Huỳnh Thị Huyền Như: “Bị cáo đã gian dối với đồng nghiệp“

(ĐTCK) Các hợp đồng cho vay có bảo đảm bằng thẻ tiết kiệm, dù chủ tài khoản không có mặt và ký bảo lãnh, nhưng nhân viên ngân hàng vẫn lập hồ sơ cho vay và giải ngân.
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như

Ngày xét xử phúc thẩm thứ 5 (19/12) vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, Chủ tọa xem xét vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Theo bản án cấp sơ thẩm, từ ngày 13/5/2011 đến tháng 10/2011, khi được bị cáo Như đặt vấn đề giải quyết cho khách hàng của Như vay tiền bằng hình thức thế chấp thẻ tiết kiệm gửi tiền tại Vietinbank Chi nhánh TP. HCM, nhưng khách hàng không có mặt do bận, đề nghị cho vay trước rồi bổ sung thủ tục hồ sơ sau, Đoàn Lê Du, cựu Trưởng Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng Vietinbank Chi nhánh TP. HCM đã chỉ đạo nhân viên phòng giao dịch lập 51 hồ sơ tín dụng cho vay đứng tên 16 cá nhân vay tổng cộng gần 240 tỷ đồng. Khoản vay được thế chấp bằng 37 thẻ tiết kiệm trị giá 246,85 tỷ đồng mang tên 12 cá nhân là nhân viên Ngân hàng ACB, Nam Việt có tiền gửi tại Vietinbank Chi nhánh TP. HCM.

Trong đó, chỉ có 6 cá nhân được Như nhờ đứng tên vay trên 13 khoản vay 70 tỷ đồng là có mặt tại Phòng giao dịch để ký trong hồ sơ tín dụng, còn lại đều không có mặt người vay, người có tài sản bảo lãnh để ký vào hồ sơ khi vay; sau khi giải ngân xong mới chuyển lại hồ sơ cho Như để bổ sung chữ ký.

Bị cáo Đoàn Lê Du kháng cáo, cho rằng, không cố ý phạm tội, nhưng xác nhận biết cái sai của mình là giải ngân nhưng không gặp khách hàng, trái với quy định của Ngân hàng.

“Do Huyền Như là đồng nghiệp, nên tạo lòng tin với bị cáo. Những khách hàng này đều là của Như”, bị cáo Du khai.

Tuy nhiên, khi bị thẩm phán đặt câu hỏi: “biết sai thì cố ý hay vô ý”?, bị cáo ngập ngừng: “dạ cố ý ạ”.

Trong khi đó, bị cáo Như cũng thừa nhận, những trường hợp Như cầm cố thẻ tiết kiệm của nhân viên ACB và Navibank tại Phòng giao dịch VietinBank Đinh Tiên Hoàng không đảm bảo quy định của ngân hàng này.

“Bị cáo đã gian dối với đồng nghiệp. Các đồng nghiệp đã tin tưởng bị cáo, nên mới bị dẫn đến hoàn cảnh này”, Huyền Như nói.

Ngoài Đoàn Lê Du, 15 bị cáo khác cùng phạm tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng có đơn kháng cáo. Đa số các bị cáo xin tòa phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Cụ thể, liên quan đến hành vi vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, bị cáo Nguyễn Thị Phúc Ngân, nguyên giao dịch viên Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng Chi nhánh VietinBank TP. HCM kháng cáo, đề nghị xem xét lại tội danh và giảm nhẹ hình phạt. Ngân khai rằng, bị cáo chỉ thực hiện theo chỉ đạo của Đoàn Lê Du.

Tương tự, bị cáo Huỳnh Trung Chí, nguyên nhân viên Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng cũng đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Bùi Ngọc Quyên, nguyên Phó Phòng giao dịch Điện Biên Phủ kháng cáo, xem xét lại tội danh và xin giảm nhẹ hình phạt.
HĐXX hỏi bị cáo Quyên: Nếu làm đúng theo quy định của VietinBank thì bị cáo Như có chiếm đoạt số tiền này không? Bị cáo Quyên khẳng định là không.
Đến phần thẩm vấn Vũ Nguyễn Xuân Tiên (SN 1975, nguyên Phó trưởng phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng), HĐXX hỏi Tiên có giúp sức cho Huyền Như phạm tội không? Bởi theo hồ sơ, Tiên là người ký hồ sơ tín dụng và ký giải ngân đối với 6 hồ sơ do Trần Thị Tố Quyên và Phan Văn Long đứng ra vay, với số tiền 33 tỷ đồng. Hậu quả là Huyền Như đã lừa đảo chiếm đoạt 33 tỷ đồng này. Tại tòa, bị cáo Xuân Tiên kêu oan và cho rằng, mình không phạm tội. HĐXX đã sử dụng hồ sơ gốc để đối chứng với lời khai của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm.

Trong khi đó, khi bị luật sư thẩm vấn về việc bị cáo làm giả bao nhiêu hồ sơ, số tiền phải bồi thường thiệt hại là bao nhiêu… thì Huyền Như đều nói tại tòa rằng: “Tôi không nhớ rõ”. Huyền Như xác nhận lời khai trong hồ sơ vụ án và số tiền phải bồi thường cho các bị hại mà tòa cấp sơ thẩm đã tuyên phạt.

phan hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục