Cựu Chủ tịch VEAM: "Cáo buộc không đúng với tôi"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Hội đồng thành viên (HĐTV) có trách nhiệm với kế hoạch tổng thể, lên kế hoạch, bảo toàn và phát triển vốn. Từng sự việc, lĩnh vực, có nơi lãi, nơi lỗ, ở cấp nào làm thì phải chịu trách nhiệm”, bị cáo Trần Ngọc Hà khai.
Bị cáo Hà. Bị cáo Hà.

Chiều 18/4, HĐXX thẩm vấn bị cáo Trần Ngọc Hà (cựu Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Máy và Động lực – VEAM) và 16 đồng phạm trong vụ án sai phạm xảy ra tại VEAM.

“Bảo lãnh là nghiệp vụ đặc biệt…”

Cáo trạng quy kết, bị cáo Trần Ngọc Hà liên quan đến 3 hành vi là bảo lãnh trái luật cho công ty con - Vetranco và thực hiện 2 dự án gây thiệt hại tổng cộng hơn 142 tỷ đồng. Bị cáo Hà phủ nhận toàn bộ cáo buộc trên và khẳng định “làm tròn trách nhiệm”.

Trả lời thẩm vấn, cựu Chủ tịch HĐTV cho biết, VEAM cổ phần hóa từ năm 2017, vốn nhà nước nắm giữ là 88,47% do Bộ Công thương đại diện. Ở doanh nghiệp có 2 hoạt động chính là đầu tư và sản xuất kinh doanh. Đối với hoạt động đầu tư, thẩm quyền thuộc về HĐTV. Pháp luật đã tách bạch thẩm quyền của HĐTV và tổng giám đốc.

Liên quan đến việc bảo lãnh trái luật cho Vetranco gây thiệt hại gần 76 tỷ đồng, cáo buộc cho rằng, với quyền hạn, trách nhiệm của Chủ tịch HĐTV, bị cáo Hà biết và buộc phải biết việc bảo lãnh thanh toán cho Vetranco của Lâm Chí Quang, Vũ Từ Công là vi phạm về tỷ lệ bảo lãnh vay vốn quy định tại Khoản 4, Điều 3, Thông tư số 117/2010/TT-BTC ngày 05/8/2010 của Bộ Tài chính và Quy chế tài chính của VEAM. Do đó, cáo trạng xác định bị cáo biết và tạo điều kiện cho Lâm Chí Quang, Vũ Từ Công thực hiện việc bảo lãnh, cho vay trái quy định gây thiệt hại cho VEAM gần 76 tỷ đồng.

Bị cáo Hà cho rằng, việc bảo lãnh thuộc thẩm quyền của Tổng giám đốc và không cần báo cáo HĐTV. Bản thân HĐTV không biết việc này.

“Cho đến ngày 11/9/2013, lần đầu tiên tôi được nghe về việc bảo lãnh và lập tức yêu cầu báo cáo. Ngày 17/9 tôi làm văn bản yêu cầu ngăn chặn ngay các phát sinh…

Từ năm 2011-2013, bị cáo Vũ Từ Công - Kế toán trưởng VEAM tham mưu, đề xuất, soạn thảo văn bản trình Lâm Chí Quang - Tổng giám đốc VEAM ký 5 chứng thư bảo lãnh thanh toán ngân hàng cho Vetranco vay tổng số 193 tỷ đồng

Bị cáo Lâm Chí Quang cho rằng thời điểm xảy ra sự việc, HĐTV, phòng kế toán và tổng giám đốc không ai nghĩ là vi phạm quy định hạn mức cho vay. Khi cơ quan điều tra chỉ ra Thông tư 117, chúng tôi nhìn lại mới biết sai.

Tôi cũng báo cáo là tôi không đủ điều kiện để biết việc này vì nghiệp vụ này không phát sinh trên BCTC. Người được phân công theo dõi cũng không biết vì không ai báo cáo. Sát sườn nhất như HĐQT của Vetranco cũng không biết. Cáo trạng nói tôi buộc phải biết là không phù hợp vì đây là thẩm quyền của tổng giám đốc”, bị cáo cũng cho rằng, theo quy định, tổng giám đốc được bảo lãnh trong hạn mức cỡ hơn 460 tỷ đồng.

“HĐTV có thẩm quyền đầu tư còn tổng giám đốc có quyền mua, bán, vay, cho vay, bảo lãnh… trong hạn mức quy định”, bị cáo Hà tiếp lời.

“Việc bảo lãnh gần 193 tỷ đồng, kéo dài gần 2 năm, lý do gì bị cáo nói là không biết?”, chủ tọa chất vấn. Bị cáo Hà đáp: “Chủ tịch HĐTV luôn rà soát các hoạt động của công ty nhưng trên các kênh thông tin từ báo cáo của ban điều hành… Còn nghiệp vụ này rất đặc biệt vì tổng giám đốc ký 1 tờ A4 gửi ngân hàng là xong, nên không phát sinh trên sổ sách.

Trả lời tòa, bị cáo Hà chỉ nhận trách nhiệm hành chính. “HĐTV có trách nhiệm với kế hoạch tổng thể, lên kế hoạch, bảo toàn và phát triển vốn. Từng sự việc, lĩnh vực, có nơi lãi, nơi lỗ, ở cấp nào làm thì phải chịu trách nhiệm”, bị cáo khai.

Bị cáo khẳng định làm tròn trách nhiệm

Theo cáo trạng, năm 2014, VEAM thực hiện dự án sản xuất máy kéo bốn bánh hạng trung tại KCN Bỉm Sơn, Thanh Hóa. HĐTV đã có nghị quyết, dự án có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án chưa có quyết định đầu tư nhưng VEAM đã giải ngân một số khoản, trong đó có ký hợp đồng mua li-xăng (quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp) với Công ty ISEKI không đúng quy định, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 56 tỷ đồng.

Ngoài ra, năm 2015, các bị cáo ký kết và thực hiện 2 thỏa thuận VEAM –ZIBO đầu tư phát triển xe ô tô tay lái bên phải khi chưa có Nghị quyết HĐTV, gây thất thoát 9,9 tỷ đồng.

Trước tòa, bị cáo Hà khẳng định đã thực hiện đúng và không có sai phạm trong 2 dự án trên.

“Hàng năm HĐTV ban hành kế hoạch sản xuất kinh doanh, doanh thu, xuất khẩu sản phẩm và thể hiện ở các con số. Tổng giám đốc phải chủ động thực hiện. Trong 30 năm hoạt động, HĐTV chưa ban hành nghị quyết nào quyết định phải sản xuất sản phẩm cụ thể nào. Hàng năm, tổng công ty phát triển hàng trăm sản phẩm mới dạng linh kiện, hàng chục sản phẩm mới dạng sản phẩm. Chính vì không thuộc thẩm quyền thành viên nên cáo buộc mang tính áp đặt”, bị cáo Hà nói về dự án đầu tư xe ô tô tay lái bên phải.

Bị cáo cũng giải thích, khoản đặt cọc 9,9 tỷ đồng cho thỏa thuận thương mại, không phải là đầu tư. Theo thỏa thuận, khoản tiền này không mất vì không quy định thời hạn. VEAM cũng đã tìm được đầu ra cho sản phẩm với đối tác ở Srilanka, Bangladest…

“Tôi là con người năng động, đam mê công việc, thấy có lợi thì làm. Kể cả thế hệ tiếp theo không làm những việc như thế thì nhà máy không tồn tại”, bị cáo Hà khai.

Bị cáo khẳng định làm tròn trách nhiệm: “Điều tra không phản ánh đúng thực chất vấn đề. Cáo buộc không đúng với tôi”.

Nhắc đến tài sản bị kê biên và phong tỏa gồm 2 nhà đất, 102.400 cổ phiếu VEA, 10.000 cổ phiếu FBC, bị cáo Hà cho biết, căn nhà ở phường Xuân La là do em gái nhờ đứng tên. Bị cáo đã chuyển giao cho em gái 20 năm nay. Còn cổ phiếu bị cáo mua từ thu nhập hợp pháp. Các tài sản trên thuộc về sở hữu gia đình.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục