Bí ẩn thương vụ VEAM -ZIBO

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Xác minh tại công ty, không có văn bản, tài liệu liên quan chủ trương phát triển xe tay lái bên phải nhưng VEAM ký hợp đồng với đối tác Trung Quốc dẫn đến thất thoát gần 10 tỷ đồng.
Ông Trần Ngọc Hà. Ảnh: Dân Việt Ông Trần Ngọc Hà. Ảnh: Dân Việt

Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa đề nghị truy tố đối với ông Trần Ngọc Hà (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – VEAM) cùng 16 bị can về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Sai phạm của những người này liên quan đến các hành vi bảo lãnh trái luật cho công ty con Vetranco, thực hiện đầu tư dự án sản xuất máy kéo bốn bánh hạng trung không đúng quy định.

Ngoài ra, các cựu lãnh đạo VEAM ký, thực hiện 2 thỏa thuận với đối tác Trung Quốc để phát triển xe ô tô tay lái bên phải xuất khẩu sang thị trường Srilanka không đúng quy định, gây thất thoát gần 10 tỷ đồng.

Thất thoát gần 10 tỷ đồng

Theo kết luận điều tra, vào ngày 21/10/2015, ông Bùi Quang Chuyện – khi đó là Chủ tịch HĐTV của VEAM ký quyết định cử cán bộ đi công tác Trung Quốc, có nội dung “đàm phán hợp tác phát triển dòng xe tay lái bên phải”.

Tại chuyến công tác, ngày 27/10/2015, ông Trần Ngọc Hà - Tổng giám đốc VEAM và Công ty TNHH sản xuất ô tô Shandong Tangjun Ouling, Trung Quốc (T-King) đã ký biên bản ghi nhớ. Sau đó, vào ngày 30/10/2015, VEAM có cuộc họp giao ban tháng 11/2015 của Tổng giám đốc có nội dung đẩy nhanh tiến độ để có được mẫu xe tay lái bên phải, lựa chọn mẫu xe của T-King.

Ngày 5/11/2015, ông Vũ Quang Tâm, Phó tổng giám đốc VEAM ký tờ trình số 133A và được ông Hà ký phê duyệt với nội dung đồng ý phát triển 2 mẫu xe ô tô tay lái bên phải.

Trên cơ sở tờ trình được phê duyệt, ông Tâm ký 2 thỏa thuận ngày 16/11/2015 và ngày 3/12/2015 thể hiện VEAM chuyển cho T-King 400.000 USD để đối tác nghiên cứu, phát triển các bộ linh kiện xe ô tô tay lái bên phải theo cấu hình do VEAM cung cấp.

Theo thỏa thuận, nếu VEAM nhập 2.000 bộ linh kiện thì T-King sẽ hoàn lại cho VEAM 200.000 USD. Thực hiện thỏa thuận, VEAM chuyển 400.000 USD vào tài khoản của T-King tại Ngân hàng Trung Quốc.

Sau khi ký thỏa thuận, VEAM giao cho Nhà máy ô tô VEAM thanh hóa (gọi tắt là VM) thực hiện chương trình phát triển sản phẩm xe ô tô tay lái bên phải để xuất khẩu sang thị trường Srilanka.

Đến năm 2016, VM nhập khẩu một số bộ linh kiện xe mẫu từ T-King nhưng khi liên hệ với đối tác Srilanka thì không nhận được hồi dẫn đến dự án không thể tiếp tục thực hiện.

Vào cuộc xác minh, cơ quan điều tra xác định dự án này không khả thi dẫn đến nhà nước thất thoát gần 10 tỷ đồng.

Ký thỏa thuận khi chưa có chủ trương, Nghị quyết HĐTV

Theo kết luận điều tra, tờ trình do ông Tâm trực tiếp ký trình ông Hà mà không có chữ ký hay ký nháy của các cá nhân ở phòng, ban chức năng khác.

Đặc biệt, qua xác minh, phòng thị trường kinh doanh VEAM không tham gia và không được giao bất cứ công việc gì liên quan đến quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện thỏa thuận VEAM-ZIBO.

Theo cơ quan điều tra, từ ngày 15-20/9/2015, VEAM cử đoàn công tác tham dự Hội nghị thường niên theo lời mời của Công ty Hikarie (Srilanca, đối tác truyền thống của công ty).

Ông Vũ Quang Tâm cung cấp bản photo biên bản ghi nhớ ngày 19/9/2015 với nhiều nội dung, trong đó có việc HIKARRI sẽ tiến hành nghiên cứu thị trường tại Srilanka và phối hợp cùng VEAM để tiêu thụ dòng xe ô tô tải nhẹ tay lái bên phải do VEAM Motor sản xuất.

Song xác minh tại VEAM không có bản chính của Biên bản ghi nhớ này. Tại VEAM cũng không có văn bản, tài liệu liên quan đến chủ trương, nghiên cứu, đánh giá thị trường xe ô tô tay lái bên phải tại Srilanka.

Đại diện VEAM cũng xác định, công ty có cử đoàn công tác đi Trung Quốc nhưng chưa chính thức có chủ trương phát triển xe tay lái bên phải, HĐTV không có nghị quyết về việc này. Trách nhiệm làm thất thoát gần 10 tỷ đồng thuộc về ông Tâm và ông Hà.

Theo đó, ông Hà quyết định chủ quan về sản phẩm và thị trường tiêu thụ mà không có trong kế hoạch sản xuất kinh doanh được duyệt, không có căn cứ chuyên môn. Còn ông Tâm ký các thỏa thuận là vượt thẩm quyền.

Tại cơ quan điều tra, ông Hà không thừa nhận sai phạm, cho rằng việc đàm phán, ký kết và thực hiện 2 thỏa thuận VEAM-ZIBO thuộc thẩm quyền của Tổng giám đốc.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục