Cáo trạng thể hiện, ngày 22/3/2010, Thường trực HĐQT ACB chủ trương ủy thác cá nhân gửi tiền tại các tổ chức tín dụng, để hưởng lãi suất vượt trần quy định của nhà nước. Huỳnh Thị Bảo Ngọc đã liên hệ với Huỳnh Thị Huyền Như thỏa thuận việc gửi tiết kiệm tại Vietinbank - Chi nhánh TP HCM.
Cả hai thỏa thuận, bên gửi hưởng lãi suất vượt trần từ 3,8 đến 4,5%/năm. Bản thân Ngọc sẽ được "hoa hồng" từ 0,1 đến 1,5%/ năm.
Từ ngày 21/7/2011 đến ngày 5/9/2011, Huỳnh Thị Bảo Ngọc đã tổ chức cho 17 nhân viên dưới quyền nhận gần 670 tỷ đồng của ACB ủy thác trái phép để gửi tiết kiệm. 32 hợp đồng tiết kiệm được mở giao dịch. Huyền Như đã phải trả lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng là hơn 10 tỷ đồng.
Theo truy tố, bị can Ngọc nhận gần 4 tỷ đồng do Huyền Như đưa cho. Còn toàn bộ số tiền trên của ACB đã bị Huyền Như chiếm đoạt.
Năm 2015, qua các cấp xét xử, bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như đã bị tuyên phạt tù chung thân, trong đó có hành vi chiếm đoạt số tiền của ACB.
Tại phiên phúc thẩm tháng 1/2015, TAND Tối cao tại TP HCM đã kiến nghị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố một số người giúp sức cho “siêu lừa” Huyền Như, trong đó có Huỳnh Thị Bảo Ngọc.
Liên quan đến việc ủy thác gửi tiền sai phạm trên, nhiều lãnh đạo của ACB đã bị tuyên phạt tù. Trong đó, Nguyễn Đức Kiên, (cựu phó chủ tịch ACB) lĩnh án 30 năm tù về 4 tội danh là Kinh doanh trái phép, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định và Trốn thuế.