Hà Nội).

Tuy nhiên, theo ông Quân, một trong những điểm chưa được của Kế hoạch là chưa phân tích đầy đủ về tác động của tái cơ cấu kinh tế với chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu thu nhập, rộng hơn là đời sống của người dân. Trong khi, đời sống và hạnh phúc của người dân mới là mục tiêu cao nhất của tái cơ cấu kinh tế. Kế hoạch cũng chưa đề cập tương xứng để trả lời câu hỏi đang đặt ra hiện nay: Làm thế nào huy động được nguồn lực trong dân để phát triển kinh tế?

Đại biểu này kiến nghị, “kịch bản” của Chính phủ đưa ra khi lựa chọn phương án tái cơ cấu phải tập trung 3 khâu để giải phóng nguồn lực trong dân.

Thứ nhất, cần mạnh dạn thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, chỉ giữ lại những doanh nghiệp thực sự cần thiết liên quan đến an ninh quốc phòng, bảo đảm an sinh phúc lợi. Việc thoái vốn sẽ giúp Nhà nước thế vốn nhà nước bằng vốn tư nhân. Hiện nay, nguồn vốn trong dân, trong ngân hàng nhiều nhưng thiếu cơ hội đầu tư. Do đó, để bảo đảm hiệu quả đồng vốn thu được, một mặt phải đẩy mạnh thoái vốn để tạo điều kiện cho vốn tư nhân thay thế, mặt khác Chính phủ nên ưu tiên dùng tiền đó cho đầu tư hạ tầng và phát triển nhân lực - một trong hai khâu trọng tâm đột phá trong nhiệm kỳ.

Hai là, cần đẩy mạnh hợp tác công tư. Trong Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế và Kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm tới còn rất mờ nhạt về giải pháp này, trong khi hợp tác công tư giúp nhanh chóng thu hút vốn xã hội vào cung ứng dịch vụ công.

Ba là, trong Đề án hiện đã mạnh dạn đánh giá các đơn vị sự nghiệp công lập và cũng tính đến giao tự chủ, đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Nhưng như vậy mới chỉ giải quyết được một phần.

Đại biểu đề nghị,  Chính phủ nên mạnh dạn đánh giá lại các đơn vị sự nghiệp. Theo đó, những đơn vị hoạt động tốt, có cơ chế quản lý tốt, có tiềm lực thì có thể giao tự chủ để phát triển và tiếp tục được đầu tư. Những đơn vị nào hoạt động chồng chéo chức năng, kém hiệu quả, nguồn thu dựa chủ yếu vào cho thuê tài sản công thì nên cổ phần hóa, thu hút các nhà đầu tư tư nhân và tạo điều kiện cho lĩnh vực tư nhân có cơ hội đầu tư, xuống vốn trong các khu vực này.

Còn Đại biểu Trần Anh Tuấn  (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng cần xác định rõ ngành, sản phẩm ưu tiên trong tái cơ cấu kinh tế. Cần làm rõ cơ sở để xác định 11 sản phẩm nông- lâm- thủy sản, 7 ngành dịch vụ, 13 ngành công nghiệp ưu tiên.. Từ đó, có thể chọn ra những nhóm ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có hiệu quả sản xuất cao, có tiềm năng phát triển trong giai đoạn tới cho nền kinh tế.

Theo đại biểu này, ngoài các nhóm ngành ưu tiên đã xác định trong kế hoạch tái cơ cấu, cần xem xét thêm một số ngành, sản phẩm ưu tiên như phát triển cây giống, con giống trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển ngành dịch vụ bảo hiểm trong khu vực dịch vụ, vì đây là những ngành có tiềm năng phát triển mạnh, có lợi thế so sánh ở một số địa phương.

Ngoài ra, kế hoạch tái cơ cấu kinh tế chưa cho thấy những nguồn lực đầu tư mạnh vào những ngành ưu tiên này thì tạo ra bước lan tỏa, phát triển cho những ngành khác như thế nào hay nhà nước cần tập trung vào khâu nào của quá trình sản xuất các sản phẩm nêu trên. 

Đối với vấn đề tái cơ cấu đầu tư công gắn với tiềm năng phát triển vùng và địa phương. Trên cơ sở các sản phẩm ưu tiên của từng vùng, địa phương đã xác định tập trung nguồn lực, phát triển cụm liên kết, chuỗi giá trị các sản phẩm ưu tiên được xác định nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong quá trình tái cấu trúc 3 khu vực kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi hình thành những tập đoàn lớn đủ mạnh, phát triển sản phẩm ưu tiên đã được xác lập.

Bên cạnh đó, việc sử dụng và phân bổ nguồn ngân sách từ cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước. Mặc dù cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch sang khu vực dân doanh, nhưng vấn đề tái cấu trúc thông qua các hình thức cổ phần hóa và thoái vốn trong doanh nghiệp nhà nước còn chậm, ảnh hưởng chung.

Nguồn vốn nhà nước cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp chưa được thể hiện rõ trong việc phân bổ và sử dụng nguồn lực. Trong thời gian tới, nguồn lực nhà nước cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp do địa phương quản lý cần được phân cấp cho địa phương để sử dụng, phân bổ và phát triển cơ sở hạ tầng, phục vụ tái cơ cấu kinh tế địa phương.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục