Chiêu "ẵm" hơn 2.600 tỷ đồng của "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như

Không chỉ nhiều ngân hàng "sập bẫy" các chiêu lừa ngoạn mục của nữ quái Huỳnh Thị Huyền Như mà còn có đến 9 doanh nghiệp cùng ăn "quả đắng" khi bị nữ quái này giăng bẫy "ẵm" mất hơn 2.600 tỷ đồng.
Chiêu "ẵm" hơn 2.600 tỷ đồng của "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như

>> Những ngân hàng sập bẫy "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như

Tương tự thủ đoạn để "qua mặt" hàng loạt các ngân hàng, siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như vẫn dùng 8 con dấu doanh nghiệp và 2 con dấu chức danh giả làm công cụ chính đi lừa đảo các doanh nghiệp. Chỉ với 8 con dấu giả của: Ngân hàng Công thương chi nhánh Nhà Bè; Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư Phú Vinh; Công ty trách nhiệm hữu hạn Thịnh Phát; Công ty cổ phần đầu tư Hưng Yên; Công ty Đức Minh Quang; Công ty An Lộc; Công ty Bảo hiểm toàn cầu; Công ty Chứng khoán Sài Gòn Beja; hai con dấu chức danh giả của Võ Tuấn Anh - Phó giám đốc chi nhánh Ngân hàng Công thương Nhà Bè và Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc Ngân hàng Công thương Nhà Bè, Như đã "phù phép" ra hàng loạt các mánh khéo lừa đảo tinh vi.

Có con dấu giả, Như và đồng bọn đã trực tiếp dùng các hợp đồng giả và chữ ký giả huy động vốn từ các ngân hàng, doanh nghiệp, công ty chứng khoán để vay vốn với những lời mời hết sức hấp dẫn như: Ngoài lãi suất 14% theo quy định còn trả thêm ngoài hợp đồng 8 - 10%/năm. Nhiều doanh nghiệp đã theo nhau sập bẫy.

Với lòng tham lãi suất chênh lệch, các doanh nghiệp đều tin là Như dùng hợp đồng thật, con dấu thật. Vì vậy, họ đã gửi tài liệu xin mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Công thương, chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh để Như mở hộ. Chính điều này đã tạo điều kiện cho Như làm giả chữ ký chủ tài khoản ngay từ khi mở tài khoản. Tiền cho vay gửi vào tài khoản thanh toán của doanh nghiệp cho phép Như tự trích. Sau khi tất toán hợp đồng thì tự hủy; hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn được thế chấp vay vốn ở ngân hàng khác trừ Ngân hàng Công thương và chuyển tiền về những “địa chỉ” do Như sắp đặt.

Ngay sau khi nhận được tiền vay, Như chuyển tiền mặt và chuyển khoản trả sòng phẳng cho các cá nhân đã “tạo điều kiện” cho Như tại các ngân hàng, doanh nghiệp theo thỏa thuận. Khi tiền cho vay về tài khoản của doanh nghiệp, cá nhân tại Ngân hàng Công thương 2 chi nhánh Nhà bè và thành phố Hồ Chí Minh, Như không trích tiền đi đâu cả mà làm lệch chi tiền giả với con dấu giả, chữ ký giả của chủ tài khoản, chỉ đạo nhân viên dưới quyền chuyển tiền lòng vòng qua nhiều tài khoản trung gian rồi rút ra chiếm đoạt, trả nợ cho các khoản mà Như đã lừa đảo, chiếm đoạt trước đó. Bởi Như đã gần như kiểm soát hoàn toàn tài khoản của doanh nghiệp gửi tiền.

3 công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát và Công ty Hưng Yên bị Huỳnh Thị Huyền Như lừa "đau" nhất với số tiền bị mất lên tới xấp xỉ 1.600 tỷ đồng. Theo Cáo trạng của VKSND Tối cao, khoảng tháng 5/2011, thông qua Giang Quang Chính, nhân viên Ngân hàng TMCP Phương Đông giới thiệu qua nhiều vòng, Như tiếp cận được với 3 công ty trên. Như đã bàn bạc với Võ Anh Tuấn - Phó giám đốc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè rồi cùng ra Hà Nội đề nghị cung cấp danh sách các công ty có vốn cần gửi để huy động là Công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát và Công ty Hưng Yên.

Như cũng đã thống nhất được mức lãi suất với số tiền các công ty này gửi từ 18% đến 22%. Sau đó, Như yêu cầu 3 công ty trên cung cấp hồ sơ để Như làm thủ tục mở tài khoản tại Vietinbank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Khi đã có 3 bộ hồ sơ của 3 công ty, Như lấy mẫu dấu của 3 công ty rồi thuê khắc 3 con dấu giả. Cùng với việc giả chữ ký của lãnh đạo 3 công ty, Như đã liên tiếp ký giả lệnh chi, lệnh chuyển tiền.

Được sự giúp sức của một số cán bộ ngân hàng, từ tháng 5/2011 đến tháng 9/2011, Như đã làm giả 110 hợp đồng tiền gửi và phụ lục hợp đồng với 3 công ty. Như còn ký giả chữ ký của Hà Tuấn Anh, Giám đốc và Võ Anh Tuấn, Phó giám đốc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè để huy động của 3 công ty này gần 2.500 tỷ đồng. Sau khi số tiền của 3 công ty được chuyển vào tài khoản của họ được mở tại Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Như đã làm giả 127 lệnh chi, ký giả chữ ký của các giám đốc 3 công ty trên các lệnh chi đó chuyển tiền trả các khoản nợ Như vay từ trước.

Đến nay, Như đã trả được cho 3 công ty hơn 900 tỷ đồng và chiếm đoạt đến xấp xỉ 1.600 tỷ đồng của 3 công ty trên.

Tương tự, Công ty CP Bảo hiểm toàn cầu đã bị Huỳnh Thị Huyền Như lừa gọn mất 125 tỷ đồng. Cũng vào khoáng tháng 6/2011, thông qua Lê Huyền Trân giới thiệu, Như biết công ty này đang có nguồn tiền muốn gửi vào Vietinbank. Từ ngày 13/7/2011 đến ngày 13/9/2011, Như đã giả danh huy động vốn và ký với Vietinbank chi nhánh Nhà Bè 5 hợp đồng ủy thác đầu tư giữa Công ty CP Bảo hiểm toàn cầu với Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, ký giả 5 chữ ký của giám đốc, phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè rồi đóng dấu giả yêu cầu Công ty CP Bảo hiểm toàn cầu chuyển tiền vào tài khoản công ty này mở tại Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh.

Với thủ đoạn đó, Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm đoạt của Công ty CP Bảo hiểm toàn cầu 125 tỷ đồng.

Cùng thủ đoạn lừa đảo đó, Như đã chiếm đoạt thêm hàng trăm tỷ của các doanh nghiệp khác như: Công ty CP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương 80 tỷ đồng; Công ty CP CK Saigonbank-Berjaya (SBBS) 210 tỷ đồng; Công ty TNHH Zenplaza 45,5 tỷ đồng; Công ty CP Chứng khoán Phương Đông, Công ty CP Đầu tư An Lộc hơn 550 tỷ đồng...

Cáo trạng của VKSND Tối cao kết luận Huỳnh Thị Huyền Như đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt của 3 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân với số tiền xấp xỉ 4.000 tỷ đồng.

Như vậy, cùng với những thủ đoạn xảo quyệt của Như và đồng bọn thì chính lòng tham lãi suất chênh lệch đã khiến nhiều doanh nghiệp gửi hàng nghìn tỷ đồng vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP Hồ Chí Minh theo dụ dỗ của Huỳnh Thị Huyền Như dẫn đến hậu quả những doanh nghiệp này bị lừa mất trắng hàng nghìn tỷ đồng.


Dân trí

Tin cùng chuyên mục