Tiếp chương trình kỳ họp thứ ba Quốc hội khoá XV, sáng 1/6, thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; “Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017”.
Một số đại biểu Quốc hội đã kiến nghị nhiều giải pháp làm lành mạnh hóa thị trường vốn để phục vụ nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó đáng lưu ý, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) kiến nghị cần tăng cường công khai, minh bạch thông tin thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp đến người dân. Định hướng cung cấp thông tin, trang bị kiến thức cho người dân trên lĩnh vực này, tránh việc người dân, nhà đầu tư tham gia không có thông tin được định hướng và tham gia theo hội chứng đám đông bị lợi dụng.
Theo bà Hạnh, thời gian gần đây, một số giao dịch trên thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp có những biểu hiện không lành mạnh, cá biệt đã có những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có hành vi thao túng, che giấu thông tin, trục lợi, gây bất ổn cho thị trường chứng khoán và đã làm thiệt hại đến những người tham gia đầu tư, phần nào đó làm ảnh hưởng đến an toàn tín dụng, an toàn của nền tài chính đất nước.
Vị đại biểu bày tỏ ghi nhận và đánh giá cao Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính trong thời gian qua đã triển khai rất nhiều biện pháp để làm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các cơ quan hữu quan đã có phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi thao túng và trục lợi thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu.
Tuy nhiên, cho rằng đây là một vấn đề mới và sức ảnh hưởng lan tỏa rất rộng, đại biểu Hạnh đề nghị tiếp tục giải quyết tình hình trên một cách triệt để. Theo đó, các bộ, ngành cần rà soát các quy định pháp luật về chứng khoán và việc phát hành cổ phiếu doanh nghiệp, quản lý chặt chẽ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thông qua sửa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các nghị định liên quan.
"Chúng tôi kiến nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên các lĩnh vực chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp", vị đại biểu đoàn Bình Định nói.
Bà Hạnh cũng lưu ý, cần có giải pháp phát triển cân đối thị trường vốn, thị trường tiền tệ, làm lành mạnh hóa thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ để vừa tạo điều kiện phát triển thị trường chứng khoán, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn thực hiện các dự án đầu tư phát triển doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi của những bên tham gia thị trường.
Đồng quan điểm, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) khuyến nghị, cần tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.
"Những vụ việc vừa qua cho thấy thị trường vốn của chúng ta rất mong manh và dễ bị thao túng, tác động can thiệp. Do đó, cần phải theo dõi, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi thao túng giá làm giá, thực hiện sai nghĩa vụ công bố thông tin, xử lý sai phạm", ông An nêu ý kiến.
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng thị trường vốn rất mong manh và dễ bị thao túng, can thiệp. |
Tuy nhiên, nhắc lại quan điểm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, vị đại biểu lưu ý, chúng ta không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Sai phạm đến đâu thì xử đến đó, trên nguyên tắc doanh nghiệp càng lớn thì trách nhiệm đối với xã hội và nền kinh tế càng phải cao.
Điều quan trọng nhất, theo vị đại biểu, cần rà soát chính sách quản lý đối với các loại thị trường quan trọng này để tránh tình trạng lúc quá mở, lúc lại bóp nghẹt làm ảnh hưởng đến các kênh dẫn vốn của nền kinh tế, dễ làm xảy ra những "quả bom" về trái phiếu doanh nghiệp, dẫn đến hiệu ứng domino trong thị trường vốn của chúng ta.
"Thời gian qua khi xảy ra tình trạng này, thị trường chứng khoán đã bốc hơi đến thời điểm này là 75 tỷ USD, đây là con số rất lớn. Đặc biệt, cũng cần quan tâm đến thị trường bất động sản để tránh xảy ra bong bóng bất động sản trong thời gian sắp tới", ông An nhấn mạnh.
Trong một diễn biến liên quan, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng nhiều lần đề xuất các giải pháp nhằm trang bị kiến thức đầu tư tài chính nói chung, kiến thức về thị trường vốn nói riêng cho người dân.
Ông Lực cho rằng, để thị trường vốn đi vào ổn định, phát triển lành mạnh và bền vững thì không thể không cải thiện chất lượng nhà đầu tư cá nhân (chiếm 99% lực lượng tham gia thị trường với 90% tổng giá trị giao dịch hiện nay).
Cải thiện chất lượng nhà đầu tư thì không gì bằng tăng cường giáo dục tài chính, chuẩn hóa tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp. Vị chuyên gia kiến nghị Chính phủ sớm có chương trình quốc gia về giáo dục tài chính.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đến nay, hệ thống tài chính và đặc biệt là hệ thống ngân hàng, chứng khoán tại Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Do vậy, một chương trình giáo dục tài chính là tối cần thiết vừa góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của chính các ngân hàng, tổ chức tài chính trung gian, đồng thời trang bị và cung cấp những kiến thức tài chính cơ bản cho dân cư và các tổ chức, phục vụ cho việc nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ cho mọi người dân Việt Nam và phát triển thị trường vốn bền vững.
Trước đó, sáng ngày 23, 24/5, Quốc hội đã nghe 2 báo cáo của Chính phủ và 2 báo cáo thẩm tra đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; và “Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017”.
Các nội dung nêu trên đã được thảo luận tại tổ vào ngày 25/5 và được Tổng thư ký Quốc hội tổng hợp, gửi đến các đại biểu Quốc hội, các cơ quan liên quan để nghiên cứu, tiếp thu.
Theo nghị trình, sáng mai (2/6), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về nội dung này. Sau đó, các thành viên Chính phủ sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.