Sau nhiều lần trả hồ sơ và tạm hoãn, ngày 22/12, TAND TP. Hà Nội xử phạt bị cáo Nguyễn Hoàng Long (SN 1972, ở quận Hai Bà Trưng, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Vina Megastar) mức án 12 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các bị cáo đồng phạm là giám đốc các công ty con của Megastar gồm Võ Tuấn Hưng (SN 1978) lĩnh án 8 năm tù; Lê Quỳnh Anh (SN 1975, vợ Long), Thái Quốc Trung (SN 1975), Lại Phú Chiến cùng lĩnh án 7 năm tù.
Nhóm cán bộ Ngân hàng SeAbank Chi nhánh Hai Bà Trưng gồm Nguyễn Trang Nhung (SN 1982, nguyên Phó giám đốc) lĩnh 4 năm tù; Nguyễn Văn Hoan (SN 1983, nguyên Trưởng phòng Quan hệ khách hàng), Nguyễn Anh Quang (SN 1987, chuyên viên) và Đỗ Tuấn Anh (SN 1989, chuyên viên) lĩnh án từ 24 tháng - 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Vụ án này xảy ra từ năm 2011. Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 8-12/2011, do cần tiền kinh doanh, Nguyễn Hoàng Long đã móc nối với giám đốc các doanh nghiệp thuộc CTCP Tập đoàn Vina Megastar và thông đồng với Nguyễn Thị Hương Giang, cựu Giám đốc Seabank Hai Bà Trưng làm giả hàng loạt hợp đồng mua bán sắt thép, hợp đồng cho thuê kho bãi và hợp đồng tín dụng…, để vay tiền ngân hàng.
Ban đầu, Ngân hàng tố cáo Long và đồng phạm tự ý bán hơn 5.102 kg sắt thép thành phẩm (là tài sản đảm bảo, trị giá 82,5 tỷ đồng) song không trả tiền vay ngân hàng.
Kết quả điều tra xác định các bị cáo chiếm đoạt số tiền 29,59 tỷ đồng. Nhưng quá trình xét xử thể hiện một số hợp đồng vay vốn bổ sung tài sản đảm bảo.
Vì lý do này, cơ quan tố tụng đã đình chỉ đối với 3 bị can, trong đó có bà Nguyễn Thị Sở (SN 1946, mẹ vợ Long, nguyên giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Bắc Việt). Số tiền thiệt hại giảm xuống còn 18,2 tỷ đồng. Theo quy kết mới đây, bị cáo Nguyễn Hoàng Long phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền 14,2 tỷ đồng.
Luật sư Nguyễn Quốc Khanh (bào chữa cho Long) cho rằng, bị cáo Long không dùng thủ đoạn gian dối để ngân hàng tin là thật.
Bởi lẽ, từ năm 2007, các công ty thuộc Megastar có quan hệ tín dụng với Seabank – chi nhánh Hai Bà Trưng và được cấp hạn mức thường xuyên là 150-250 tỷ đồng. Sản phẩm kinh doanh chính của công ty là sắt thép. Đến năm 2011, công ty làm ăn khó khăn, một phần do giá sắt thép xuống thấp, lãi suất vay lên cao (có thời điểm lên 25%/năm). Để giảm nợ xấu, Nguyễn Thị Hương Giang đã bàn bạc với Long làm hồ sơ đảo nợ. Thực tế, tiền chưa ra khỏi ngân hàng. Mặt khác, Tập đoàn Megastar đã trả lãi cho các hợp đồng khống là hơn 2,9 tỷ đồng. Về nguyên tắc, khi có hành vi phạm tội thì xác định tài sản gốc, không tính tiền lãi.
Tuy nhiên, theo HĐXX, lời khai trên không có căn cứ, vì bị can Nguyễn Thị Hương Giang đang bỏ trốn. Mặc khác, việc giảm trừ tiền lãi không làm thay đổi bản chất vụ án.
Hiện tại, SeAbank xác định Megastar đã khắc phục xong hậu quả vụ án.