Hướng ra nào cho khách hàng khi chủ đầu tư vướng vòng lao lý?

(ĐTCK) Vụ án lừa đảo tại Dự án Chung cư B5 Cầu Diễn mới đây không phải là trường hợp cá biệt trên thị trường bất động sản Hà Nội. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu có phương án nào để thu hồi số tiền mà khách hàng đã nộp cho chủ đầu tư?
Hàng trăm bị hại có mặt tại phiên xét xử Lê Hồng Bàng.
Ảnh: Hoàng Duy Hàng trăm bị hại có mặt tại phiên xét xử Lê Hồng Bàng. Ảnh: Hoàng Duy

Tiền thật mua nhà ảo

Như Đầu tư Bất động sản đã từng đề cập, thị trường bất động sản Hà Nội những ngày đầu năm 2015 rúng động bởi vụ việc bà Châu Thị Thu Nga, đại biểu Quốc hội khóa 13, Chủ tịch Công ty Housing Group, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) bắt tạm giam vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bà Nga và đối tác liên danh tại Dự án Chung cư B5 Cầu Diễn bị cáo buộc có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những người liên quan đã thu tiền góp vốn của người dân khi dự án xây dựng khu nhà CT5 và HH2 tại B5 Cầu Diễn chưa được cấp phép, mất khả năng thanh toán số tiền gần 500 tỷ đồng (riêng Housing Group thu 377,2 tỷ đồng).

Dự án Chung cư B5 Cầu Diễn không phải là trường hợp cá biệt trên thị trường bất động sản Hà Nội về việc cả khách hàng lẫn chủ đầu tư bị “sa lầy” bởi những toan tính vượt xa so với thực lực của chủ đầu tư.            

Trong đơn kiến nghị gửi Đầu tư Bất động sản mới đây, bà Nguyễn Thị Hương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, năm 2010, bà đã góp 400 triệu đồng vào Dự án văn phòng - trung tâm thương mại - căn hộ cao cấp Vinhhung Dominium (409 Lĩnh Nam, Hai Bà Trưng, Hà Nội) do Công ty Kinh doanh nhà Vĩnh Hưng - một công ty con của CTCP Tập đoàn Vina Megastar làm chủ đầu tư.                

Từ năm 2010 đến 2013, Vina Megastar đã nhiều lần hứa hẹn khởi công xây dựng dự án và huy động của nhiều khách hàng với số tiền lên đến 140 tỷ đồng. Đến giữa năm 2013, Chủ tịch Tập đoàn Vina Megastar, ông Nguyễn Hoàng Long bị bắt vì tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, dự án này (cũng như nhiều dự án khác của Vina Megastar) rơi vào bế tắc. Các khoản nợ của chủ đầu tư đến nay hoàn toàn phó mặc cho khách hàng góp vốn vào dự án.

Tương tự trường hợp của Vina Megastar, cuối năm 2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra C46 Bộ Công an đã tiến hành bắt khẩn cấp ông Nguyễn Văn Tuẫn, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội - chủ đầu tư Dự án Khu chung cư cao tầng B5 Cầu Diễn (huyện Từ Liêm, Hà Nội). Ông Tuẫn bị khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng về hành vi cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với tổng số tiền huy động từ khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp hơn 100 tỷ đồng. Đến nay, chưa có khách hàng nào đòi lại được vốn góp vào dự án này trong khi việc xây dựng dự án hoàn toàn đình trệ.

Hiện tại, chưa có một thống kê đầy đủ từ phía cơ quan chức năng TP. Hà Nội về các dự án bất động sản chậm tiến độ cũng như số tiền các chủ đầu tư đã thu của khách hàng. Những dự án được dư luận biết đến và được cơ quan chức năng thụ lý hồ sơ chờ xử lý như: Vinhhung Dominium, Hesco Văn Quán hay B5 Cầu Diễn… có thể chỉ là một phần nhỏ của bức tranh hiện thực. Những kế hoạch giải cứu dự án vẫn dừng lại ở trên lý thuyết, trong khi nguy cơ mất vốn của khách hàng là hết sức rõ ràng. 

Đòi lại vốn góp cách nào?

Theo ông Nguyễn Hồng Chương, một khách hàng góp vốn vào Dự án Chung cư B5 Cầu Diễn thì việc bà Nga bị bắt là kết cục không có gì bất ngờ với những kẻ làm ăn chụp giật. Tuy nhiên, điều mà khách hàng băn khoăn là tiền đã góp vào những dự án như Dự án B5 Cầu Diễn có được trả lại không? Trả như thế nào? Nếu có nhà đầu tư khác vào xây dựng thành công dự án này thì quyền lợi mua căn hộ của khách hàng sẽ được đảm bảo ra sao?  

Theo luật sư Lê Việt Hà, Giám đốc Công ty luật hợp danh Vinh Đức, nếu Tòa án kết tội bà Nga phạm tội lừa đảo, thì ngoài hình phạt tù, bị cáo phải trả lại tài sản cho người bị hại.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Hình sự “Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi”, khoản 1 quy định: “Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sữa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra”.

Biện pháp để buộc bị cáo trả lại tiền cho người bị hại được quy định tại Điều 41 Bộ luật Hình sự “Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm”. Theo đó, cơ quan thi hành pháp luật sẽ kê biên vật, tiền liên quan đến tội phạm trả cho người bị hại: “Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp”. Như vậy, theo quy định của pháp luật thì người bị hại sẽ được hoàn trả số tiền bị chiếm đoạt.                

Tuy nhiên, như thực tế những vụ án lừa đảo mua nhà gần đây thì hầu hết phần thi hành nghĩa vụ dân sự này rất khó thực hiện, phần thiệt luôn thuộc về khách hàng. Thực tế, vụ án “siêu lừa” Lê Hồng Bàng và đồng bọn lập các dự án “ma” tại xã Minh Khai, huyện Từ Liêm (Hà Nội) rồi huy động vốn cho thấy điều này. 

Trong 4 tháng đầu năm 2009, Bàng đã ký 758 hợp đồng nhận vốn góp từ 397 người để thu về hơn 347 tỷ đồng. Khi hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị phanh phui, Bàng mới chỉ trả lại hơn 63 tỷ đồng cho 82 người. Số tiền Bàng cùng đồng bọn còn chiếm đoạt tới hơn 283 tỷ đồng của 315 bị hại. Mặc dù Bàng đã bị Tòa tuyên án chung thân về hành vi lừa đảo và buộc phải trả lại tiền cho các bị hại, nhưng đến nay các bị hại vẫn chưa nhận được là bao, vì đa phần số tiền đó đã tẩu tán, cơ quan điều tra không thu hồi được hết.       

Hay như vụ Trần Ứng Thanh, Tổng giám đốc CTCP Vật liệu xây dựng và Xuất nhập khẩu Hồng Hà, cùng đồng bọn đã đứng ra huy động vốn góp của 143 khách hàng với số tiền 169 tỷ đồng để mua nhà của Dự án đầu tư khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ. Điều đáng nói là Công ty Hồng Hà không hề được giao thực hiện dự án này. Khi lừa được tiền, các bị cáo đã tiêu xài và tẩu tán, không còn khả năng khắc phục. Mặc dù TAND TP. Hà Nội tuyên Trần Ứng Thanh án chung thân và phải trả lại tiền cho các bị hại, nhưng hầu như các nạn nhân không nhận được đồng nào. Nghe xong bản án, nhiều người bị hại đã bật khóc vì không biết bao giờ mới có thể đòi lại được tiền.

Theo luật sư Lê Việt Hà, các khách hàng của Housing Group tại Dự án chung cư B5 Cầu Diễn rất có thể phải chịu rủi ro như vậy.

Về khả năng nếu có nhà đầu tư khác vào xây dựng thành công dự án khu nhà CT5 và HH2 tại B5 Cầu Diễn thì quyền lợi mua căn hộ của khách hàng sẽ được đảm bảo ra sao,  luật sư Hà cho rằng, khi đó phải căn cứ vào thỏa thuận chuyển nhượng dự án. Chủ đầu tư mới sẽ phải tính toán giá trị những phần việc mà dự án đã làm được, tính toán khối lượng công việc còn lại để ra mức chi phí khi hoàn thiện dự án. Có thể khách hàng phải đóng thêm tiền để sở hữu căn hộ.

“Đây là phương án khả thi nhất trong những vụ việc như thế này!”, luật sư Hà nói!

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Hà Quang
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục