Rủi ro pháp lý khi đảo nợ

(ĐTCK) Hiểu một cách đơn giản thì đảo nợ là việc thay một món nợ cũ thành một món nợ mới. Việc đảo nợ, theo pháp luật ngân hàng, tín dụng là bị cấm, nhưng thực tế vẫn diễn ra phổ biến, thường xuyên, bởi nó mang lại “lợi ích” cho cả phía ngân hàng và doanh nghiệp.
Dù đảo nợ bằng hình thức nào thì đều mang lại rủi ro cho doanh nghiệp Dù đảo nợ bằng hình thức nào thì đều mang lại rủi ro cho doanh nghiệp

Khi một doanh nghiệp vay nợ ngân hàng và không trả được nợ đúng hạn, điều này ảnh hưởng xấu đến cả ngân hàng và doanh nghiệp. Nếu khoản vay không được thu hồi nợ đúng thời hạn sẽ phải xếp vào nhóm nợ xấu, ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro, vốn khả dụng giảm, cho vay giảm, ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Khi đó, chắc chắn, những nhân sự ngân hàng có liên quan đến khoản nợ xấu sẽ bị quy trách nhiệm, tùy theo mức độ và quy mô của khoản nợ. Ở phía doanh nghiệp, khi có khoản nợ quá hạn tại một ngân hàng thì thông tin này sẽ hiển thị trên hệ thống thông tin tín dụng của ngành ngân hàng và việc xin cấp hạn mức tín dụng ở các ngân hàng khác sẽ rất khó khăn.

Để né tránh tác động xấu của khoản nợ quá hạn, cả doanh nghiệp và ngân hàng đều “vui lòng” cùng nhau đảo nợ dù việc này không được pháp luật cho phép. Nếu ngân hàng cho doanh nghiệp vay một khoản tiền rồi sau đó doanh nghiệp dùng khoản tiền để trả nợ thì sẽ bị cơ quan quản lý phát hiện ngay lập tức, vì thế, hai trường hợp dễ thấy nhất là doanh nghiệp sẽ dùng nguồn vốn khác (vay bên ngoài, tín dụng đen) để trả nợ cũ, sau đó ngân hàng cho vay mới bằng nợ cũ. Hoặc doanh nghiệp sẽ dùng một pháp nhân khác đứng tên vay tiền ngân hàng rồi chuyển tiền về để trả nợ ngân hàng.

Cả hai trường hợp đều mang lại rủi ro cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp sau khi trả nợ ngân hàng và không được ngân hàng cho vay mới thì sẽ rơi vào tình trạng bị lãi suất “chợ đen” đè sụp. Trên thực tế, đã từng có vụ án, chủ doanh nghiệp vay tiền tín dụng đen để đáo hạn ngân hàng với số tiền 4 tỷ đồng, nhưng sau đó lãi mẹ đẻ lãi con dẫn đến số tiền lên tới trên 20 tỷ đồng và khi không có khả năng chi trả thì bị tố cáo có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Với việc dùng pháp nhân khác để vay tiền ngân hàng, chủ doanh nghiệp cũng dễ rơi vào vòng lao lý. Đơn cử như trong vụ án tại Vina Megastar, diễn biến tại phiên tòa cho thấy, từ tháng 6/2010, Vina Megastar và các công ty có liên quan đã vay một ngân hàng gần 30 tỷ đồng. Khi món nợ này sắp đến hạn, Vina Megastar đã thông báo với ngân hàng là thu xếp được để trả nợ đúng hạn.

Theo lời khai của bị cáo Nguyễn Hoàng Long, nguyên Chủ tịch Vina Megastar thì chính giám đốc chi nhánh ngân hàng trên đã hướng dẫn bị cáo làm các hợp đồng mua bán hàng hóa, xuất hóa đơn giá trị gia tăng rồi chuyển cho ngân hàng làm thủ tục vay tiền, rồi dùng tiền vay mới trả nợ cũ cho ngân hàng.

Các bút lục vụ án cho thấy, các công ty con của Vina Megastar ký giấy nhận nợ cho khế ước mới và nhận tiền từ ngân hàng chuyển lòng vòng qua các công ty khác, rồi chuyển về trả nợ theo các khế ước cũ cho ngân hàng. Cuối cùng, ngay cả việc đảo nợ cũng không cứu được các khoản nợ của Vina Megastar thoát cảnh nợ xấu. Khi xem xét, xử lý các khoản nợ quá hạn, ngân hàng đã có đơn tố cáo các cá nhân liên quan có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Khi cơ quan điều tra xác minh thì các hợp đồng mua bán hàng hóa, các hóa đơn giá trị gia tăng được xác định là không có thật, chỉ là các giấy tờ khống đưa vào cho đủ thủ tục để ngân hàng giải ngân cho vay. Cũng vì thế, các bị cáo là chủ doanh nghiệp được xác định là có hành vi lừa dối hòng chiếm đoạt tài sản.

Luật sư Hoàng Văn Hướng (Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Hưng) cho rằng, rủi ro pháp lý là rủi ro lớn nhất và khó chống đỡ nhất đối với chủ doanh nghiệp khi quyết định tham gia vào việc đảo nợ. Mặc dù họ không lừa dối, cán bộ ngân hàng biết rõ hồ sơ tín dụng này được làm chỉ để cho doanh nghiệp vay lấy tiền trả nợ cũ, hành vi chiếm đoạt tài sản cũng không xảy ra, tiền cho vay lại quay trở về chính ngân hàng nhưng vẫn bị quy kết là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

“Nếu không có khả năng trả nợ thì hãy thẳng thắn chấp nhận tình trạng đó thay vì tham gia đảo nợ. Doanh nghiệp và ngân hàng cùng cân nhắc biện pháp giải quyết, có thể là xử lý tài sản bảo đảm, để đảm bảo lợi ích cho cả hai bên. Việc tham gia đảo nợ là rất nguy hiểm vì nó dẫn đến hậu quả pháp lý nặng nề, thậm chí là mức án chung thân nếu bị kết tội”, Luật sư Hoàng Văn Hướng cảnh báo.      

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục